Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai xin đề xuất chuyển đổi mô hình theo Nghị định 60 của Chính phủ, tự chủ theo nhóm 2 - tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên, để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của bệnh viện.
Tiến sỹ Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh như vậy khi lãnh đạo Bộ Y tế có buổi làm việc với đơn vị này vào ngày 18/8.
Tự chủ trên... danh nghĩa
Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ giao cho 4 bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 bệnh viện thực hiện là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K.
Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ - là mô hình mới, sau đó phải có báo cáo tổng kết, tốt sẽ nhân rộng, không tốt sẽ bỏ đi.
Nói về công tác tự chủ trong thời gian qua, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai đề cập đến khó khăn chung của nhiều bệnh viện công: Nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu thuốc và thiết bị y tế. Bài toán của Bạch Mai cũng là nỗi niềm chung của ngành vì Bệnh viện Bạch Mai lớn và cũng đang rất khó khăn.
“Chúng tôi chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ. Như vậy không đủ điều kiện để đánh giá việc tự chủ này. Ba điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, về giá và giao vốn. Tuy nhiên, Bạch Mai chưa bao giờ được tự chủ mà chỉ tự chủ trên danh nghĩa,” tiến sỹ Hùng nhấn mạnh.
Ông Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã có báo cáo tổng kết gửi Bộ Y tế, Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện. Trong khi chờ Chính phủ trả lời, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn bệnh viện tiếp tục thí điểm tự chủ.
Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo, nhiệm vụ an sinh xã hội của bệnh viện không được đảm bảo.
Khó khăn do mỗi năm giảm 2.000 tỷ đồng
Theo Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của Đề án tự chủ toàn diện. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của Bộ Y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, Bộ Y tế chưa ban hành giá trần dịch vụ khám, chữa bệnh.
Đặc biệt, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh giảm. Nguồn thu của bệnh viện năm 2020, 2021 giảm 2.000 tỷ mỗi năm, ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động. Nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh, liên kết đang dừng hoạt động dẫn tới thiếu thiết bị phục vụ người bệnh. Ngoài ra, việc khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…
Phó giáo sư Đào Xuân Cơ cũng chỉ rõ khi bệnh viện triển khai thí điểm tự chủ đúng lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp do đó nguồn thu của bệnh viện giảm sâu, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo các tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm… Về giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh là nguồn thu chính của bệnh viện cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc rất lớn.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng đề cập vấn đề chi tiền lương. Theo đó, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nguồn thu của bệnh viện khiến nguồn thu giảm trong khi bệnh viện không được thực hiện quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu. Điều này dẫn đến việc bệnh viện chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ thực hiện được việc xác định Quỹ lương trên doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo viện đã rất nỗ lực duy trì thực hiện chi tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công và quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động của từng đơn vị.
Về vấn đề tự chủ, Quyền Bộ Trưởng Y tế Đào Hồng Lan thông tin, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K Trung ương là 2 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ được 2 năm.
“Với tinh thần Nghị quyết do Chính phủ giao, chúng ta muốn chuyển sang hình thức nào (tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 33 hay thực hiện theo Nghị định 60), Bộ Y tế đều phải có tổng hợp để báo cáo Chính phủ. Chúng tôi cũng đang giao Vụ Tài chính làm việc với 2 bệnh viện để đánh giá kỹ, từ đó trình lên Chính phủ,” bà Lan cho hay.
Bà Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh các vướng mắc đa phần liên quan cơ chế tài chính, vì vậy 2 bệnh viện cần có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị định 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết.
Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng trong quá trình triển khai thực hiện. Bà Lan cho rằng nếu tháo gỡ được vướng mắc này cùng với việc Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn về văn bản pháp luật sẽ đưa ra hành lang pháp lý giúp cho bệnh viện có định hướng tốt hơn trong thời gian tới./.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy