Dòng sự kiện:
Bê bối tình dục của Harvey Weinstein và 'luật im lặng' ở Hollywood
13/10/2017 15:22:59
Dù vướng scandal sex, "ông trùm" yên ổn ba thập niên nhờ tiền, quyền và bởi văn hóa Hollywood xem quấy rối tình dục là lẽ thường.

Ngày 5/10, tờ New York Times đăng bài tố cáo Harvey Weinstein - ông chủ hãng Weinstein, người sản xuất và phát hành nhiều tác phẩm đoạt Oscar. Ông trùm sinh năm 1952 bị cho là đã sàm sỡ hàng chục cô gái trong suốt ba thập niên qua. Những ngày sau đó, thêm nhiều diễn viên tố cáo Harvey Weinstein. Vụ bê bối được truyền thông Âu Mỹ xem là một trong các scandal gây rúng động nhất Hollywood năm nay.

Mô tả vụ việc của "ông trùm" Hollywood, nhiều nhà báo Âu Mỹ dùng cụm từ "open secret" - một điều tưởng như bí mật nhưng thật ra ai cũng biết. Năm 2013, khi công bố các đề cử Oscar, Seth MacFarlane đùa cợt: "Chúc mừng các nữ diễn viên đã được đề cử, từ nay các bạn không phải giả vờ thích Harvey Weinstein nữa". Khán phòng hôm đó cười rộ bởi đều hiểu nghệ sĩ hài đang ám chỉ điều gì.

Harvey Weinstein cũng tin mình bất khả xâm phạm. Một ngày trước khi bị bài báo vạch trần, ông chủ hãng Weinstein thản nhiên trả lời về các cáo buộc: "Câu chuyện nghe hay đến mức tôi muốn mua nó làm phim".

Ngay cả khi scandal của Harvey Weinstein bị phanh phui trên New York Times, sao Hollywood vẫn phản ứng chậm chạp. Những ngày đầu tiên sau bài báo, tờ Guardian liên hệ 20 diễn viên và đạo diễn hạng A từng làm việc với ông trùm, nhưng chỉ vài người trả lời.

Một vài sao như Meryl Streep hay Ben Affleck thì phát biểu nước đôi khi vừa chỉ trích ông trùm, vừa bảo "không biết" hành vi của ông những năm qua. Angelina Jolie và Gwyneth Paltrow, hai minh tinh có ảnh hưởng bậc nhất Hollywood chỉ tố cáo Harvey Weinstein ở thời điểm công chúng phản ứng mạnh.

Ông trùm thường được nhiều cô gái vây quanh.

Trên Variety, cây bút Cari Ross đặt câu hỏi: "Tại sao cộng đồng im lặng ba thập niên? Tại sao Hollywood làm ngơ trước một 'kẻ săn mồi' như Harvey Weinstein trong khi con người rất nhanh chỉ ra lỗi lầm của nhau?".

Nhiều người trong đó có nhà làm phim Jennifer Siebel Newwsom nêu ra khái niệm "luật im lặng". "Rõ ràng nhiều người biết nhưng không đứng về phía nạn nhân. Rõ ràng nhiều người muốn bảo vệ quyền lực và đặc quyền hơn là đảm bảo thủ phạm chịu hậu quả", cô viết trên Huffington Post.

Tiền bạc là cách thức trực diện để Harvey Weinstein bảo vệ mình. Theo New York Times, ông dàn xếp ít nhất tám lần với các nạn nhân, trong đó diễn viên Rose McGowan - người nhận 100.000 USD vào năm 1997. Kathy DeClesis, cựu trợ lý của Bob Weinstein (em trai Harvey Weinstein) - ghi nhận việc một nhân viên trẻ đột ngột rời công ty sau cuộc gặp ông Harvey, rồi nhận một khoản tiền để im lặng.

Quyền lực của Harvey Weinstein cũng khiến nhiều người ngại lên tiếng. Ở thời đỉnh cao, ông trùm phủ bóng các mùa giải thưởng đến nỗi huyền thoại Meryl Streep từng gọi ông là "Chúa trời" ở lễ trao giải Quả Cầu Vàng 2012. Những chiến dịch vận động hiệu quả của Harvey đã mang về hơn 300 đề cử Oscar cho các phim hãng ông sản xuất hoặc phát hành.

Với tầm ảnh hưởng này, nhiều diễn viên và nhân viên chọn cách "nhắm mắt làm ngơ" để yên ổn. Theo New York Times, một số nạn nhân cho biết không trình báo vì không có nhân chứng, sợ ông Harvey trả thù hoặc thấy xấu hổ. Nhiều người chỉ nói chuyện này với các đồng nghiệp. Hàng chục người nói họ biết các hành vi không đúng đắn của ông, nhưng chỉ một số ít dám đối mặt ông.

"Tôi là một người phụ nữ 28 tuổi cố tìm kế sinh nhai và phát triển sự nghiệp. Harvey Weinstein 64 tuổi, nổi tiếng khắp thế giới và đây là công ty của ông ấy. Cán cân quyền lực là tôi 0 điểm, Harvey Weinstein 10 điểm", Lauren O'Connor, một nạn nhân chia sẻ.

Gwyneth Paltrow chỉ tố cáo Harvey Weinstein sàm sỡ 23 năm sau sự việc.

Vấn đề sâu xa hơn nằm ở hậu trường Hollywood, nơi việc gạ tình được xem như chuyện thường. Sau khi scandal bị phanh phui, Harvey Weinstein xin lỗi nhưng lý giải ông cư xử như vậy bởi lớn lên trong thập niên 1960 và 1970 giai đoạn ông cho rằng quấy rối tình dục là một thứ văn hóa ở Hollywood.

Harvey Weinstein chỉ là bề nổi của tảng băng. Trên Guardian, ngoài việc tố cáo ông trùm, nữ diễn viên Léa Seydoux tiết lộ từng gặp nhiều kẻ tương tự. "Việc đối mặt với những người đàn ông như vậy thật quen thuộc. Trong ngành này, có nhiều đạo diễn lạm dụng vị trí của mình. Họ có tầm ảnh hưởng đủ lớn để có thể làm vậy. Nếu bạn là một người phụ nữ tham gia điện ảnh, bạn phải chiến đấu mạnh mẽ bởi đây là một thế giới coi thường phụ nữ.", cô chia sẻ.

Cây bút Stephanie Zacharek của Time giải thích: "Khi tố cáo một ông trùm, một người phụ nữ có nguy cơ mất chỗ đứng trong nghề nghiệp hoặc bị xem là kẻ ưa rên rỉ không hiểu luật chơi". Angelina Jolie và Gwyneth Paltrow hiểu "luật chơi" này. Họ cự tuyệt Harvey, vươn lên thành những ngôi sao hàng đầu, nhưng tuyệt nhiên im lặng về sự cố cho đến khi ông trùm đã bị dìm xuống bùn.

Trên Variety, Cari Ross chia sẻ: "Ở Hollywood, tham vọng có nghĩa là chịu đựng mọi thứ có thể để tiến thân. Bạn sẽ nhắm mắt làm ngơ miễn là những kẻ quyền lực giúp bạn thăng tiến". Năm 1999 - bốn năm sau khi bị sàm sỡ, Gwyneth Paltrow đoạt Oscar "Nữ diễn viên xuất sắc" năm 1999 với phim Shakespeare in Love do Harvey sản xuất. Đêm đó, cô vẫn vui vẻ ăn mừng và chụp hình với ông.

Cây bút Bret Stephens của New York Times lý giải: "Weinstein hưởng lợi từ một nền văn hóa mà những hành vi ông ấy yêu thích thường được tha thứ, hiếm khi bị chất vấn và đôi khi còn được tạo điều kiện. Ở phim ảnh cũng như chính trị, sự đạo đức giả không chỉ là một điều được thừa nhận, mà còn là một phần thiết yếu của công việc".

Đồng thời, anh cho rằng Harvey Weinstein bị hạ bệ chẳng qua vì quyền lực của ông đã suy yếu trong vài năm gần đây. Hai năm qua, phim của hãng Weinstein không còn thắng thế trên đường đua Oscar. "Ông ấy không còn là ông trùm phim độc lập có thể thay đổi sự nghiệp của một diễn viên nữa. Những con ngựa què như Harvey sẽ bị bắn bỏ", Bret nói. Anh cho rằng gốc rễ vấn đề vẫn còn đó và chỉ mỗi vụ của Harvey Weinstein chưa thể thay đổi được văn hóa Hollywood.

Nhà làm phim Jennifer Siebel Newwsom nói tình hình có chuyển biến bởi ý thức của công chúng đã được nâng cao, nhưng đây chỉ là bước đầu tiên. "Chúng ta cần nhiều người quyền lực hơn, đặc biệt là đàn ông để phá 'luật im lặng', đấu tranh vì những gì đúng đắn và công bằng, cũng như thách thức thứ văn hóa quấy rối tình dục và cưỡng hiếp này", cô bày tỏ.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến