Bất thường giấy phép tận thu khoáng sản cho Công ty Biên Giới
30/11/2015 09:21:04
Lấy lý do tình hình khai thác cát trắng trái phép tại Khu công nghiệp Hòa Khánh diễn biến phức tạp, công khai giữa ban ngày và lộng hành có tổ chức, Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng lập tức chỉ đạo các địa phương ra quân nghiêm cấm toàn dân.

Tin liên quan

Nhưng ngay sau đó, duy nhất một Cty được cấp phép độc quyền khai thác với lý do… tận thu. Sự việc có dấu hiệu bất minh, gây bức xúc trong dân.

Tài nguyên bị “cướp cạn”

Khu vực tây bắc quận Liên Chiểu, thuộc phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Hiệp Nam vốn là những trảng cát trắng có giá trị cao về nguyên liệu sản xuất thủy tinh. Tuy vậy, sau khi vùng đất này được xây dựng khu công nghiệp (KCN), việc khai thác theo quy mô mỏ khoáng sản không còn được cấp phép. Trái lại, hiện tượng doanh nghiệp, người dân khai thác trộm diễn ra ào ạt, có thời điểm tranh nhau đào xúc như cướp, tái diễn nhiều năm nay.

Từ đầu năm đến giữa tháng 4.2015, hiện tượng khai thác cát trái phép tại đây tái diễn phức tạp. Mà theo ý kiến của ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, việc khai thác trái phép công khai, có tổ chức, các đối tượng lộng hành, coi thường pháp luật, có dấu hiệu tham gia, bao che của cán bộ và cá nhân quản lý tại địa phương. Sự việc ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, hạ tầng kỹ thuật, mất an ninh trật tự và thất thoát tài nguyên.

Chính vì vậy, cả Chủ tịch UBND lẫn Thường trực HĐND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo quyết liệt, giao trách nhiệm giải quyết dứt điểm tình trạng “cướp cạn” tài nguyên này cho đích danh chủ tịch UBND các quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang và các xã, phường liên quan. Nhiều trạm, bốt được lập ra, công an, dân phòng bố trí trực 24/24h.

Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị cho biết, việc bố ráp, túc trực để bảo vệ các mỏ cát đến nay vẫn được duy trì. Thực trạng cướp cát đã vãn hồi. Tuy vậy, người dân vẫn bức xúc bởi thiếu hụt nguồn cát làm vật liệu xây nhà. Nhiều người dân đào cát ngay dưới nền nhà mình lên làm vật liệu cũng bị bắt.

Nhu cầu của dân là thiết thực, song nhiều lần chính quyền địa phương trình Sở TNMT, UBND thành phố xin cấp mỏ để khai thác, phục vụ cho dân, đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, UBND TP. Đà Nẵng lại cho phép duy nhất Cty TNHH Biên Giới được độc quyền khai thác.

Bất thường sau giấy phép tận thu

Cả HĐND, chính quyền quyết liệt cấm dân, bố trí công an, dân phần túc trực giữ các mỏ cát, cuối cùng lại cấp phép cho duy nhất Cty Biên Giới được độc quyền khai thác. Thời gian khai thác kéo dài từ 2.2015- 12.2017. Với trữ lượng trên 350.000m3.

Ngay sau khi được UBND TP. Đà Nẵng cấp phép, Cty Biên Giới đã đưa thiết bị chuyên dụng vào khai thác cát. Hiện giá cát trên thị trường khoảng 300.000 đồng/m3, với trữ lượng 350.000m3, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi hàng chục tỉ đồng.

Bất thường ở giấy phép khai thác tận thu này là mỏ khoáng sản nguyên liệu, nếu được cấp phép phải là Cục Khoáng sản (Bộ TNMT), nhưng TP. Đà Nẵng lại lách luật, cấp phép “tận thu”? Quy định tại Điều 67 Luật Khoáng sản năm 2010 ghi rõ: “Khai thác tận thu khoáng sản là hoạt động khai thác khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ”. Ở đây, mỏ vẫn còn nguyên sơ.

Mặt khác, cát trắng tại khu vực KCN Hòa Khánh là loại cắt trắng silic (sử dụng làm thủy tinh) không thuộc loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010) và việc cấp phép khai thác loại tài nguyên này thuộc thẩm quyền của Bộ TNMT.

Sự bất thường, trái luật đã rõ, song điều bức xúc nhất của nhiều doanh nghiệp, người dân địa phương là việc cấp phép khai thác tận thu cho doanh nghiệp duy nhất nói trên thể hiện sự bất minh, không đúng thẩm quyền và không công bằng với cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Lao động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến