Áp lực xử lý triệt để nợ xấu ngân hàng
15/08/2016 13:45:58
Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến hết tháng 6-2016 ở mức 2,58%, giảm 0,2% so với mức 2,78% vào tháng 5-2016. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của một số TCTD vừa công bố cho thấy, nợ xấu có xu hướng gia tăng tại không ít ngân hàng trong nửa đầu năm nay. Đây tiếp tục là những thách thức, áp lực mà các ngân hàng phải đối mặt khi giải quyết vấn đề nợ xấu một cách hiệu quả.

Tin liên quan

Làm sao dỡ nợ khỏi "kho"?

Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã khép lại với một trong những thành quả mà toàn hệ thống đã đạt được là đưa nợ xấu về mức hợp lý dưới 3%. Kết quả này có được từ sự trợ giúp không nhỏ của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) khi đứng ra "gánh thay" một khoản nợ lớn của các NH. Theo đó, tính từ ngày 1-10-2013 đến 18-6-2016, VAMC đã mua 24.618 khoản nợ với tổng dư nợ gốc 247.448 tỷ đồng, giá mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) là 211.993 tỷ đồng. Nhưng dù đã mua được một khối lượng lớn nợ xấu như vậy nhằm giúp giảm gánh nặng cho các TCTD, nhưng việc xử lý chúng lại không hề dễ dàng. Cũng theo số liệu từ VAMC, lũy kế từ năm 2013 đến thời điểm này, VAMC phối hợp các TCTD mới chỉ thực hiện thu hồi được khoảng 34 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 16% trên TPĐB phát hành (riêng năm 2016 thu được 11 nghìn tỷ đồng). Điều này cho thấy, vẫn còn một khoản nợ khá lớn còn nằm trong "kho".

Theo nhiều ý kiến, xử lý nợ xấu hiện nay mặc dù đã có sự thay đổi về lượng nhưng không thay đổi căn bản về chất. Với kết quả thu hồi nợ mà VAMC có được chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với những khoản nợ mà họ đã thu mua, cho thấy việc làm thế nào để dỡ được số nợ đang cất giữ trong kho còn nhiều khó khăn. Tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC thời gian qua còn chậm bởi nhiều lý do, trong đó vướng nhất là do cơ chế và quyền lực còn nhiều bó buộc.

Để tháo gỡ những khó khăn này, mới đây, NHNN đã ban hành một số văn bản nhằm "rộng đường" cho VAMC hơn trong vấn đề xử lý nợ xấu. Cụ thể, là Quyết định số 618/QĐ-NHNN cho phép VAMC chính thức được triển khai phương án mua bán nợ xấu theo giá thị trường trong khuôn khổ những quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, trình tự và giá mua nợ; vốn sử dụng để mua nợ; xử lý các khoản nợ xấu đã mua. Tiếp đến, là Thông tư số 08/TT-NHNN về mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC. Điểm đáng chú ý của Thông tư này là đã trao cơ chế chủ động và quyền hạn nhiều hơn cho VAMC trong công tác xử lý, thu hồi nợ xấu và tạo điều kiện cho các TCTD có cơ hội ghi nhận doanh thu từ việc bán nợ...

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng SeABank. Ảnh: VIỆT PHONG

Những thay đổi về chính sách này mở ra kỳ vọng xử lý nhanh và triệt để hơn vấn đề nợ xấu, nhất là số nợ xấu còn tồn đọng lớn trong kho. Cơ sở và hành lang pháp lý đã có, VAMC hiện đang khẩn trương bắt tay vào việc triển khai mua bán nợ theo giá thị trường. Song, theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) VAMC Nguyễn Quốc Hùng, đây cũng là vấn đề hết sức khó khăn bởi nếu bán với giá quá cao thì không ai mua mà bán rẻ quá thì TCTD không đồng ý. "VAMC không dám bán giá thấp do sợ thất thoát vì công ty chưa có cơ chế rõ ràng hay quyền tự quyết bán tài sản bảo đảm mà vẫn phải chờ vào sự hợp tác của các con nợ" - Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm

Như vậy có thể thấy, dù đã được trao thêm nhiều quyền hạn nhưng quyền tự quyết đối với tài sản bảo đảm (TSBĐ) lại chưa đầy đủ cũng khiến VAMC không thể xử lý nợ một cách triệt để như kỳ vọng. Và đây cũng là vấn đề gây đau đầu cho không ít NH, khiến họ nhiều khi lâm vào tình cảnh không biết làm sao giải quyết số TSBĐ này khi con nợ cố tình chây ỳ như trong thời gian qua. Hiện nay, tài sản thế chấp vay nợ chiếm hơn 70% TSBĐ bằng bất động sản, là những tài sản không dễ bán. Theo chia sẻ của một số lãnh đạo NH, với TSBĐ của khách hàng tại NH chủ yếu là bất động sản như vậy, lại thêm quy trình xin cấp giấy chứng nhận hay chuyển quyền giấy chứng nhận nhà đất rắc rối và mất nhiều thời gian; chưa kể từ lúc NH khởi kiện đến khi thi hành án là một khoảng thời gian rất lâu..., cho nên có thể nói việc xử lý nợ xấu của NH gặp nhiều khó khăn.

Lấy kinh nghiệm từ chính những vụ việc khi xử lý nợ xấu tại NH, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Techcombank Thiệu Ánh Dương nêu một thực tế: Hiện nay, dù được quyền khởi kiện ra tòa nhưng với việc kéo dài thời gian của hoạt động tố tụng, thi hành án kết hợp với việc đương sự chây ỳ, cố tình vận dụng luật để trì hoãn việc trả nợ,... đang gây rất nhiều khó khăn cho các NH. Có những trường hợp NH thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật để thu giữ tài sản, nhưng chính quyền địa phương lại yêu cầu NH phải trả tài sản thu giữ hoặc không cho thu giữ khi cho rằng hoạt động này là trái pháp luật. "Chính sự hiểu chưa đúng, chưa đồng bộ về pháp luật đã ảnh hưởng rất nhiều, không chỉ quá trình xử lý nợ của NH mà còn tạo hình ảnh xấu về NH, trong khi thực tế là NH đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí cả về "tính mạng" khi đi thu hồi nợ" - ông Dương chia sẻ.

Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội Hoàng Việt Trung cũng cho rằng, hiện cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, TSBĐ còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD và VAMC xử lý. "Để giải quyết hiệu quả số nợ xấu tích tụ trong nhiều năm qua, nỗ lực riêng của ngành NH là chưa đủ mà còn cần có sự tham gia quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan công an và doanh nghiệp. Đồng thời, cần có cơ chế phù hợp để hỗ trợ xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu" - Phó giám đốc Hoàng Việt Trung kiến nghị.

Ngay cả với VAMC, dù đã được bổ sung nhiều quyền hạn nhưng quyền tự quyết đối với TSBĐ chưa đầy đủ cũng khiến công ty này vẫn còn nhiều hạn chế trong xử lý. Theo Chủ tịch HĐTV Nguyễn Quốc Hùng, trong tổng số khoảng 34 nghìn tỷ đồng mà VAMC đã thu hồi được, thì khách hàng trả nợ 24.700 tỷ đồng; TCTD, thi hành án và VAMC cùng bán TSBĐ được 5.700 tỷ đồng và bán nợ được 3.500 tỷ đồng. Như vậy để thấy rằng, việc bán nợ và bán TSBĐ là vô cùng khó khăn. Vì vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng Chính phủ cần sớm có sự rà soát lại những bất cập trong các quy định của Luật có ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ, từ đó có những kiến nghị lên Quốc hội để có sự điều chỉnh, bổ sung bằng pháp luật cho phù hợp.

Mặt khác, để hạn chế nợ xấu phát sinh, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các NH cần nâng cao trình độ thẩm định khi xét duyệt hồ sơ vay vốn để giảm thấp nhất những rủi ro không đáng có. Nhất là, cần nâng cao khả năng cảnh giác, nhận thức của các cán bộ tín dụng khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, không vì áp lực tìm kiếm khách hàng mà có những việc làm không đúng với quy trình, quy định cấp tín dụng.

Để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, chúng ta phải trả lời được câu hỏi liệu người mua có toàn quyền đối với khoản nợ, TSBĐ đó không? Và để trả lời câu hỏi này, đòi hỏi những vướng mắc liên quan đến các luật cần phải được tháo gỡ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chờ từng luật sửa đổi mà cần có một luật riêng với cơ chế đặc thù cho VAMC để công ty này mạnh tay xử lý số nợ lớn đang "ứ đọng" tại đây.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU Chuyên gia ngân hàng

Theo Nhân dân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến