Dòng sự kiện:
Bão gian lận càn quét niềm tin giáo dục
22/07/2018 18:34:12
Từ vụ bê bối gian lận điểm thi ở Hà Giang, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng tiêu cực thi cử có hệ thống căn nguyên từ một nền giáo dục quá coi trọng điểm thi và bằng cấp.

Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM, vẫn dõi theo tình hình giáo dục của cả nước. Ông cảm thấy bất ngờ và rất buồn về tiêu cực trong chấm thi xảy ra ở Hà Giang, làm xấu xí hình ảnh giáo dục Việt Nam và khiến dư luận nghi ngờ còn có bao nhiêu "Hà Giang" nữa.

Theo dõi kết quả thi của nhiều địa phương, ông Ngai thấy nhiều nơi điểm cao bất thường và không tin vào kết quả đó. "Kết quả giáo dục là cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai mà nâng lên được nên tôi không tin kết quả tăng bất thường ở một số địa phương", ông bày tỏ.

Ông Ngai cho rằng dù Bộ GD&ĐT có kiểm tra kết quả thi, quy trình tổ chức ở các địa phương và Bộ Công an đã vào cuộc mạnh mẽ nhưng vụ việc ở Hà Giang làm cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục. Là người phụ trách công tác tổ chức thi cử suốt nhiều năm, ông không tin một mình phó trưởng phòng khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Giang có thể gian lận được mà chắc hẳn có cả hệ thống, những người đứng sau. Ông mong cơ quan điều tra làm cho ra lẽ, đúng người, đúng tội.

Một giáo viên dạy văn tại một trường THPT ở Vĩnh Long cho biết cô cảm thấy lo cho nền giáo dục nước nhà khi mà tiêu cực xảy ra ở hầu như mọi kỳ thi. Những thí sinh không đủ năng lực được nâng đỡ không trong sáng để sau này cố ngồi vào vị trí cao chỉ làm hại cho tương lai đất nước.

Bão gian lận càn quét niềm tin giáo dục - Ảnh 1.

Thí sinh căng thẳng trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2018

Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ năm 2015. Trong 2 năm đầu, kỳ thi do trường ĐH chủ trì từ khâu coi thi đến chấm thi, sở GD&ĐT địa phương chỉ phối hợp. Tuy nhiên, từ năm 2017, vai trò đó đã được hoán đổi với niềm tin đặt trọn vào sở GD&ĐT. Khi thực hiện hoán đổi đó, đại diện nhiều trường ĐH đã cực lực phản đối. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, là một trong số đó.

"Những ai dự cuộc họp triển khai công tác thi THPT quốc gia cách đây mấy năm chắc còn nhớ tôi đã phản đối quyết liệt việc đưa công tác thi và chấm thi về các địa phương nhưng vẫn không tác động được cấp vĩ mô trong việc thay đổi chính sách", ông Đỗ Văn Dũng nhớ lại.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm đã tạo ra tư duy cục bộ, địa phương chủ nghĩa như hiện nay nên khó thể trách ai ở vụ việc tiêu cực gần đây trong thi cử. "Việc phiếu trả lời trắc nghiệm được tô bằng chì cũng là kẽ hở chết người khiến kẻ xấu lợi dụng để thay đổi kết quả thi. Việc này tôi đã dự báo trước và đề nghị có các biện pháp ngăn ngừa. Hiện tại, tất cả chúng ta phải khóc và xót xa vì những sự cố vừa qua!", ông trăn trở.

PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM, cho biết từ năm 2017, trường đã tổ chức riêng kỳ kiểm tra năng lực. Năm nay, tỉ lệ xét tuyển theo phương thức này lên đến 65% (tăng 3,5 lần so với năm 2017), giảm tỉ lệ xét tuyển từ kết quả THPT xuống chỉ còn 15%.

Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng nếu 63 tỉnh/TP đều tiêu cực như Hà Giang thì có khoảng 6.000 thí sinh được nâng điểm, chiếm 1 - 2% chỉ tiêu xét tuyển vào các trường ĐH. Chắc chắn kết quả thi năm nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của các trường ĐH trong việc xét tuyển dựa trên điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia 2018. 

Theo Người Lao Động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến