Ngày 30/1 tới, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã: HPX) sẽ chốt danh sách cổ đông tham gia Đại hội đồng cổ đông bất thường, đại hội dự kiến tổ chức trong quý I/2023.
Nội dung cuộc họp bao gồm thông qua chủ trương thay đổi đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông (nếu có). Trước đó, Công ty TNHH Emst & Young Việt Nam là đơn vị thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 của Hải Phát Invest.
“Sự cố” cổ đông
Trong thời gian gần đây, Hải Phát Invest liên tục có nhiều biến động về cổ đông. Theo đó,từ ngày 27/12 đến ngày 28/12, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest đã bán ra 10 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 22,32% về còn 19,03% vốn điều lệ. Không dừng lại ở đó, trong khoảng thời gian từ 5/1-3/2, ông Đỗ Quý Hải sẽ tiếp tục bán thêm 8 triệu cổ phiếu HPX để giảm sở gữu về 16,4%.
Động thái liên tục giảm sở hữu của ông Hải diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HPX đang giao dịch quanh vùng đáy lịch sử dưới 5.000 đồng/cp. So với thời điểm trước khi lao dốc hồi đầu tháng 11, cổ phiếu này đã “bốc hơi” hơn 80% thị giá. Vốn hóa thị trường cùng theo đó bị thổi bay hơn 6.300 tỷ đồng sau chưa đầy 2 tháng, xuống còn gần 1.500 tỷ đồng.
Trước đà giảm sâu chưa từng có, ông Đỗ Quý Hải và các thành viên khác trong gia đình đã liên tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu. Tính từ ngày 28/11 đến 30/12, gia đình ông Đỗ Quý Hải đã bị bán giải chấp khoảng 76 triệu cổ phiếu HPX, khoảng 25% số cổ phiếu đang lưu hành của công ty.
Khó khăn đang bủa vây Hải Phát Invest
Sau làn sóng bán giải chấp ồ ạt trên, số lượng cổ phiếu HPX gia đình ông Hải đang sở hữu là 65,3 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ sở hữu là 21,5%. Trong đó, chỉ tính riêng ông Hải đã bị bán gần 58 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ông Đỗ Quý Đường - em trai ông Đỗ Quý Hải đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu HPX với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, ông Đường sẽ nâng sở hữu lên 10,5 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 3,46% vốn của Hải Phát Invest.
Không chỉ gặp sóng gió với bán giải chấp, doanh nghiệp của ông Đỗ Quý Hải tiếp tục chịu “vận đen” khi ngày 30/11/2022, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital cũng bán ra toàn bộ hơn 36,2 triệu cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 11,91% vốn điều lệ về 0%, không còn là cổ đông lớn của Hải Phát Invest. Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited bán 26,545 triệu cổ phiếu; Amersham Industries Limited bán gần 7,9 triệu cổ phiếu; và Wareham Group Limited bán 1,78 triệu cổ phiếu.
Nếu tính cả cổ đông lớn và gia đình ông Đỗ Quý Hải, chỉ trong 1 tháng cuối năm 2022, hơn 104 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 34,2% vốn điều lệ của Hải Phát Invest đã được bán ra.
Bên cạnh các cổ đông lớn, cổ đông nhỏ - người có liên quan đến Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Tuấn là bà Nguyễn Thị Lệ Dung đã bán toàn bộ hơn 1,2 triệu cổ phiếu HPX đang sở hữu, giao dịch thực hiện từ 8/12/2022-6/1/2023.
Rủi ro trái phiếu
Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng năm 2022, Hải Phát Invest thu về gần 1.308 tỷ đồng doanh thu thuần và 123 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 30% và giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là tính tới ngày 30/9/2022, Hải Phát Invest ghi nhận tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 4.754,7 tỷ đồng, chiếm 46,2% tổng nguồn vốn và bằng 1,31 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 1.518,6 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 3.236,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.
Theo thuyết minh của Báo cáo tài chính quý III/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ 2.650,04 tỷ đồng dài hạn liên quan tới 8 lô trái phiếu.
Áp lực đảo nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn tới vẫn còn rất lớn
Cụ thể, lô trị giá 449,82 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Navibank; lô 349,79 tỷ đồng được tư vấn bởi Navibank; lô 300 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 255,47 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán MB; lô 496,45 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 298,73 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam; lô 249,78 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Dầu khí; và lô 250 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Bảo Việt.
Thực tế, nghiệp vụ huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ là hết sức bình thường nếu trong thời gian vừa qua, thị trường không liên tiếp chứng kiến nhiều “đại gia” bất động sản phải “bán mình” trả nợ trái phiếu. Dù đã rất nỗ lực nhưng đến cuối năm, số doanh nghiệp không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn, tìm cách giãn, hoãn với trái chủ vẫn tăng.
Chỉ tính riêng số doanh nghiệp thông báo chậm trả lãi trái phiếu cho trái chủ trong quý IV/2022, danh sách đã ngày càng dài, như Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bình Định, Công ty cổ phần Trung Nam, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH Đức Việt…
Theo nhận định của các chuyên gia, áp lực đáo hạn thời gian tới vẫn rất lớn, đồng nghĩa thị trường TPDN năm 2023 sẽ còn tiếp tục khó khăn.
“Lượng TPDN đáo hạn trong 3 năm tới (2023-2025) lên tới 700.000 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi. Nếu đổ vỡ xảy ra, hệ lụy sẽ rất phức tạp, vì mối liên thông ngân hàng - chứng khoán - bất động sản là khá lớn”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Hiện nay, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý kêu gọi doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn vốn huy động để đảo nợ trái phiếu nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc tìm kiếm nguồn vốn mới không đơn giản khi niềm tin suy giảm, tín dụng bị kiểm soát chặt, thị trường chứng khoán không mấy sôi động. Việc bán tài sản bất động sản của doanh nghiệp cũng không dễ dàng khi giá giảm tới 30-40%. Ngay cả doanh nghiệp tốt cũng phải lao đao tìm vốn.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là khối nợ trái phiếu của Hải Phát có rủi ro hay không? Nhất là với những khoản trái phiếu được đảm bảo bằng cổ phiếu.
Tác giả: Quang Đăng