Cử tri Saroeun Sopor (43 tuổi) thực hiện thủ tục bỏ phiếu theo quy định tại phòng bầu cử số 2080, Trường Trung học Phổ thông Chea Sim Chroy Changvar, quận Chroy Changvar, Thủ đô Phnom Penh sáng 23/7/2023. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)
Ngày 23/7, hơn 8,2 triệu cử tri Campuchia đã đi bỏ phiếu bầu cử nghị sỹ Quốc hội khóa VII, chiếm 84,58% trong tổng số 9.710.655 cử tri.
Thông tin trên được ông Prach Chan, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC), xác nhận tại cuộc họp báo tối cùng ngày về công tác tổ chức bầu cử nghị sỹ Quốc hội khóa VII năm 2023.
Với số liệu tạm thời vừa công bố, cuộc bầu cử Quốc hội vừa diễn ra ghi nhận tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử cao hơn hai cuộc bầu cử gần nhất ở Campuchia.
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI năm 2018 ghi nhận hơn 83% số cử tri tham gia bầu cử, trong khi cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường lần thứ năm vào năm 2022 ghi nhận 80,32% số cử tri đi bỏ phiếu.
Đánh giá về công tác tổ chức bầu cử, ông Prach Chan cho biết nhờ sự phối hợp tốt giữa các cơ chế, hệ thống an ninh bầu cử các cấp với NEC và cơ quan tổ chức bầu cử các cấp, tiến trình bầu cử đã diễn ra thành công, trong không khí yên bình, an ninh, hòa bình và đảm bảo trật tự công cộng, không ghi nhận hành vi bạo lực và đe dọa.
Theo người đứng đầu NEC, ngay sau khi kết thúc hoạt động bỏ phiếu lúc 15h ngày 23/7, các điểm bầu cử đã được chuyển đổi công năng, chuyển sang công tác kiểm phiếu.
Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử được công bố dưới hình thức phát trực tiếp từ 19h ngày 23/7 trên kênh sóng Đài Truyền hình Quốc gia Campuchia. Bên cạnh đó, kết quả sơ bộ cũng được công bố trên các phương tiện và nền tảng truyền thông của Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia, Thông tấn xã Campuchia và NEC.
Ông Prach Chan cho biết: “Theo lịch trình bầu cử, kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố trong quãng thời gian từ ngày 9/8 đến ngày 4/9, trong trường hợp không tổ chức bầu cử lại và tùy thuộc vào việc có phát sinh đơn khiếu nại hay không.”
Theo Chủ tịch NEC, cuộc bầu cử nghị sỹ Quốc hội Campuchia lần này thu hút hơn 90.000 quan sát viên theo dõi, giám sát tiến trình tổ chức bầu cử. Trong số này, có trên 89.500 quan sát viên đến từ 135 tổ chức trong nước và 586 quan sát quan viên quốc tế đến từ 52 quốc gia và tổ chức quốc tế.
Bên cạnh đó, có 8/18 đảng phái tham gia tranh cử đăng ký quan sát viên và Ban bầu cử các xã, phường cho phép hơn 57.000 quan sát viên của các chính đảng này tham gia theo dõi, giám sát tiến trình bầu cử.
Ngoài ra, có gần 1.300 phóng viên thuộc 185 cơ quan báo chí, truyền thông đăng ký tác nghiệp, đưa tin về cuộc bầu cử lần này. Trong số đó, có 137 phóng viên thuộc 38 cơ quan báo chí, truyền thông quốc tế.
Trong số 18 chính đảng tham gia tranh cử tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII ở Campuchia lần này - kể từ cuộc bầu cử đầu tiên vào năm 1993, có 17 chính đảng cạnh tranh với đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng xếp thứ 18 trong danh sách các chính đảng tham gia tranh cử, theo thứ tự ghi trên phiếu bầu.
Cuộc bầu cử Quốc hội lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị ở Campuchia ổn định.
Với lợi thế giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử khóa trước, nắm giữ tất cả 125 ghế Quốc hội, lãnh đạo đất nước gặt hái nhiều thành quả trong nhiệm kỳ chính phủ đương nhiệm và bối cảnh chính trị thuận lợi, đảng CPP của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen được dự báo sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri./.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy