Dòng sự kiện:
Argentina phá giá đồng tiền chính thức của đất nước
21/08/2023 14:02:00
Chính phủ Argentina đã phá giá đồng tiền của mình gần 18% và tăng lãi suất 21 điểm phần trăm do áp lực gia tăng trên thị trường tài chính nước này sau cuộc bầu cử sơ bộ.

Hạ nghị sĩ của Argentina, Javier Milei, một người theo chủ nghĩa tự do cực hữu muốn cắt giảm ngân hàng trung ương và đô la hóa nền kinh tế, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ của nước này với tỷ lệ phiếu bầu đạt được là 30%. Một số nhà đầu tư cho rằng dù ai là người thắng trong cuộc bầu cử chính thức và trở thành Tổng thống Argentina thì cán cân quyền lực của nước này có vẻ như vẫn sẽ dịch chuyển về phe hữu.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Argentina đưa ra tỷ giá chính thức được đặt cố định ở mức 350 Peso đổi 1 USD cho tới cuộc bầu cử tháng 10. Tỷ giá Peso trên thị trường “chợ đen” giảm 10%, xuống mức thấp kỷ lục 675 Peso đổi 1 USD trước khi kết thúc ngày giao dịch ở mức 665 Peso đổi 1 USD - theo dữ liệu từ Eikon.

William Jackson, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho biết: “Động thái phá giá tiền tệ sẽ giúp đưa nó đến gần hơn với giá trị hợp lý. Nhưng thực tế là đồng peso sẽ được giữ ổn định cho đến cuộc bầu cử, thay vì việc được phép giảm giá (như chính sách cho đến nay) sẽ dẫn đến việc đồng tiền này bị định giá quá cao một lần nữa trong những tháng tới.”

Ngân hàng JPMorgan Chase cảnh báo tình hình tài chính của Argentina “sẽ tiếp tục xấu đi”. Còn theo ngân hàng Goldman Sachs, chính sách tỷ giá “áp dụng trong tương lai thậm chí còn quan trọng hơn quyết định phá giá đồng tiền ngày hôm nay”.

Những năm khủng hoảng

Trong bối cảnh nhiều năm khủng hoảng kinh tế, thị trường Argentina đã chao đảo từ lâu. Sau một kết quả gây sốc trong cuộc bầu cử sơ bộ tương tự vào năm 2019, trái phiếu và tiền tệ đã sụp đổ và vẫn ở trong tình trạng khốn khó. Chính phủ Argentina không thể rút lại các biện pháp kiểm soát vốn mà họ đã triển khai để hỗ trợ đồng Peso, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Mỹ Latin chật vật xoay sở với mức lạm phát “khủng” và dự trữ ngoại hối ngày càng giảm.

Tổng dự trữ ngoại hối của nước này hiện ở mức 23,8 tỷ USD, nhưng các nhà phân tích cho rằng mức dự trữ ròng - sau khi trừ đi các nghĩa vụ nợ - là âm hơn 8 tỷ USD. Theo dự báo, lạm phát cả năm nay ở Argentina là vượt 140%.

Argentina hiện là con nợ lớn nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với chương trình vay 44 tỷ USD được định chế này phê chuẩn vào tháng 3 năm ngoái để đảo nợ một khoản vay vào năm 2018. Để thực hiện các đợt trả nợ IMF, Argentina đã phải vay tiền của Trung Quốc và Qatar. Nước này đang chờ những khoản giải ngân tiếp theo trị giá khoảng 7,5 tỷ USD từ IMF, nhưng tiến trình đang bị trì hoãn.

Tác giả: Huy Nguyễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến