Dòng sự kiện:
Ô nhiễm khai thác than ở Quảng Ninh lên báo nước ngoài
09/10/2015 14:17:47
ANTT.VN - Kênh tin tức hàng đầu Châu Á của Singapore Channel NewsAsia (CNA) hôm nay có một bài viết về ngành công nghiệp khai thác than của Việt Nam với dòng tựa “‘Vàng đen’ thúc đẩy tăng trưởng Việt Nam nhưng làm gia tăng nỗi lo về sức khỏe”.

Tin liên quan

Theo CNA, mặc dù có nhiều mối lo ngại lớn về vấn đề sức khỏe, các nhà chức trách Việt nam cho biết “vàng đen” – tức ngành công nghiệp khai khác than đá – là giải pháp duy nhất cho sự tăng trưởng của một quốc gia đang phát triển cần nhu cầu về năng lượng.

Ngày cũng như đêm, các xe tải chở than chạy ầm ầm trên các con đường ở thôn Tràng Bạch, một thị trấn khai thác mỏ ở phía đông bắc Việt Nam.

Những người dân sống ở hai bên đường nơi đây thường xuyên sống trong một bầu không khí thường trực với những lớp bụi than. “ Tôi quét nhà mình 3 lần một ngày những vẫn còn bụi” bà Gái, một người bán rau tại địa phương cho biết.

Những lớp bụi than bao phủ các con đường và những người dân ở thôn Tràng Bạch, Quảng Ninh. (Ảnh: Tan Qiuyi)

Đặt chân đến con đường này, thật không khó để nhận ra đây là một thị trấn mỏ than. Lớp bụi đen của than ở khắp mọi nơi, trên lá cây, trên bàn chân của chó, mèo trên phố, trên bề mặt của tất cả các món đồ bán trong cửa hàng và nhà của người dân. “Rất nhiều xe tải, khó mà đếm được là có tất cả bao nhiêu. Tất cả mọi người ở đây đều rất bức xúc” bà Lụa, một người phụ nữ bán đậu phụ trong thôn cho biết.

Ngày cũng như đêm, các xe tải chở than chạy ầm ầm trên các con đường ở thôn Tràng Bạch, một thị trấn khai thác mỏ ở phía đông bắc Việt Nam. (Ảnh: Tan Qiuyi)

Việt Nam đã có kế hoạch để nâng cao đáng kể sản lượng điện chạy bằng than đá của mình để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp. Nhưng theo một nghiên cứu tại trường Đại học Harvard, việc mở rộng này có thể gây ra hàng chục ngàn trường hợp tử vong sớm một năm. “Bởi thế, nhiều người dân ở đây bị ung thư, mà chủ yếu là ung thư phổi” – ông Chiến, một người dân ở Quảng Ninh cho biết.

Thôn Tràng Bạch đã kể câu chuyện về một thị trấn khai thác mỏ nằm trên địa bàn rộng lớn của tỉnh Quảng Ninh, nơi mà người dân đã được hưởng lợi nhiều từ than đá nhưng cũng là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi ô nhiễm không khí.

Trên con đường rời thôn Tràng Bạch chỉ cách vài phút lái xe là những mỏ than đá và những bãi than đổ đống, nơi cung cấp nguyên liệu cho nhiều nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động trong phạm vi bán kính 15km.

Nhà máy điện Uông Bí, một trong số những nhà máy nhiệt điện than trong bán kính 15 km từ thôn Tràng Bạch (Ảnh: Tan Qiuyi)

“Chịu nhiều rủi ro về sức khỏe nhất đấy là khi bạn sống trong khu vực từ 10 đến 20 km từ nhà máy nhiệt điện than hoặc ít hơn” Lauri Myllyvirta, chuyên gia về ô nhiễm không khí đến từ Greenpeace East Asia cho biết.

“Những yếu tố tác động đến sức khỏe sẽ còn gia tăng hơn khi nó lan ra xa chạm đến các thành phố lớn, ví dụ như ở Hà Nội. Nếu ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng lên, hàng triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến quy mô của các tác động sẽ trở nên lớn hơn”.

Một nghiên cứu của Đại học Harvard và Greenpeace ước tính các nhà máy than đá của Việt Nam gây ra 4.300 ca tử vong sớm mỗi năm, và con số có thể sẽ tăng cao đến 25.000 ca/năm vào năm 2030, nếu như kế hoạch mở rộng nhiệt điện than được thực hiện.

Đường phố hiếm khi sạch sẽ, người dân cho biết họ quét nhà một ngày 3 lần nhưng vẫn không hết bụi. (Ảnh: Tan Qiuyi)

CNA phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Huệ, cựu giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tôi không thể nói các phát hiện của Harvard là đúng hay sai. Hiện không có cơ sở dữ liệu nào ở Quảng Ninh có thể chứng minh cho con số này. Cũng đã có nhiều nghiên cứu về bụi than nhưng chúng còn bị phân mảnh, rời rạc, không có hệ thống”.

Cô Nhàn, một giáo viên mầm non sống ở thôn Tràng Bạch cho biết không cần đến các nghiên cứu để biết bụi than đe dọa thế nào đến tính mạng con người. Hai đứa con của cô đã nhiều lần bị viêm phổi kể từ khi mới sinh. “Tôi tự hào là người dân Quảng Ninh, nơi cung cấp vàng đen cho đất nước. Nhưng đằng sau sự tự hào đấy là một nỗi buồn. Nó chưa thực sự công bằng” – cô Nhàn nói.

“Mọi người phải mang theo một gánh nặng và cuộc sống của chúng tôi rất khó chịu. Đó không phải là vì chúng tôi nghèo, đó là vì chúng tôi đang khốn khổ bởi ô nhiễm”.

Phương Phương – Theo CNA

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến