Dòng sự kiện:
'Bão' COVID-19 liên tiếp tấn công kéo ngành du lịch chạm đáy
05/11/2021 07:15:10
Tại các tỉnh miền Trung, đại dịch COVID-19 khiến hoạt động du lịch liên tục bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội. Hoạt động du lịch bị đình trệ đã dẫn tới nhiều doanh nghiệp khốn đốn trong “cơn bão” COVID-19.

Dịch COVID-19 đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra việc gia tăng nạn thất nghiệp, tạo áp lực đến công tác bảo đảm an sinh, thu nhập, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp trên cả nước. 

Khảo sát của cơ quan thống kê cũng cho thấy, gần 85% doanh nghiệp cho biết là gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Trong số này, doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn với tỷ lệ 90% tự đánh giá gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm. Trong đó đặc biệt phải kể đến những thiệt hại vô cùng lớn của ngành du lịch.

Trước khi dịch xuất hiện, từ năm 2015 - 2019, khách quốc tế đi du lịch Việt Nam đã tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt. Năm 2019, ngành du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019.

Đang trên đà tiệm cận thành ngành kinh tế mũi nhọn, "cơn bão" COVID-19 mang sức công phá khổng lồ đã kéo du lịch chạm đáy. 

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến ngành “công nghiệp không khói” tại các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các điểm du lịch tại các địa phương luôn trong tình trạng ảm đạm, vắng khách.

Di tích Huế nhiều lần phải dừng đón khách do dịch COVID-19

Tại Thừa Thiên – Huế, ngành du lịch được xem là “con gà đẻ trứng vàng”, tuy nhiên thời gian qua dịch bệnh “tấn công” đã khiến gần như cả hệ thống du lịch tại đây ngưng trệ, gây thiệt hại rất lớn.

Dịch bệnh khiến gần như toàn bộ các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ phụ trợ tại Huế đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Hàng trăm khách sạn, cơ sở lưu trú gần như tê liệt vì không có khách.

Kể từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhiều lần phải đóng cửa không tiếp nhận khách tham quan để phòng, chống dịch khiến nguồn thu của đơn vị giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của trung tâm.

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế, trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch đến địa phương khoảng hơn 600.000 lượt, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2019. Khách lưu trú phục vụ khoảng 385.000 lượt, giảm khoảng 31% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch 6 tháng đạt khoảng 885 tỉ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến cuối năm 2020, Thừa Thiên - Huế có trên 13.000 lao động du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. 

Quảng Bình cũng là một trong những địa phương ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch đối mặt với vô vàn thách thức.

Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn

Do tác động của dịch bệnh, hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Bình đã gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường quốc tế đã đóng cửa. Thị trường chủ yếu là khách nội địa nhưng số lượng rất hạn chế do các địa phương trên toàn quốc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, khách du lịch nội tỉnh số lượng ít và cơ bản tạm dừng sau các làn sóng dịch. 

Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết: “Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhân lực ngành du lịch bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp buộc phải tinh giảm số lượng lao động. Nhiều lao động có tay nghề trong hoạt động du lịch buộc phải thích ứng chuyển hướng tìm các công việc mới, bên cạnh đó, do không hoạt động, cơ sở vật chất của các cơ sở lưu trú du lịch ven biển xuống cấp trầm trọng”.

Tại Hà Tĩnh, hiện nay, dù đã khôi phục trở lại nhưng đa phần các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hiện tại vẫn đang phải đóng cửa, những điểm đến mở cửa trở lại cũng chỉ mang tính duy trì vì các hoạt động lữ hành du lịch theo các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm và kể cả lĩnh vực dich vụ lưu trú vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do khách du lịch vẫn đang e ngại tham gia các tour, tuyến du lịch.

Phương tiện chở khách nằm đắp chiếu trong một điểm du lịch tại Hà Tĩnh

Theo ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, doanh nghiệp gặp khó, người lao động mất việc làm, hoặc thu nhập giảm sút. Ngay sau khi tỉnh nhà ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19, ngành cũng đã tiến hành thúc đẩy khôi phục du lịch nội địa, xây dựng các điểm đến an toàn, sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách trên tinh thần chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Thanh Hóa, theo thống kê sơ bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh này, đến thời điểm hiện nay, có gần 600 cơ sở lưu trú tại các khu du lịch biển đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng; nhiều khách sạn đã ngừng cung cấp các dịch vụ bổ trợ để hạn chế nhân lực và sự lây lan của dịch bệnh.

Số lượng phòng lưu trú không được đặt giảm mạnh, giảm hơn 47,2% so với cùng kỳ năm 2020; công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 20 - 30%/năm, giảm gần 50% so với các năm. Cụ thể, tính đến cuối tháng 7/2021, số lượng phòng bị hủy khoảng 65.000 phòng, ước tính thiệt hại khoảng 43 tỷ đồng; thiệt hại về ăn uống du lịch khoảng 60 tỷ đồng...

Về phía lữ hành, tính từ đầu năm đến nay, có hơn 250 đoàn với 12.500 khách báo hoãn, hủy tour, ước thiệt hại tiền đặt cọc dịch vụ lên đến hơn 40 tỷ đồng. Toàn ngành du lịch có khoảng 15.000 lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021.

Nhiều khu du lịch tại Thanh Hóa phải chi thêm tiền để duy trì hoạt động 

Pù Luông Reatreat của Công ty cổ phần làng du lịch cộng đồng Pù Luông tại bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước thời điểm trước dịch có 24 phòng lúc nào cũng rất đông khách Tây. Doanh thu mỗi tháng đạt khoảng 2 tỷ đồng. Khi dịch COVID-19 bùng phát ở địa phương, cơ sở không những mất toàn bộ doanh thu mà còn phải chi ra hàng trăm triệu đồng mỗi tháng để bảo trì và chi trả lương cho nhân viên.

Anh Nguyễn Trung Dũng, Tổng quản lý của Pù Luông Retreat cho hay, từ tháng 3/2020, cơ sở hoạt động cầm chừng, chủ yếu đón khách trong nước nhưng không đều đặn. Từ khi làn sóng dịch thứ 4 thì gần như ngưng mọi hoạt động. Cho đến gần đây, đầu tháng 10/2021, tình hình dịch lắng xuống thì cơ sở mới đón khách trở lại. Song, do nhiều quy định nghiêm ngặt, yêu cầu du khách phải có giấy xét nghiệm COVID-19 tạo thành rào cản với khách đến với Pù Luông. Mong rằng tới đây, khi dịch được kiểm soát, chính quyền địa phương sẽ nới lỏng các thủ tục, tạo điều kiện thông thoáng thu hút khách du lịch trở lại.

"Bão COVID-19" dần đi qua cũng là lúc nhiều doanh nghiệp tìm cách nỗ lực vượt khó. Ở bài viết tiếp theo, nhóm tác giả sẽ đề cập những cơ hội và thách thức của bối cảnh mới; những biện pháp, những nỗ lực của các cấp chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI thông qua vào tháng 6/2005 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, phát triển du lịch ở địa phương.

Trong 10 năm qua, tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi tác động đến việc thực hiện Luật Du lịch. Bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi với nhiều cam kết quốc tế.

Ở trong nước, tác động từ những thay đổi trong quan hệ xã hội khi đất nước phát triển và hội nhập; đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành đã dẫn đến việc thực hiện Luật Du lịch 2005 gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện thực tế và cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Nhóm PVMT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến