Trao đổi với báo chí chiều 27/9, ông Trần Quang Năng, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, nhận định khi áp sát vào vùng biển nước ta, cường độ bão Noru duy trì cấp 14, giật cấp 16. Tới khi bão vào đất liền, dự báo bão ở cấp 12-14, giật cấp 15.
"Đây là con số lịch sử mà từ trước đến nay, bản tin dự báo của chúng ta chưa từng đề cập tới. Với cấp gió như vậy, sức tàn phá của bão rất lớn", ông Năng nói.
Theo vị chuyên gia, với cấp gió như vậy, tàu trọng tải lớn nằm trong vùng biển có bão đi qua có thể bị đánh đắm. Khi vào ven bờ, toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Cột sóng cao có thể gây đắm nhiều tàu, thuyền, kể cả khi neo đậu ở cầu cảng kín.
Trên đất liền, cấp bão có sức gió 12-14, giật cấp 15. Bão có thể tàn phá nhiều công trình, nhà cửa không kiên cố và ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động giao thông.
Dự kiến, bão đổ bộ vào đất liền 21-22h hôm nay đến 5-7h ngày mai. Ông Năng khuyến cáo toàn bộ người dân ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và phía bắc Bình Định tìm nơi trú ẩn an toàn, tuyệt đối không ra khỏi nhà để hạn chế thiệt hại do cơn bão lịch sử gây ra.
Ngoài gió mạnh, cơ quan khí tượng cảnh báo đợt mưa lớn tại các khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum. Mưa bắt đầu trút xuống từ chiều 27 và kéo dài hết ngày 28/9 với lượng phổ biến 250-350 mm, có nơi trên 450 mm.
Riêng khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và phía nam đồng bằng Bắc Bộ.
Chuyên gia cảnh báo khu vực đồng bằng, ven biển từ Quảng Bình đến Bình Định khả năng xảy ra ngập lụt trên diện rộng; đặc biệt là Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi nguy cơ ngập trung bình 0,3-0,6 m.
Đáng lưu ý, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đề phòng nước dâng 1,5-2,5 m gây nguy cơ ngập lụt tại vùng trũng thấp ven biển, cửa sông.
Dự báo đường đi của bão Noru chuẩn bị đổ bộ khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định. Ảnh: NCHMF.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến tối 27/9, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định đã sơ tán hơn 81.000 hộ dân tương ứng trên 253.000 người đến nơi an toàn.
8 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Một số địa phương cũng cho cán bộ, công nhân viên nghỉ làm ngày 27-28/9.
Hiện, gần 4.800 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm đã di chuyển vào đất liền tránh trú.
Nhà chức trách tiếp tục yêu cầu các địa phương điều tiết, phân luồng giao thông và khuyến cáo người dân không ra đường từ đêm 27/9 đến khi bão tan; đồng thời xem xét dừng một số hoạt động sản xuất để hạn chế người dân tham gia giao thông khi bão đổ bộ.
Tác giả: Anh Nhàn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy