Dòng sự kiện:
Bằng đại học không phân biệt đào tạo: 'Làm không cẩn thận sẽ phát sinh tiêu cực'
27/11/2017 20:25:50
GS Lê Viết Khuyến cho rằng, chất lượng, điều kiện đào tạo và chuẩn đánh giá về việc học phải như nhau mới đảm bảo được việc cấp bằng đại học “không phân biệt chính quy hay tại chức” một cách hiệu quả.

Mới đây, Dự thảo Luật Giáo dục đại học đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung nhằm đề cập đến hình thức đào tạo như thế nào, đối tượng nào thì đào tạo theo hình thức tập trung; đối tượng nào thì đạo tạo theo hình thức không tập trung.

Bên cạnh đó, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung. Tuy nhiên, tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn. Do đó, hình thức đào tạo sẽ không được ghi trên văn bằng ĐH.

Bà Nguyễn Kim Phụng (giữa) - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).

Bà Nguyễn Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: "Bộ GD-ĐT hy vọng các cơ sở sở đào tạo khi quan tâm chất lượng đào tạo của cơ sở mình thì phải cẩn thận khi cấp văn bằng. Tất cả văn bằng khi cấp ra thì phải đạt chuẩn vì không phân biệt văn bằng tại chức hay chính quy nữa. Đây sẽ là sự khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo của trường".

GS Lê Viết Khuyến cho rằng, đây là một quan điểm rất là chính xác và đang phổ biến trên toàn thế giới. Quan trọng, khi thực hiện điều đó sẽ nghiêm túc hay không hay chỉ làm hình thức.

“Hệ thống giáo dục nhiều năm trước đây cũng đã đặt ra vấn đề trên rồi. Tuy nhiên về phía quản lý cũng không thật quyết tâm, phía xã hội cũng không thật ủng hộ dẫn đến sự nhùng nhằng.

Việc học theo hình thức khác nhau, cấp bằng khác nhau sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Ví dụ như việc người ta đánh giá giá trị thật theo văn bằng, hoặc chuyện tuyển dụng sẽ rất lôi thôi. Nếu đạt được vấn đề như thế thì rất là tốt”, GS Khuyến nói.

GS. Lê Viết Khuyến nói về việc cấp bằng không phân biệt đào tạo

Nếu làm không cẩn thận cũng sẽ phát sinh tiêu cực. Vậy nên cần một hệ thống giải pháp đồng bộ. Vấn đề không phải đầu vào, mà ở trong quá trình học. Đầu vào mà tốt thì có tỷ lệ tốt nghiệp cao và ngược lại. Tại Thái Lan, có những trường Đại học Mở có phương pháp đào tạo tương tự, thì tỷ lệ tốt nghiệp chỉ có 10%.

GS Khuyến nhận định, quy trình đào tạo cần có sự mềm dẻo thì sẽ tạo điều kiện cho người học có ý chí, nghị lực đạt được thành quả. Nếu muốn có đánh giá một sản phẩm thì chất lượng, điều kiện đào tạo và chuẩn đánh giá về việc học phải như nhau. Nếu đảm bảo những điều kiện đó thì có thể có những người học 3 năm xong 1 chương trình, có người thì phải 7,8 năm mới xong chương trình đều chung chất lượng.

“Quan trọng là những thước đo đánh giá về năng lực phải cùng một chuẩn và chương trình cần 1 chuẩn”, GS Khuyến chia sẻ.

Theo GS Khuyến, từ lâu hệ thống giáo dục Đại học đã chuyển sang đào tạo hệ thống tín chỉ, vì hệ thống này có thể giúp người học theo năng lực, điều kiện của người học. Qua đó, mỗi người có những thời khóa biểu học khác nhau, các hệ tập trung hay không tập trung cùng lên 1 lớp học như nhau, cùng được đánh giá như nhau thì kết quả sẽ như nhau. Chỉ có xảy ra trường hợp người hoàn thành chương trình đó nhanh hơn hay chậm hơn.

“Ở nước ta lâu nay, học chương trình đã khác nhau. Hệ chính quy thì nghiêm túc, chặt chẽ hơn. Hệ vừa học vừa làm thì chương trình học bị cắt xén đi, đánh giá thì lỏng lẻo hơn. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng không như nhau, do đó không thể cấp 1 loại văn bằng được. Nếu mà chuẩn chất lượng như nhau thì đương nhiên người học được cấp 1 loại văn bằng dù học cách này hay cách khác”, GS Khuyến nhấn mạnh.

Hải Đăng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến