Dòng sự kiện:
Bệ đỡ từ sự ổn định của tỷ giá
14/06/2022 11:47:18
Một trong những kết quả nổi bật trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng trong thời gian qua là sự ổn định của tỷ giá VND/USD.

Sự ổn định của tỷ giá cũng là “bệ đỡ” để tăng dự trữ ngoại hối của đất nước

Sự ổn định của tỷ giá

Sự ổn định của tỷ giá VND/USD được biểu hiện trên nhiều điểm. Theo đó, trừ 2 năm 2010 và 2011, giá USD tăng rất cao và năm 2015 tăng cao, các năm khác tăng thấp, thậm chí đã giảm trong hơn 2 năm qua; khả năng cả năm có thể không còn giảm, nhưng nếu tăng thì tốc độ tăng cũng rất thấp.

Trong khi giá USD ở Việt Nam giảm, thì giá USD trên thế giới lại tăng. Chỉ số giá USD đã tăng từ mức 97 lên 102 hiện nay, có lúc đã lên trên 104.

Sự ổn định của tỷ giá do nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố cơ bản là lượng ngoại tệ vào Việt Nam tăng và có quy mô lớn. Xuất siêu về hàng hóa đạt liên tục từ năm 2016 đến 4 tháng đầu năm 2022 (với tổng số 47,8 tỷ USD). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 118,42 tỷ USD. ODA giải ngân đạt khoảng 13 tỷ USD. Chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 45,6 tỷ USD…

Một yếu tố quan trọng là dự trữ ngoại hối của Việt Nam theo Ngân hàng Thế giới (WB) đến tháng 7/2021 đạt 102,872 tỷ USD, đứng thứ 28 thế giới ; còn theo Đài Truyền hình Việt Nam đến ngày 11/3/2022 đạt khoảng 110 tỷ USD, cao gấp 10 lần năm 2010 - vượt qua ranh giới tài chính (3 tháng nhập khẩu).

Cùng với đó, lạm phát (CPI) bình quân năm từ năm 2014 đến nay được kiểm soát theo mục tiêu (4%); 4 tháng năm 2022 mới ở mức 2,1%, khả năng cả năm cơ bản ở mức 4% (tức là trên dưới 4%). Việc điều hành thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước mấy năm nay tiếp tục đạt kết quả tích cực, trong đó đáng lưu ý là phương thức thông qua tỷ giá trung tâm và quy định lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0%.

Các yếu tố trên đã hạn chế găm giữ ngoại tệ, góp phần nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia - yếu tố tổng hợp để ổn định tỷ giá.

“Bệ đỡ” của nhiều quan hệ kinh tế vĩ mô

Sự ổn định của tỷ giá là “bệ đỡ” kiềm chế lạm phát theo 2 chiều hướng. Chiều hướng thứ nhất là làm giảm áp lực của nhập khẩu lạm phát khi giá nhập khẩu tính bằng USD tăng, nhưng do tỷ giá VND/USD giảm sẽ làm cho giá nhập khẩu tính bằng USD không tăng cao như giá nhập khẩu tính bằng USD. Chiều hướng thứ hai là tác động đến yếu tố tâm lý.

Sự ổn định của tỷ giá cũng là “bệ đỡ” đối với việc thu hút các nguồn ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam xét theo 2 nghĩa. Nghĩa thứ nhất là chênh lệch giữa tỷ giá sức mua tương đương với tỷ giá hối đoái thực tế ở Việt Nam tuy đã giảm, song vẫn rất lớn (khoảng 3 lần) - tức là sức mua 1 USD ở Việt Nam cao gấp khoảng 3 lần ở Mỹ và khá cao ở nhiều nước khác (dưới 3 lần, nhưng trên 1 lần).

Nghĩa thứ hai là lãi suất gửi ngân hàng bằng VND khá cao khi các đồng ngoại tệ được chuyển đổi thành VND để gửi ngân hàng. Theo đó, tỷ giá VND/USD giảm sẽ có sức hấp dẫn đối với các nguồn ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Sự ổn định của tỷ giá cũng là “bệ đỡ” để tăng dự trữ ngoại hối của đất nước xét theo ba ý nghĩa: thu hút ngoại tệ từ các nguồn vào Việt Nam; hạn chế việc găm giữ ngoại tệ; tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua được nhiều ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời do lạm phát được kiềm chế nên việc trung hòa giữa tiền đồng đưa ra mua ngoại tệ và thu hút tiền đồng trở về không gặp khó khăn lớn.

Ngoài ra, sự ổn định của tỷ giá còn là “bệ đỡ” cho những khoản vay nợ ngoại tệ khi tính bằng VND của quốc gia, các doanh nghiệp và cá nhân; là “bệ đỡ” để bảo đảm và nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

Tuy vậy, việc tỷ giá VND/USD tăng thấp và giảm cũng có vấn đề đáng quan tâm. Trước hết là quan hệ giữa xuất và nhập khẩu, thông qua tỷ giá thương mại. Tỷ giá thương mại được tính bằng cách chia chỉ số giá xuất khẩu cho chỉ số giá nhập khẩu, tỷ giá thương mại lớn hơn 100% thì giá xuất khẩu lớn hơn chỉ số giá nhập khẩu, tức là tỷ giá VND/USD tăng sẽ góp phần có lợi (khuyến khích) xuất khẩu, bất lợi cho nhập khẩu.

Ngược lại, nếu tỷ giá thương mại nhỏ hơn 100%, thì chỉ số giá xuất khẩu thấp hơn chỉ số giá nhập khẩu, tức là tỷ giá VND/USD giảm sẽ góp phần có lợi cho nhập khẩu, bất lợi cho xuất khẩu. Tỷ giá thương mại hàng hóa năm 2020 giảm 0,74%, năm 2021 giảm 2,49%, quý I/2022 giảm 3,13%. Nếu tỷ giá thương mại giảm kéo dài, sẽ bất lợi cho xuất khẩu.

Thực tế, xuất siêu liên tục và tăng lên từ năm 2016 đến 2020, nhưng năm 2021 đã giảm chỉ còn bằng 1/4 so với năm 2020, nửa đầu tháng 5/2020 đã nhập siêu 2,703 tỷ USD và từ đầu năm đến ngày 15/5 đã nhập siêu 232 triệu USD. Vì vậy, cần quan tâm đến tỷ giá.

Tác giả: Minh Nhung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến