Bán dòng xe cho Thu Minh, Cường đô la, nhà phân phối Mercedes ngồi trên đống nợ
05/10/2016 09:29:29
ANTT.VN – Tính đến cuối tháng 6/2016, nợ phải trả của Haxaco tăng lên 524 tỷ đồng, gấp gần 5 lần vốn điều lệ, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các khoản vay ngân hàng với tài sản bảo đảm là các giấy tờ xe ô tô hạng sang mang thương hiệu ngôi sao ba cánh - Mercedes Benz.

Tin liên quan

Mercedes Benz là dòng xe sang được giới nhà giàu ưa chuộng

CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (mã HAX) được ra đời khá sớm so với nhiều đơn vị kinh doanh mặt hàng này trên thị trường nội địa, đặc biệt với bước ngoặt xảy ra vào năm 2004 khi HAXACO trở thành nhà phân phối của Công ty Liên doanh Mercedes Benz Việt Nam (MBV), công ty đã xác định chiến lược kinh doanh rõ ràng với phân khúc khách hàng cao cấp, chuyên bán thương hiệu xe sang Mercedes Benz.

Cũng kể từ đó, Haxaco liên tục nâng cao vốn điều lệ từ mức vỏn vẹn 4,5 tỷ đồng khi mới bắt đầu cổ phần hóa lần lượt lên mức 11,2 tỷ đồng (năm 2003), 16,2 tỷ (năm 2005), 43,3 tỷ đồng (năm 2008), 80,5 tỷ đồng (năm 2009) và hiện nay đã tăng lên con số 111,2 tỷ đồng nhằm tạo dựng thương hiệu và cạnh tranh thị phần với hàng loạt những ông trùm phân phối dòng xe ô tô cao cấp này.

Tuy nhiên, sau hơn một thập kỉ tự hào là nhà phân phối đầu tiên của thương hiệu nổi tiếng Mercedes- Benz tại Việt Nam, những dấu ấn mà Haxaco tạo dựng được chỉ đạt được mức thấp – chưa kể đến việc phải “cày” để bù đắp khoản lỗ lũy kế từ trước, thị phần bán xe kém xa các nhà phân phối khác như An Du, Vietnam Star…

Sống nhờ tiền hỗ trợ từ Mercedes Benz Việt Nam

Bi kịch đối với Haxaco bắt đầu từ năm 2011 với khoản lỗ sau thuế hơn 12 tỷ đồng khi mà doanh thu bán xe và dịch vụ sửa chữa không đủ bù đắp các khoản chi phí về giá vốn, chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí tài chính gần gấp đôi khoản lỗ trên.

Thị phần kinh doanh của Haxaco trong MBV Việt Nam cũng giảm liên tục, từ hơn 30% trong năm 2008 xuống vòn chưa đầy 20% trong năm 2011.

Theo giải trình từ phía Haxaco, nguyên nhân để xảy ra thua lỗ chủ yếu đến từ lý do khách quan từ ảnh hưởng của thị trường trầm lắng, đặc biệt phân khúc khách hàng của dòng xe cao cấp, kế hoạch bán vốn cho đối tác chiến lược thất bại khiến kế hoạch đầu tư cho Showroom & Workshop cũng sụp đổ theo.

Năm 2012, Haxaco tiếp tục lỗ thêm 24 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên 33,6 tỷ do doanh thu tiếp tục lao dốc không phanh, các chi phí lại biến động ngược chiều song hành cùng sự cạnh tranh từ nhiều nhà phân phối dòng xe Mercedes xuất hiện trên thị trường.

Với kết quả kinh doanh “ảm đạm” như trên, cổ phiếu HAX cũng nhận được “án” tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 4/2013 từ Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh do thua lỗ hai năm liên tiếp.

Kể từ năm 2013 đến nay, khoản lợi nhuận ít ỏi mà Haxaco đem về vẫn chưa đủ để bù đắp khoản lỗ lũy kế gây ra trong quá khứ, tình hình kinh doanh cũng đã “nhảy” qua điểm hòa vốn để lãi hơn… 1 tỷ đồng do tiết giảm hàng loạt chi phí.

Theo báo cáo tài chính mới nhất do Haxaco công bố, tính đến ngày 30/06/216, HAX đã có thể thở phào với những chỉ tiêu kinh doanh sáng sủa, doanh thu tăng vọt lên 1.298 tỷ đồng – tăng thêm 75% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay đã đạt 33,6 tỷ đồng và xóa sạch được lỗ lũy kế trước đây.

Thị trường nhận định sở dĩ doanh thu của Haxaco nửa đầu năm 2016 tăng cao chủ yếu do tâm lý của người tiêu dùng đã tranh thủ mua các loại xe dưới 10 chỗ ngồi trang bị động cơ dung tích xi-lanh từ trên 2,5l để tránh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, điều này tạo ra thuận lợi cho Ô tô Hàng Xanh với dòng xe Mercedes.

Mặc dù doanh thu bán xe có tăng nhưng xét về hiệu quả lợi nhuận thì việc phân phối thương hiệu xe sang với “ngôi sao ba cánh” chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận khác chính là tiền thưởng đạt chỉ tiêu bán hàng và hỗ trợ từ MBV Việt Nam, không phải từ hoạt động bán xe hay dịch vụ sửa chữa.

Nếu trừ đi khoản hỗ trợ này, kết quả kinh doanh năm 2015 của Haxaco đã có thể tiếp tục lỗ 6 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 3 tỷ đồng.

Nếu không có khoản tiền thưởng, hỗ trợ từ MBV, Haxaco có thể bị lỗ liên tục nhiều năm

Nợ vay tăng phi mã

Nhìn vào báo cáo tài chính nửa đầu năm 2016, cổ đông của Haxeco còn tiếp tục “méo mặt” khi xem xét khoản mục nợ phải trả đang có dấu hiệu tăng phi mã thời gian gần đây.

Cụ thể, cuối năm 2014, tổng nợ phải trả của Haxaco là 140 tỷ đồng tăng lên 311 tỷ vào cuối năm 2015 và vọt lên mức 524 tỷ đồng – tức tăng thêm hơn 200 tỷ trong vòng nửa năm. Bên cạnh đó, con số dư nợ chủ yếu nằm ở khoản vay ngắn hạn các nhà băng như Vietinbank, Vietcombank và Techcombank với tài sản đảm bảo chính là các chiếc xe hạng sang mà Haxaco đang đăng bán.

Những chiếc xe hạng sang Mercedes đang được Haxaco "cắm giấy tờ" vay ngân hàng hơn 350 tỷ đồng

Ngoài ra, một trong những chủ nợ gần đây của Haxaco chính là CTCP Sản xuất thương mại và Dịch vụ ô tô PTM – đơn vị sở hữu khu đất vàng 2.000m2 giữa lòng thủ đô Hà Nội mới được Haxaco thâu tóm với phương thức lạ bằng cách hoán đổi cổ phiếu tỷ lệ 10:8 vào đầu tháng 7 vừa qua.

Khoản tiền 18,5 tỷ đồng mà PTM cho Haxaco vay “hào phóng” không cần tài sản đảm bảo, lãi suất chỉ 6%/năm – thấp hơn rất nhiều so với mức lãi vay ngân hàng hiện nay.

Thương vụ Haxaco thâu tóm được PTM giữa lúc đơn vị này đang mắc phải nhiều khó khăn được các nhà đầu tư đặt lên bàn cân, về những giá trị cả hữu hình và vô hình mà Haxaco nhận được. Tuy nhiên, chưa ai bàn đến khoản cho vay hàng chục tỷ đồng đang thể hiện trên sổ của Haxaco sẽ được “xóa sạch” sau khi hợp nhất với PTM trong báo cáo sắp tới.

Con số nợ vay khủng trên – gấp gần 5 lần vốn điều lệ hiện tại của Haxaco báo hiệu một tương lai không mấy sáng sủa khi áp lực tài chính ngày càng đè nặng trên vai. Đặc biệt, tài sản lớn nhất của Haxaco đang sở hữu chính là hàng tồn kho hơn 350 tỷ đồng với đặc thù của ngành kinh doanh ô tô – càng để lâu càng dễ mất giá do đời xe cũ.

Chưa kể, theo dự báo thị trường ô tô trong những tháng cuối năm, tâm lý “mua xe – chạy thuế” đã hết, phân khúc xe hạng sang như khe cửa hẹp và đặc biệt áp lực cạnh tranh về giá của các hãng lớn đang ăn dần thị phần phân phối Mercedes sẽ là những trở ngại lớn của Haxaco trong tương lai gần.

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến