Mùa đông năm nay sẽ là thời điểm để các công ty dự trữ khí đốt tự nhiên kiếm tiền nhờ giá cao ở châu Âu: nguồn cung thiếu hụt và thời tiết lạnh hơn vào cuối năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, việc giá bán buôn giảm mạnh gần đây đang ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế của họ.
Ảnh: Yahoo News
Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng được một lá chắn quan trọng cho mùa đông năm nay, khi dự trữ khí đốt của khu vực đã gần đầy. Dù vậy, một số nhà cung cấp hiện muốn giữ lại lượng dự trữ đó cho đến khi họ có thể bán khí đốt với mức giá hấp dẫn hơn.
Một động thái như vậy sẽ đẩy giá thị trường lên cao hơn, làm tổn hại thêm nền kinh tế vốn đã đi vào suy thoái của châu Âu, chủ yếu do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với thị trường năng lượng.
Đau đầu vì giá khí đốt giảm
Khí đốt thường được các nhà kinh doanh dịch vụ tiện ích và năng lượng bơm vào kho chứa từ mùa hè khi giá xuống thấp và được đưa trở lại thị trường vào mùa đông khi giá tăng. Năm nay, các hợp đồng đi theo hướng ngược lại, họ phải mua khí đốt tích trữ với giá cao và phải đưa ra thị trường ở thời điểm giá đang xuống thấp. Điều đó có nghĩa là một số công ty, đặc biệt là ở Đức - nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất trong khu vực, có thể sẽ chịu thiệt hại đáng kể.
Giá nhiên liệu vào mùa hè có lúc lên tới 340 euro/megawatt-giờ. Các hợp đồng chuẩn cho mùa đông hiện giao dịch thấp hơn gần một nửa, ở mức gần 140 euro.
Ông Henning Gloystein, Giám đốc phụ trách năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Tập đoàn Eurasia ở London cho biết: “Đây là một vấn đề thực sự. Nó chỉ có thể được giải quyết nếu các công ty chấp nhận chịu lỗ và bán lại lượng khí đốt đã mua với giá cao từ trước với giá rẻ hơn hiện nay”.
Nếu nguồn dự trữ bị giữ lại vì bất cứ lý do gì, sẽ chỉ còn một nguồn khí đốt cung cấp hàng ngày do các tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ hoặc Qatar cung cấp, hoặc khí đốt bằng đường ống từ Na Uy và Bắc Phi. Châu Âu đang dựa vào những nguồn khí đốt này.
Nếu châu Âu kêu gọi tăng cường nguồn cung hàng ngày, giá khí đốt sẽ tăng trở lại.
“Các công ty sẽ mua khí đốt vào ngày hôm trước để bán lại vào ngày hôm sau thay vì lấy từ kho dự trữ, miễn là họ có thể tối đa hóa lợi nhuận”, ông Leon Izbicki, nhà phân tích khí đốt tại Energy Aspects nhận định.
Cái giá mà châu Âu phải trả để đảm bảo kho dự trữ khí đốt trong năm nay lên tới hàng chục tỷ USD. Mặc dù các nhà buôn thường bán khí đốt ngay sau khi nhận để phòng ngừa rủi ro, họ vẫn có thể bị lỗ do chênh lệch giá. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các công ty dịch vụ và các công ty phụ thuộc nhiều vào các hợp đồng dài hạn với Nga - quốc gia đáp ứng 20% nhu cầu khí đốt tại Liên minh châu Âu vào mùa đông năm 2021.
Các chính phủ có thể can thiệp để giải phóng kho dự trữ
Châu Âu đã tăng cường dự trữ, dù vậy, theo các tài liệu mà Bloomberg thu thập được, chỉ khoảng 10% khí đốt nằm trong sự kiểm soát trực tiếp của lĩnh vực công thông qua các kho dự trữ chiến lược quốc gia.
Một số hợp đồng mua nhiên liệu trong mùa hè do các công ty sử dụng viện trợ của nhà nước thực hiện, đặc biệt là ở Đức. Chính phủ đã chi 15 tỷ euro (15 tỷ USD) cho Trading Hub Europe, công ty quản lý thị trường khí đốt của Đức, để mua nhiên liệu dự trữ. Tập đoàn này đã mua khoảng 60 terawatt-giờ khí đốt, tương đương với khoảng 25% công suất lưu trữ của cả nước.
Để tránh rủi ro về nguồn cung, các chính phủ cũng có thể tìm cách ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp này, Đức và nhà chức trách các nước khác sẽ có quyền ra lệnh giải phóng các kho dự trữ.
Đức đã thông qua luật bắt buộc thực hiện mục tiêu về dự trữ khí đốt. Nước này đã đạt được mục tiêu lấp đầy 95% các cơ sở dự trữ trước ngày 1/11 và yêu cầu mức 40% trước ngày 1/2 năm sau. Đơn vị vận hành các cơ sở dự trữ có nguy cơ bị phạt nếu họ không đáp ứng được các mức đó.
Khoảng lặng trước cơn bão?
Các hợp đồng giao sau đã mất khoảng 70% giá trị so với mức đỉnh của tháng 8 do thời tiết tháng 10 ấm áp bất thường, khiến nhu cầu chững lại và việc rút khí đốt từ các kho dự trữ bị trì hoãn.
Châu Âu còn phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung tạm thời, đặc biệt là LNG. Tuy nhiên, họ cần phải giữ giá khí đốt cao hơn châu Á để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh nguồn cung LNG trong dài hạn.
Với thực tế thị trường khí đốt châu Âu đã phải thắt chặt khi mất nguồn cung từ Nga, hầu hết những người theo dõi ngành công nghiệp tin rằng việc giá tăng trở lại là vấn đề thời điểm chứ không phải có tăng hay không.
Nhiệt độ được dự báo sẽ giảm xuống dưới mức trung bình vào giữa tháng 11, theo Weather Company.
Nhà phân tích Stefan Ulrich của BloombergNEF cho biết: “Thời tiết lạnh giá, nhu cầu tăng hoặc dòng chảy LNG ở dưới mức kỳ vọng có thể khiến giá quay trở lại mức cao hơn”./.
Tác giả: Hoàng Phạm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy