Dòng sự kiện:
BĐS Ninh Vân Bay: Chủ tịch lương 0 đồng, Hoa hậu Ngọc Hân lĩnh gần 1 tỷ
05/07/2023 19:11:24
Trong khi Chủ tịch và các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhận lương 0 đồng thì Hoa hậu Ngọc Hân nhận lương hơn 930 triệu đồng tại công ty bất động sản.

Tại Đại hội cổ đông 2023 của CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (NVT), HĐQT đề xuất kế hoạch thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát là 0 đồng. Cổ đông đặt câu hỏi, việc nhận 0 đồng có ảnh hưởng tới nhiệt huyết của ban lãnh đạo hay không?

Trả lời vấn đề này, ông Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch HĐQT của NVT cho rằng, tình hình hoạt động của công ty sau đại dịch vẫn hết sức khó khăn. Do đó, HĐQT đề xuất mức lương 0 đồng trong năm nay. Trường hợp năm 2023 đạt được các chỉ tiêu được Đại hội đề ra, năm sau HĐQT sẽ đề xuất mức lương phù hợp.

Năm 2022, HĐQT và Ban kiểm soát của NVT cũng nhận lương 0 đồng. Tuy nhiên, Ban điều hành vẫn có lương. Phó Tổng giám đốc Đặng Thị Ngọc Hân được nhận lương hơn 933 triệu đồng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Ông Linh khẳng định, việc không nhận thù lao không ảnh hưởng tới nhiệt huyết, cống hiến của các thành viên với công ty. Dưới sự quản lý điều hành của HĐQT, các kế hoạch kinh doanh của công ty trong năm vừa rồi đều cơ bản hoàn thành.

Năm 2022, HĐQT và Ban kiểm soát của NVT cũng nhận lương 0 đồng. Tuy nhiên, Ban điều hành vẫn có lương. Trong đó, Phó Tổng giám đốc Đặng Thị Ngọc Hân được nhận lương hơn 933 triệu đồng.

Bà Hân đảm nhiệm vị trí này từ tháng 3/2022. Như vậy, trung bình mỗi tháng hoa hậu nhận lương hơn 93,3 triệu đồng.

Trong năm 2022, hàng loạt chủ tịch nhận lương 0 đồng như ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup; ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát; ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan... 

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

D2D: CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 thông báo chốt quyền trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/7.

ART: HĐQT CTCP Chứng khoán BOS thông qua nghị quyết bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Lê giữ chức vụ Tổng Giám đốc từ ngày 3/7. Ông Lê hiện không nắm giữ cổ phiếu ART nào.

ABT: CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre thông báo về việc chuẩn bị thực hiện trả nốt cổ tức đợt 2/2022 và tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 10%. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 21/7.

NHA: Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội thông qua kế hoạch huy động vốn từ Chủ tịch Nguyễn Minh Hoàn với tổng giá trị 10 tỷ đồng, thời gian vay 12 tháng. Mục đích vay để bổ sung thêm nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

CAV: CTCP Dây Cáp điện Việt Nam vừa đưa ra thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện trả cổ tức đợt 3/2022 bằng tiền mặt, tỷ lệ 40%. Ngày đăng ký cuối cùng sẽ là ngày 14/7, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 13/7.

Thông tin giao dịch

LPB: Ông Hoàng Văn Phúc - Phó Tổng Giám đốc LPBank đăng ký bán toàn bộ số cổ phiếu LPB mà ông đang sở hữu là 271.448 cổ phiếu. Giao dịch thực hiện từ ngày 30/6 đến 28/7.

Bà Vũ Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc LPBank cũng đăng ký bán 271.400 cổ phiếu, tương ứng 0,0157% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian bán dự kiến từ ngày 30/6 đến 28/7.

TKC: Quỹ Đầu Tư Tài Chính MKDS, cổ đông lớn của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ đã mua vào hơn 372.000 cổ phiếu TKC trong ngày 30/6. Tổ chức này hiện nắm giữ hơn 1,52 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 10,15%.

VCG: Tổng CTCP Vinaconex thông qua việc mua thêm gần 17 triệu cổ phần trong đợt chào bán tăng vốn của CTCP Bách Thiên Lộc. Dự kiến việc mua vào thành công, VCG sẽ tăng sở hữu tại Bách Thiên Lộc lên gần 50 triệu cổ phần, tỷ lệ 99,99%.

JVC: CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Dịch vụ Y tế Việt Nhật với giá không thấp hơn 15 tỷ đồng.

VN-Index

Chốt phiên 4/7, VN-Index tăng 6,50 điểm (+0,58%), lên 1.132 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 701,3 triệu đơn vị, giá trị 14.641,6 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 2,16 điểm (+0,95%), lên 228,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 108,2 triệu đơn vị, giá trị 1.555,6 tỷ đồng.

UpCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,28%), xuống 85,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 45 triệu đơn vị, giá trị 617,3 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), lực mua chủ động gia tăng áp đảo bên bán đã giúp cho chỉ số VN-Index bảo vệ thành công ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.115-1.120 điểm.

Mặc dù áp lực rung lắc sẽ còn tiếp diễn trong các phiên tới, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục quán tính tăng điểm và thử thách lại vùng đỉnh cũ quanh 1.140 điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn và kết hợp mua tại hỗ trợ - bán tại kháng cự theo từng mã riêng lẻ với phần vị thế còn lại.

Tác giả: Duy Anh

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến