Các cảnh báo của ADB cho nền kinh tế Việt Nam
25/03/2015 13:08:49
ANTT.VN - Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng phát triển châu Á ADB đã đưa ra những dự đoán về tình hình tài chính tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới, đông thời đưa ra những khuyến cáo về sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống ngân hàng.

Tin liên quan

“Không nên nới lỏng chính sách tiền tệ”

Trước diễn biến của thị trường tài chính – ngân hàng và tình hình kinh tế thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế - ông Dominic Mellor phát biểu tại cuộc họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB cho rằng: Việt Nam phải cân nhắc tính cạnh tranh của mình. Hiện Việt Nam đang cạnh tranh với khu vực về thu hút FDI nên tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố khác như lao động và các chính sách khác.

NHNN đã nói sẽ điều chỉnh 2%  tỷ giá trong năm nay mà đã điểu chỉnh 1 lần hồi đầu năm. Lạm phát năm nay lại được dự báo là khá thấp, cả năm chỉ ở mức 2,5% mà lãi suất thực của Việt Nam đang là lãi suất dương. Chính vì thế, theo ông Dominic Mellor: “Đây cũng là yếu tố thấy hấp dẫn khi đầu tư vào Việt Nam. Vì thế, theo tôi NHNN không nên nới lỏng chính sách tiền tệ thời gian tới, vì dù lạm phát thấp và lãi suất giảm nhưng không còn nhiều dư địa để nới lỏng hơn”.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia kinh tế này, gần đây các cơ quan xếp hạng quốc tế đã nâng hạng Việt Nam, làm các nhà đầu tư tin tưởng hơn, thu hút được đầu tư hơn.

“Lạm phát giảm, xếp hạng tín nhiệm tăng, triển vọng xuất khẩu hàng hóa chế tác đầy hứa hẹn là các yếu tố cải thiện triển vọng đầu tư. Ngân hàng trung ương đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 13-15%, cao hơn một chút so với kết quả ước đạt của năm trước. Các quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản sẽ được nới lỏng từ tháng 7/2015, điều này sẽ hỗ trợ cho các biện pháp khác của chính phủ nhằm thu hút đầu tư trở lại với thị trường bất động sản” – chuyên gia của ADB nói.

Ngân hàng trung ương muốn các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay thêm 1,0-1,5 điểm phần trăm trong năm 2015, sau khi đã giảm khoảng 2 điểm phần trăm trong năm 2014. Trong tháng Giêng năm nay, ngân hàng trung ương đã tiếp tục điều chỉnh tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD xuống thêm 1% và có thể tiếp tục điều chỉnh xuống 2% trong năm 2015.

Tăng trưởng GDP năm 2015 sẽ đạt mức 6,1%

Theo dự báo của ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 dự báo sẽ đạt 6,1% và 6,2% trong năm 2016, trong đó FDI sẽ đóng vai trò là động lực quan trọng. Số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết số vốn FDI mới cam kết đã tăng lên 15,6 tỉ USD trong năm 2014, trong khi thêm 4,6 tỉ USD được cam kết cho các dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động.

Các chuyên gia kinh tế của ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2015 đạt 6,1%

Tình hình kinh tế được cải thiện ở những nền kinh tế lớn – đặc biệt là Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – sẽ tạo động lực cho xuất khẩu, song tác động tích cực này sẽ một phần bị ảnh hưởng ngược lại do tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Xuất khẩu sản xuất chế tác sẽ tiếp tục gia tăng, do 76% số vốn FDI giải ngân trong năm ngoái đều hướng vào hoạt động sản xuất chế tác.

Các nhân tố yểm trợ cho tiêu dùng cá nhân bao gồm gia tăng việc làm, lạm phát thấp và tăng lượng kiều hối, đạt gần 10 tỉ USD vào năm ngoái. Trong tháng 1/2015, ngay trước Tết, doanh số bán lẻ đã tăng 13% theo giá trị danh nghĩa.

Nợ công cuối 2016 lên tới 60% GDP

Đánh giá của ADB cho rằng, giá dầu giảm làm cho thu ngân sách của chính phủ bị ảnh hưởng, song chính sách tài khóa sẽ vẫn tiếp tục theo hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính sách tài khóa dự báo sẽ tiếp tục mở rộng do thâm hụt ngân sách được đặt mục tiêu 5% GDP trong năm 2015 và khả năng duy trì ở mức này trong năm 2016. “Thâm hụt ngân sách đồng nghĩa với việc nhấn mạnh nhiều hơn vào chi tiêu đầu tư, dự báo sẽ tăng gần 20% sau hai năm giảm tuyệt đối. Chi thường xuyên dự báo sẽ tăng 10%, trong đó chi cho y tế tăng 11% và chi cho giáo dục tăng 5%” – tính toán của chuyên gia kinh tế ADB nêu rõ.

Việc hạ thuế suất TNDN góp phần gây khó khăn trong việc thu ngân sách 

Ông Mellor cũng khẳng định: “Chính phủ có thể sẽ gặp khó khăn để đạt được chỉ tiêu thu ngân sách”. Bởi việc hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, dỡ bỏ thuế quan và miễn thuế cho các doanh nghiệp ưu tiên đều ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách. Từ 2010 đến 2014, tài trợ và thu ngân sách trung ương giảm từ 27,6% GDP xuống khoảng 21,5% GDP. Trong thời kỳ dự báo, giá dầu giảm sẽ tác động bất lợi đến số thu thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dự báo triển vọng giả định rằng nếu thu ngân sách thấp hơn kế hoạch, chính phủ sẽ lựa chọn tăng thâm hụt ngân sách hơn là cắt giảm chi tiêu. Theo kịch bản đó, nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60% GDP. Triển vọng này cho thấy tầm quan trọng của việc điều chỉnh cân đối ngân sách trong trung hạn để tránh làm tăng nợ công lên mức không bền vững hoặc gây tác động xấu đến lòng tin của nhà đầu tư.

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến