“Áp lực với tỷ giá 2015 không quá lớn”
16/01/2015 11:22:53
Trước thách thức nhập siêu quay trở lại, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định tiền đồng năm nay sẽ không mất giá quá 2%, như cam kết của Ngân hàng Nhà nước.

Tin liên quan

Ngày 7/1, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng thêm 1% lên 21.458 đồng. Khác với nhiều lần điều chỉnh trước, tỷ giá của các ngân hàng thương mại lại có xu hướng giảm, thậm chí thấp hơn tới 300 đồng so với mức trần cho phép, chẳng hạn Vietcombank hiện nay niêm yết giá bán USD Mỹ ở mức 21.370 đồng, giảm 30 đồng so với trước khi tăng tỷ giá.

 

Trước vấn đề này, báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Ông Trương Văn Phước tin tưởng vào khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2015. Ảnh:Quý Đoàn

Ngân hàng Nhà nước vừa tăng tỷ giá thêm 1%, song tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại trong xu hướng giảm. Ông nhận định thế nào về hiện tượng này?

Tỷ giá chịu tác động bởi hai nhóm nguyên nhân chính: cung cầu và lạm phát. Ở khía cạnh thứ nhất, sự cải thiện của cán cân thương mại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và dự trữ ngoại hối đã tạo ra lực cung lớn trên thị trường, khiến thị trường ngoại tệ không còn xảy ra tình trạng khan hiếm như trước. Thứ hai, có tính chất căn bản hơn là lạm phát của Việt Nam năm qua ở mức thấp, tạo điều kiện cho đồng Việt Nam có cơ hội ổn định.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu cần sự hỗ trợ, điều chỉnh tỷ giá là điều thị trường đã dự báo được. Có thể thấy, thời gian qua những thông tin về tỷ giá được lan truyền trên thị trường tương đối sớm, rộng khắp, tạo ra tâm lý chuẩn bị trước và không có yếu tố tạo ra sự đầu cơ. Chính sự lan tỏa thông tin đồng đều và tâm lý ổn định đã tạo nên hành vi ứng xử những ngày qua.

Bên cạnh đó, tiền đồng vẫn đang có lãi suất cao hơn so với USD Mỹ. Theo lý thuyết, chênh lệch lãi suất là nhân tố quan trọng tạo ra giá trị hối đoái của đồng tiền đó, đồng tiền nào có lãi suất cao, đồng tiền đó được giá. Chừng nào tỷ giá có dấu hiệu bất ổn thì thành viên thị trường mới có sự điều chỉnh, còn nhìn chung đồng tiền nào có lãi suất cao thì đồng tiền đó có lợi thế.

Với hiện tượng này, ông bình luận thế nào về thời điểm Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá ngay những ngày đầu năm?

Đây là điều dễ hiểu. Ngân hàng Nhà nước luôn mong muốn một tâm lý ổn định trên thị trường ngoại hối, chính sách điều hành cũng luôn theo đuổi việc giảm giá tiền đồng một cách có liều lượng. 

Việc điều chỉnh tỷ giá ngay từ đầu năm nhằm mục tiêu khẳng định điều đó được thực hiện nhanh, rõ ràng, tạo ra tâm lý ổn định cho các thành viên.

 

Năm qua tín dụng ngoại tệ có thời điểm tăng cao hơn tín dụng tiền đồng, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Hiện vay ngoại tệ, cụ thể là vay USD Mỹ đang có lãi suất thấp hơn vay tiền đồng. Song, vay USD Mỹ lại phải cân nhắc đến rủi ro tỷ giá. Ví dụ doanh nghiệp vay một triệu USD Mỹ so với vay 21 tỷ đồng thì vay USD lãi suất thấp hơn, nhưng nếu tỷ giá không ổn định thì lợi ích này sẽ là vô nghĩa. Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ giá ổn định từ năm ngoái đến nay cộng với lãi suất thấp, chắc chắn người vay sẽ tìm đến ngoại tệ nhiều hơn.

Song, chúng ta đều biết Việt Nam kiên trì theo đuổi chính sách chống USD hóa vì không muốn đồng ngoại tệ đi sâu vào bảng cân đối của các ngân hàng thương mại, cũng như phạm vi sử dụng ngoại tệ sẽ ngày càng phát triển. Đây chính là nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước phải đề ra các chính sách hạn chế cho vay, huy động ngoại tệ để thực hiện lộ trình này.

Nhưng thực tế đã có những lúc tín dụng ngân hàng tăng trưởng chủ yếu nhờ ngoại tệ. Ông nghĩ sao?

 

Tại sao lại phải quan tâm quá nhiều đến việc đồng tiền nào, hay ví von là chiếc xe nào đã chuyển tải hành khách từ nơi này đến nơi kia. Người ta đi bằng xe buýt, xe máy hay đi bộ không quan trọng, điều quan trọng là họ đến đích. Còn dùng phương tiện nào lại phụ thuộc vào bài toàn khác, xe máy nhiều tốt hay không, xe buýt ít có hại không, đi bộ nhiều sẽ thế nào.... Đây là bài toán giao thông vận tải.

Quay trở lại vấn đề, bài toán chúng ta muốn nói đến là làm sao chuyển tải vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp thích vay đồng tiền nào xuất phát từ một cơ chế điều chỉnh rất tự động, liên quan đế lãi suất, tỷ giá và các khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngoại hối mà Việt Nam đang thực thi.

Ông nhận định như thế nào về tỷ giá năm 2015?

Giả sử Việt Nam có thể nhập siêu vài ba tỷ USD Mỹ trong năm nay, song đây cũng không phải vấn đề quá lớn tạo áp lực lên tỷ giá bởi trong quá khứ chúng ta cũng từng nhập siêu nhiều. Tôi cho rằng trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định như hiện nay, chúng ta có thể đảm bảo cho tiền đồng không mất giá quá 2% như cam kết của Ngân hàng Nhà nước.

- Lãi suất của nhiều ngân hàng đang giảm dần, thậm chí thấp hơn mức trần. Dự báo xu hướng lãi suất và tăng trưởng tín dụng thời gian tới sẽ thế nào thưa ông?

Lãi suất bao nhiêu là chuyện hệ trọng của Ngân hàng Nhà nước. Nhà điều hành phải tính được lãi suất ở mức bao nhiêu có thể chấp nhận được và nếu giảm lãi suất có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, tạo ra rủi ro lạm phát, cung tiền hay không. Tôi cho rằng đây là bài toán của cơ quan quản lý.

Tiêu dùng hiện đã có dấu hiệu khởi sắc hơn thông qua chỉ số bán lẻ, đầu tư toàn xã hội cũng tăng lên. Những yếu tố này tác động tích cực lên tổng cầu. Tổng cầu tốt hơn sẽ kéo theo nhu cầu vốn cho nền kinh tế, thể hiện qua tín dụng nội địa, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư gián tiếp, vốn hỗ trợ phát triển (ODA)... Đây là lý do tại sao chúng ta vẫn lạc quan về tăng trưởng tín dụng năm 2015.

Theo Vnexpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến