Bắc Giang kêu gọi "chia lửa"....
Ngày 9/6, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị đưa người lao động đang lưu trú tại tỉnh Bắc Giang trở về địa phương nơi thường trú.
Theo đánh giá, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số khu nhà trọ quanh các khu công nghiệp của tỉnh do có nhiều người lao động ngoài tỉnh đang lưu trú với mật độ rất cao.
Vì vậy, UBND tỉnh Bắc Giang có kế hoạch đưa lao động ngoại tỉnh trở về địa phương để đảm bảo an toàn cho người lao động (khoảng 60.000 người ngoại tỉnh), hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; đồng thời, cũng góp phần giúp tỉnh Bắc Giang bớt đi những khó khăn khi phải vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phải đảm bảo hậu cần phục vụ hàng vạn người lao động chưa trở lại làm việc, đang ở trong các khu phong tỏa, cách ly.
Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, tỉnh này đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố cùng "chia lửa" với tỉnh để đón công nhân của tỉnh mình về địa phương.
Tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương liên quan tổ chức đón người lao động chưa đi làm của tỉnh, thành phố trở về địa phương khi đã đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch COVID-19: Các trường hợp F0 đã được chữa khỏi bệnh, các trường hợp F1 đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung, đủ điều kiện trở về cách ly tại nhà; các trường hợp công nhân đang ở trong các vùng cách ly, giãn cách xã hội, cách ly y tế đã xét nghiệm RT-PCR âm tính nhiều lần với virus SARS-CoV-2.
Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, thời điểm dịch bùng phát mạnh, tỉnh Bắc Giang đã đưa ra quyết định mang tính chất "cân não" là cho tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, với số lượng khoảng 160.000 công nhân, trong đó có khoảng 60.000 công nhân ngoại tỉnh.
Sau khi có quyết định tạm dừng 4 khu công nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã có văn bản kêu gọi công nhân ngoại tỉnh ở lại Bắc Giang, không di chuyển về địa phương.
"Quyết định tạm dừng 4 khu công nghiệp là rất khó khăn. Ngoài ra, quyết định giữ chân khoảng 60.000 công nhân các tỉnh ở lại là Bắc Giang chấp nhận rủi ro, chấp nhận vất vả, nhưng nếu để số công nhân này về các địa phương thì cả nước sẽ bùng dịch, dịch sẽ nở như hoa", ông Thái chia sẻ.
Về công tác lo hậu cần cho 60.000 công nhân ngoại tỉnh nói trên trong khu cách ly, vùng phong tỏa cũng rất áp lực với tỉnh Bắc Giang, ông Thái chia sẻ, mỗi ngày phải cung ứng khoảng 20 tấn gạo cho công nhân ngoại tỉnh, chưa kể các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm khác. Do đó, thời điểm này dịch đã cơ bản được khống chế, Bắc Giang đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố cùng "chia lửa" với tỉnh để đón công nhân của tỉnh mình về địa phương.
Trước đó, như UBND tỉnh thông báo, trong thời gian công nhân cách ly, điều trị bệnh, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ tiền ăn cho mỗi F0 là 80.000 đồng/người/ngày; các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu cho người lao động tỉnh ngoài, đang ở vùng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, với mức hỗ trợ là 75.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, để hỗ trợ người lao động ổn định đời sống, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các cấp đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ như phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương duy trì hoạt động của 29 "Siêu thị 0 đồng"; chỉ đạo Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, LĐLĐ huyện Việt Yên, Yên Dũng, thành phố Bắc Giang phối hợp cung cấp nhu yếu phẩm đến 29 "Siêu thị 0 đồng"; vận động cán bộ công đoàn cơ sở và đoàn viên ủng hộ, quyên góp hàng hóa, muối lạc để cung cấp cho 29 "Siêu thị 0 đồng" và tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ công nhân viên chức lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19; chỉ đạo Tổ cứu trợ khẩn cấp mang nhu yếu phẩm trực tiếp đến những nơi cần gấp.
…Các địa phương sẵn sàng
"Số 60.000 công nhân ngoại tỉnh ở rải rác khắp 61 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không đề nghị hết 61 tỉnh, thành phố, mà chỉ đối với các tỉnh có số lượng công nhân đông. Những công nhân đủ điều kiện trở về địa phương là đã hoàn thành cách ly 21 ngày, 3-4 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2", ông Thái nói.
Một số địa phương sẵn sàng "chia lửa" với Bắc Giang, có kế hoạch đón công nhân trở về địa phương.
Về công tác đón công nhân về địa phương, sáng 12/6, trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, hiện có khoảng 500 lao động Hải Dương ở Bắc Giang. Ngay khi nhận được văn bản đề nghị, Hải Dương đã lên kế hoạch và dự kiến khoảng ngày 15-16/6 sẽ bố trí xe đến Bắc Giang đưa số lao động này về địa phương.
Còn theo ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, địa phương đã nhận được văn bản đề nghị của tỉnh Bắc Giang và đã có phương án để sẵn sàng đón lao động về Bắc Kạn cách ly. Số lao động của Bắc Kạn đang ở Bắc Giang là khoảng 1.100 người.
Dự kiến, sáng sớm ngày mai (13/6), Bắc Kạn sẽ bố trí xe đến Bắc Giang đón số lao động này về. Khi về địa phương, 1.100 lao động của Bắc Kạn sẽ tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và cách ly tập trung thêm 7 ngày.
Lãnh đạo một số địa phương khác giáp ranh với Bắc Giang cũng cho biết đã nhận được văn bản và sẵn sàng "chia lửa" với Bắc Giang để chung tay dập dịch.
Sa Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy