Dòng sự kiện:
Bán khách sạn, ‘đất vàng’ cứu Ngân sách: Biện pháp không khả thi
03/11/2015 15:17:53
ANTT.VN – Đây là ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường ông Đặng Hùng Võ xoay quanh câu chuyện bán khách sạn, ‘đất vàng’ thuộc sở hữu Nhà nước nhằm cứu Ngân sách như đề xuất của Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính VN (VAFI) đang xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Tin liên quan

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường ông Đặng Hùng Võ.

Theo ông Võ, trong bối cảnh ngân sách đang gặp khó, Chính phủ đang rất cần tiền như hiện nay thì bất cứ nguồn thu nào đối với với Ngân sách cũng đều là một cách tiếp cận đáng lưu ý. "Tôi cho rằng bán ‘đất vàng’ để cứu ngân sách trong thời điểm hiện tại là có thể xem xét tới, tuy nhiên không phải lựa chọn khôn ngoan”, ông Võ, nói.

Nguyên Thứ trưởng TN&MT Đặng Hùng Võ cho rằng, ‘đất vàng’ là ‘kho của’ của đất nước, do vậy phải sử dụng thế nào để những ‘kho của’ này đưa lại lợi ích tối đa cho xã hội thông qua tổ chức trung gian là Nhà nước. Do đó cần có quy hoạch khai thác cụ thể, chặt chẽ, không thể cứ gặp khó là đưa ra bán.

“Bây giờ bán hết thì những năm sau lấy gì bù vào Ngân sách. Và cũng đừng nghĩ rằng hãy cứ giải quyết thâm hụt Ngân sách tạm thời đi, rồi sau này tự nó sẽ cân bằng, sẽ tốt hơn. Không có đâu! Chừng nào còn giữ cái tư duy “được đến đâu thì đến” như hiện nay thì tình hình Ngân sách sẽ còn tiếp tục gặp khó”, theo ông Võ.

Vị nguyên thứ trưởng chỉ ra rằng biện pháp phải làm ngay trong thời điểm hiện tại nhằm cứu Ngân sách chỉ có thể là giảm chi thông qua tinh giản bộ máy Nhà nước cũng như đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng, lãng phí.

“Chi Ngân sách hiện nay quá nặng nề, nhất là phần chi thường xuyên do phải nuôi một bộ máy Nhà nước quá cồng kềnh, mà thực tế cho thấy là hoạt động thiếu hiệu quả. Ngoài ra chưa xử lý được tham nhũng, lãng phí. Có nhiều nguồn tin rằng thực trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay thậm chí còn đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn 5-10 năm trước. Có tăng thu gấp 3,4 lần nữa cũng không thể đủ chi với cách làm như hiện tại. Do vậy, phải làm cương quyết, quyết liệt hơn nữa đối với lãng phí, tham nhũng và triệt để tinh giản bộ máy Nhà nước. Đây là những biện pháp phải làm ngay”, ông Võ cho biết.

Tăng thuế thay vì bán đất

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường, ông Đặng Hùng Võ còn cho rằng thay vì phải bán ‘đất vàng’ để giải quyết thâm hụt Ngân sách tức thời, thì nên tăng thuế bất động sản để tạo ra nguồn thu bền vững cho Ngân sách trong dài hạn.

“Trong khi nước ta đang rất thiếu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, thì thuế đánh vào bất động sản lại quá thấp so với nhiều nước khác, chỉ ở mức 0,03%-0,2%. Do đó rất lãng phí, vừa không đóng góp lớn cho Ngân sách vừa không kích thích được doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có trách nhiệm và hiệu quả với tài sản của mình”.

Thuế BĐS ở Việt Nam hiện rất thấp so với nhiều quốc gia khác.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Xuân Trường cho rằng nên xem xét điều chỉnh thuế đất, đặc biệt đối với các mức thuế suất 0,07% và 0,15% tương ứng với diện tích đất vượt từ trên 1 lần đến 3 lần và trên 3 lần hạn mức sử dụng đất. Ông cho rằng mức thuế này là thấp, chưa thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, chưa góp phần mạnh mẽ ngăn ngừa hiện tượng đầu cơ đất. Nhiều nước trên thế giới có mức thu khá cao so với Việt Nam: Indonesia 0,5%; Chile từ 1% đến 2%; Mỹ từ 0,2%  đến  4%,  Đài  Loan  (Trung Quốc) từ 0,2% đến 6%...

Góc nhìn trái chiều

Về phần mình, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại cho biết Nhà nước không có chủ trương thu chênh lệch địa tô qua việc bán những khu ‘đất vàng’.

“Tôi cho rằng ngay khái niệm ‘đất vàng, đất bạc hay đất kim cương’ bản thân nó chỉ phản ánh được cái nhìn nhận từ góc độ của người kinh doanh bất động sản, chứ nó không nhìn từ góc độ quản lý Nhà nước. Ví dụ cũng là một mảnh đất ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm, nếu quy hoạch chỉ ra khu đất đó là đất thương mại thì mới có giá trị đối với nhà đầu tư, còn nếu chỉ pho phép làm công viên thì bán chẳng ai mua, thậm chí còn phải trả tiền quản lý cho người ta.

Do vậy, Nhà nước chỉ có chức năng quản lý đất theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được duyệt, chứ Nhà nước không có mưu cầu thu chênh lệch địa tô. Tôi không cho rằng bán ‘đất vàng, khách sạn’ nhằm cứu Ngân sách là một biện pháp khả thi. Bởi những khoản ‘đất vàng’ này có thể sẽ được mua đi bán lại dựa trên cân bằng cung-cầu trên thị trường, nhưng Nhà nước tuyệt đối không tham gia vào quá trình tạo ra ‘những cơn sốt đất ảo’“, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết.

Theo Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam(VAFI), các doanh nghiệp Nhà nước hiện sở hữu một khối lượng BĐS 'vàng' có giá trị khổng lồ trên khắp cả nước. Chỉ tính riêng hai Tổng công ty Du lịch Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã sở hữu hoặc có cổ phần trong hàng chục khách sạn, nhà hàng lớn nhỏ, phải kể đến như khách sạn Metropole, Hilton Hanoi Opera ở Hà Nội hay khách sạn Rex, Caravelle, Sheraton ở TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó còn rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng cũng thuộc sở hữu của nhiều cơ quan Nhà nước khác.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến