Dòng sự kiện:
Bàn về cách Eximbank tính lãi 8,8 tỷ đồng, có nên dùng thẻ tín dụng?
15/03/2024 13:35:21
Khách hàng vay thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng. Nhiều câu hỏi đặt ra về cách tính lãi của Eximbank, có hay không nên dùng thẻ tín dụng, và dùng thế nào để tránh rủi ro.

Như phóng viên Dân trí đưa tin trước đó, vụ việc một khách hàng có tên P.H.A nợ tiền thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) từ năm 2013, sau 11 năm tổng dư nợ bao gồm gốc và lãi tăng lên thành 8,8 tỷ đồng.

Nhiều câu hỏi được đặt ra rằng cách tính lãi của ngân hàng liệu có đúng hay không, có hay không nên sử dụng thẻ tín dụng và sử dụng thế nào cho hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về câu chuyện trên, ông Phan Hoàng Quân, Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân Công ty Cổ phần FIDT sẽ chia sẻ về cách tính lãi của Eximbank và loạt lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng.

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân FIDT - Phan Hoàng Quân (Ảnh: FIDT).

Ông Phan Hoàng Quân, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Công ty cổ phần FIDT, cho biết hiện chưa thể tính chính xác lãi suất và số dư nợ nói trên, do lãi suất, phí phạt, và các loại phụ phí khác mỗi loại thẻ, mỗi ngân hàng là khác nhau.

Nhưng về nguyên tắc, lãi suất được tính bằng cách ngân hàng mỗi tháng sẽ chốt dư nợ tín dụng một lần, tại ngày lên bảng sao kê.

Khách hàng chỉ cần trễ hẹn thanh toán thì ngân hàng sẽ lập tức tính lãi suất dựa trên tổng dư nợ đã sử dụng. Qua tháng sau đó, khoản dư nợ vẫn được cộng gộp, bao gồm nợ gốc, lãi quá hạn, lãi trên khoản tiền chưa trả, phí phạt trả chậm…

Đây có thể hiểu là cách tính lãi suất kép, tính theo từng tháng. 11 năm tương đương với 132 kỳ nợ, số tiền sẽ ngày càng tăng sau mỗi chu kỳ nợ và tốc độ tăng ở những chu kỳ càng về cuối sẽ càng cao.

Ngân hàng khi cấp thẻ tín dụng cho khách hàng cũng sẽ quy định rõ các mức lãi suất, các loại phí kèm theo. Trong đó, nợ quá hạn sẽ được tính 150% so với nợ thông thường.

Ví dụ, nợ thông thường - nợ chưa quá hạn - tại 100 triệu đồng, lãi suất khoảng 5% là 5 triệu đồng. 95 triệu còn lại ngân hàng chấp nhận cho vay tiếp với lãi suất từ 20-45%/năm tùy từng ngân hàng.

Tuy nhiên, khi nợ quá hạn, mức lãi suất sẽ tăng lên 150%. Sở dĩ số tiền lên tới mức 8,8 tỷ đồng là do 2 yếu tố.

Thứ nhất, cách tính lãi suất là theo chu kỳ từng tháng, chu kỳ xoay vòng, cộng dồn. Điểm thứ 2, lãi suất của thẻ tín dụng bản chất luôn ở mức cao so với các khoản vay khác (nợ tín chấp), kèm theo lãi suất nợ quá hạn là 150%, cùng các loại phụ phí như phí thường niên.

Nhận định về câu chuyện trên, ông Quân cho rằng đây là một trong những trường hợp hy hữu, hiếm có. Thông thường các ngân hàng sẽ chủ động tìm kiếm khách hàng, phát thông báo quá 3 lần mà không nhận được phản hồi thì ngân hàng có thể đơn phương hủy thẻ, không để phát sinh dư nợ.

Với những dư nợ thẻ như ông P.H.A, các trung tâm thẻ thường quét được nhanh để đòi nợ, truy thu khách hàng. Trong trường hợp một thời gian dài không thấy khách phát sinh giao dịch, thẻ sẽ hết hạn và tự động được khóa.

Bí kíp sử dụng thẻ tín dụng an toàn

Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán, chi tiêu để mua hàng hóa/dịch vụ trước và thanh toán lại cho ngân hàng phát hành sau.

Theo ông Quân, khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng cần lưu ý nhiều nhất là phí và những vấn đề liên quan đến việc trả trễ hẹn. Với các khoản vay thông thường, nếu khách có lỡ trả trễ hẹn 1,2 ngày thì không phát sinh phí phạt nhưng với thẻ tín dụng thì khác.

Thẻ tín dụng chỉ cần thanh toán trễ 1 ngày sẽ phát sinh phí phạt trung bình khoảng 5% trên tổng dư nợ và cộng thêm tiền lãi quá hạn (20-40% tùy từng ngân hàng). Ví dụ, nợ 1 triệu đồng sẽ bị phạt 50.000 đồng và phát sinh lãi 200.000-400.000 đồng.

Các loại thẻ tín dụng hiện nay sẽ miễn lãi cho khách hàng từ 45 đến 55 ngày, nhưng với điều kiện khách thanh toán toàn bộ dư nợ đúng hạn. Do đó, việc thanh toán đúng ngày hoặc thanh toán sớm vô cùng quan trọng và buộc khách hàng phải ghi nhớ để tránh mất tiền oan.

Ngoài ra, khách hàng cũng cần lưu ý tới các loại phí ẩn khác như phí thường niên, phí giao dịch ngoại tệ, phí rút tiền mặt... Nhiều khách hàng nhầm tưởng rằng không sử dụng thẻ sẽ không bị mất phí, nhưng thực tế những loại phí đó đã được ghi nhận vào dư nợ thẻ dựa trên yêu cầu mở thẻ ban đầu.

Chuyên gia cho rằng mỗi người chỉ nên dùng tối đa 2 thẻ tín dụng để dễ quản lý (Ảnh: Nhật Quang).

Nếu không có nhu cầu sử dụng thẻ thì khách nên khóa, hủy thẻ ngay lập tức để tránh phát sinh những chi phí chìm.

Khách cũng cần lưu ý câu chuyện thanh toán tối thiểu. Trong trường hợp chủ thẻ không thanh toán khoản dư nợ tối thiểu (thường là từ 5-10% tổng số tiền chi tiêu) thì sẽ bị mất thêm khoản phí phạt trả chậm và lãi suất quá hạn của số dư nợ chưa thanh toán.

Trong vòng 60 ngày đầu kể từ ngày đến hạn thanh toán, khoản thanh toán tối thiểu sẽ bị tính phạt chậm trả và lãi suất quá hạn (đang được quy định bằng lãi suất trong hạn), số dư nợ còn lại vẫn tính lãi suất trong hạn.

Nếu sau 60 ngày, chủ thẻ không thanh toán đủ khoản thanh toán tối thiểu thì toàn bộ dư nợ chưa thanh toán phải chịu lãi suất quá hạn và khoản phạt chậm trả.

"Dùng thẻ tín dụng vì sự tiện dụng, không nên quan niệm dùng thẻ để vay mà không phải trả", vị chuyên gia nhấn mạnh. Nhiều khách nhầm lẫn rằng cứ việc dùng thẻ tín dụng, nếu trả không hết thì ngân hàng vẫn cho mượn. Chính từ những quan điểm đó sẽ phát sinh lãi lớn.

Ví dụ, khách hàng khi mua một món đồ thay vì phải trả 20 triệu lập tức, thì có thể dùng thẻ tín dụng để tận dụng các ưu đãi như tích điểm, hoàn tiền, hoặc nhận được ưu đãi từ cửa hàng đó. Sau khi đạt được mục tiêu, khách hàng phải lấy khoản tiền có sẵn đó đề bù vào, chứ không nên suy nghĩ đến việc dùng 20 triệu tiền mặt đó vào việc khác.

Khách hàng nên tách bạch rõ nhu cầu muốn vay để mua hay muốn dùng thẻ tín dụng để tận dụng ưu đãi, giảm giá.

Theo ông Quân, mỗi người chỉ nên dùng tối đa 2 thẻ tín dụng, phòng trường hợp thẻ kia lỗi thì còn có thẻ còn lại. Khi mở thẻ, khách hàng cần quan tâm đến mục đích sử dụng thẻ và những ưu đãi kèm theo.

Một số thẻ tín dụng sẽ không mất phí thường niên, một số thẻ thì thiên về ưu đãi mua sắm, du lịch, trong khi một số khác sẽ có chương trình hoàn tiền, tích điểm đổi quà.

Tác giả: Nhật Quang

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến