Dòng sự kiện:
Tổng thư ký VAFI: Vì sao phải bán đấu giá đất vàng?
30/10/2015 11:23:30
ANTT.VN – Xoay quanh vấn đề bán đất vàng để cứu ngân sách đang làm xôn xao dư luận thời gian qua, phóng viên ANTT.VN đã có bài phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), tổ chức đã đề xuất giải pháp này lên Thủ tướng Chính phủ cách đây hai năm.

Tin liên quan

Cuối năm 2013, Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) đã đề xuất 5 giải pháp nhằm cứu ngân sách bao gồm: Thoái bớt vốn Nhà nước khỏi các công ty cổ phần Nhà nước. bán những bất động sản vàng ở trung tâm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Cổ phần hóa các công ty Nhà nước lớn nhằm thu cổ tức; đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên vàng miếng, vàng nhẫn; ưu tiên xây dựng ngành công nghiệp chứng khoán thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Vừa qua Chính phủ đã có quyết định cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lựa chọn thời điểm thích hợp thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Khoáng sản Hà Giang, Nhựa Tiền Phong..

Như vậy, coi như giải pháp thứ nhất của VAFI đã được Chính phủ thực hiện. Và trong bối cảnh áp lực vẫn đè nặng lên Ngân sách như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên cân nhắc tới biện pháp thứ hai của VAFI: Bán những bất động sản có giá trị lớn, ở những vị trí đắc địa của hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tổng thư kí VAFI ông Nguyễn Hoàng Hải: "Bán khách sạn, đất vàng chỉ được, không có mất".

PV: Ông có thể cho biết thực trạng hiện nay của những bất động sản vàng mà doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ toàn bộ hoặc một phần?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Những bất động sản vàng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chủ yếu được tiếp quản từ Pháp năm 1954 hay từ Ngụy quyền Sài Gòn năm 1975, sau đấy giao cho các công ty thương mại, công ty du lịch trực tiếp quản lý. Trong quá trình cải tạo, nâng cấp do không có vốn nên nhiều bất động sản phải liên doanh với nước ngoài.

Hiện nay, chỉ tính riêng hai Tổng công ty Du lịch Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã sở hữu hoặc có cổ phần trong hàng chục khách sạn, nhà hàng lớn nhỏ, phải kể đến như khách sạn Metropole, Hilton Hanoi Opera,... ở Hà Nội hay khách sạn Rex, Caravelle, Sheraton ở TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó còn rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng cũng thuộc sở hữu của nhiều cơ quan Nhà nước khác.

Điểm chung của những BĐS này là hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả, thường xuyên thua lỗ hoặc khả năng sinh lời thấp do quản trị doanh nghiệp kém. Đơn cử tổ hợp Daewoo sau khi công ty Daewoo Hàn Quốc rút toàn bộ vốn ra thì dần mất khách, hoạt động kinh doanh đi xuống hẳn.

PV: Tại sao VAFI cho rằng không nên cổ phần hóa mà nên bán đấu giá những bất động sản có 100% vốn Nhà nước?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Như đã nói, các bất động sản thuộc sở hữu Nhà nước thường thua lỗ hoặc sinh lời thấp, do vậy Ngân sách thu về từ những tài sản này là rất thấp, thực tế hầu như không có. Do đó nếu cổ phần hóa thì giá trị của doanh nghiệp hay nói cách khác là lô đất vàng đấy sẽ rất thấp, thấp hơn rất nhiều giá trị thực của nó và thấp hơn hàng chục lần nếu bán đấu giá.

Tuy nhiên, bởi vì những bất động sản trên có giá trị cực kì lớn, do vậy quá trình bán đấu giá yêu cầu tuyệt đối minh bạch, tránh lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

PV: Theo ông, được và mất nếu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bán những BĐS vàng là gì?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Theo tôi thì chẳng mất gì cả, tình trạng những tài sản này thực tế hiện nay coi như để không, chẳng thu được gì hoặc nếu có cũng chỉ rất ít. Thậm chí một số BĐS còn “dần biến mất”.

Ví dụ một khách sạn lớn nằm trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội đã bị một công ty Nhà nước đưa ra thế chấp ngân hàng nhằm lấy tiền đầu tư vào lĩnh vực khác. Kết quả là kinh doanh trong lĩnh vực đó thua lỗ, khách sạn ấy buộc phải gán nợ cho ngân hàng, coi như Nhà nước mất trắng tài sản.

Còn về mặt được của việc bán những BĐS này, có 3 cái lợi lớn:

Một là Ngân sách Nhà nước sẽ thu về được khoản tiền không nhỏ. Theo tính toán của chúng tôi có thể thu về được ít nhất 6-7 tỉ USD, đủ để xây 6 tuyến tàu điện ở Hà Nội cũng như TP. Hồ Chí Minh.

Hai là thu tiền thuế. Như đã nói, các bất động sản vàng hiện nay thường xuyên thua lỗ thì lấy đâu ra tiền thuế nộp ngân sách. Nếu được chuyển giao cho các tập đoàn tư nhân lớn cả trong lẫn ngoài nước thì với trình độ quản trị chuyên nghiệp của họ, cùng trách nhiệm với đồng vốn họ bỏ ra thì tất yếu kinh doanh sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, do đó Ngân sách sẽ được bổ sung tích cực hơn đáng kể so với hiện nay.

Ba là tăng cường hình ảnh thành phố. Việc có những khách sạn, nhà hàng chuyên nghiệp tiêu chuẩn thế giới sẽ giúp thu hút du khách cũng như tăng cường hình ảnh của Hà Nội cũng như TP. Hồ Chí Minh. Đây là những điều tích cực thấy rõ khi bán những BĐS vàng này thay vì cứ giữ khư khư như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Nghi Điền - Hoa Liên (thực hiện)

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến