Ba lý do NHNN quyết không hoãn thời hạn áp dụng Thông tư 36
14/01/2015 16:51:16
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là giữ nguyên thời hạn hiệu lực của Thông tư 36 từ ngày 1/2/2015.

Tin liên quan

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là giữ nguyên thời hạn hiệu lực của Thông tư 36 từ ngày 1/2/2015 vì sự an toàn của hệ thống ngân hàng, tài chính và vì mục tiêu thực hiện tái cấu trúc các TCTD.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, quy định tại Thông tư 36 quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư, kinh doanh chứng khoán nói chung, cổ phiếu nói riêng.

“Thực tế, quy định này còn góp phần kiểm soát, hạn chế sở hữu chéo và rủi ro hoạt động kinh doanh chứng khoán đối với TCTD có tỷ lệ đầu tư kinh doanh chứng khoán cao, giành thêm một lượng vốn khá lớn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phục vụ tăng trưởng kinh tế, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Đây là giải pháp chính sách nhằm cơ cấu lại hoạt động của TCTD theo hướng an toàn, lành mạnh hơn như Đề án tái cơ cấu các TCTD đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt”, Phó Thống đốc Hồng nhấn mạnh.

Ảnh minh họa.

Ba lý do để không hoãn Thông tư 36

Theo bà Hồng, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào cổ phiếu từ ngân hàng là cần thiết không chỉ vì lý do an toàn hoạt động ngân hàng mà còn vì sự ổn định của thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, vốn tín dụng đầu tư chứng khoán chủ yếu vốn ngắn hạn. Nếu không kiểm soát làm cho thị trường chứng khoán kém ổn định, tạo điều kiện cho các hoạt động đầu cơ, thao túng giá trị cổ phiếu dẫn đến giá trị cổ phiếu lên, xuống một cách bất hợp lý do dòng vốn ngắn hạn gây nên.

“Giá trị giao dịch cổ phiếu lên hay xuống phải xuất phát từ hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty phát hành, chứ không phải từ nguồn vốn đầu tư ngắn hạn, tạo ra cầu ảo về chứng khoán”, bà Hồng phân tích.

Thứ hai, vốn của ngân hàng chủ yếu là vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế, vì vậy phải được sử dụng cho các mục đích an toàn, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả mua trái phiếu doanh nghiệp), đem lại giá trị vật chất gia tăng thay vì ngân hàng dùng vốn huy động từ tổ chức kinh tế, tiết kiệm của dân cư để đầu tư rủi ro dẫn đến không trả nợ được cho người gửi tiền.

Thứ ba, trong thời gian qua, việc kiểm soát không hợp lý, chưa chặt chẽ vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào thị trường chứng khoán dẫn đến thị trường chứng khoán nhiều lúc biến động bất thường, gây rủi ro lớn ở nhiều TCTD do giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng, trong đó đã có TCTD lâm vào tình trạng khó khăn tài chính, mất khả năng thanh khoản, tiền gửi của nhân dân không được bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD đã và đang đi đúng hướng theo mục tiêu “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ và “Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng” ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013.

“Thông tư 36 tạo lập nên chuẩn mực mới cao hơn về an toàn hoạt động ngân hàng và thanh tra, giám sát, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD, bảo đảm phát triển bền vững hậu tái cơ cấu và hội nhập quốc tế. Các TCTD hiện đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện”, bà Hồng nhấn mạnh.

Tỷ lệ cho vay chứng khoán còn khoảng 4,5%

Cùng với thông điệp phát đi của Ngân hàng Nhà nước là thông tin của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước về dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các TCTD tại các thời điểm tháng 8, tháng 9 và tháng 11/2014.

Theo đó, tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán của các TCTD trong 3 tháng này lần lượt là 18.537,05 tỷ; 19.291,61 tỷ; 20.130,29 tỷ chiếm lần lượt 4,26%; 4,43%; 4,62% so với vốn điều lệ, vốn được cấp.

Như vậy, tỷ lệ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các TCTD trung bình tại các thời điểm trên ở mức khoảng 4,5% so với vốn điều lệ, vốn được cấp.

Cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán năm 2014 ở mức trung bình trên dưới 3 nghìn tỷ/ngày, được đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau như nguồn vốn tự có của nhà đầu tư, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ...

Với mức vốn điều lệ tại thời điểm tháng 12/2014 của toàn hệ thống khoảng 453.292 tỷ đồng, tổng mức cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu với tỷ lệ quy định tại Thông tư 36 sẽ là khoảng 22.665 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ số rủi ro đối với tài sản có để đầu tư, kinh doanh chứng khoán được giảm từ 250% (tại Thông tư 13) xuống còn 150%.

Đối với các NHTM có mức cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu vượt mức 5% quy định, Khoản 1 Điều 22 Thông tư 36 quy định: Đối với các hợp đồng được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký, TCTD, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến khi hết thời hạn của hợp đồng.

Như vậy, Thông tư 36 chỉ quy định giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu để hạn chế sở hữu chéo, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay đối với các lĩnh vực có nhiều rủi ro. Thông tư 36 không hạn chế việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh các loại chứng khoán khác, trừ cổ phiếu.

Ngoài ra, theo cơ quan này, việc Thông tư 36 quy định hệ số rủi ro giảm từ mức 250% xuống còn 150% cũng là nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Theo Bizlive
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến