Nhiều bệnh viện vẫn thụ động trong việc đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế
Chờ hướng dẫn
Trước vấn nạn thiếu thuốc, đầu tháng 3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Hơn 3 tháng sau, Bộ Y tế ra Thông tư 14/2023/TT-BYT (Thông tư 14) quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập.
Hai văn bản này cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc trong đấu thầu, tuy nhiên chỉ có hiệu lực đến ngày 31/12/2023. Việc mua sắm hiện nay thực hiện theo Luật Đấu thầu 2023, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Theo ý kiến của một số bệnh viện, dù Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ đầu năm nay, nhưng sau 2 tháng mới có Nghị định 24/2024/NĐ-CP (Nghị định 24) quy định thi hành Luật và hiện đã hết quý I/2024 vẫn chưa có thông tư hướng dẫn.
Có thông tư hướng dẫn, các bệnh viện mới mở thầu, thì phải mất 3-5 tháng nữa mới có thuốc, vật tư để phục vụ khám chữa bệnh. Tức là, ít nhất cuối quý III năm nay, tình hình mới ổn định.
Đại diện các bệnh viện cũng thừa nhận, chưa thể dễ dàng đấu thầu mua sắm đủ thuốc, vật tư. Một số loại vật tư (găng tay, bông băng, vật tư phẫu thuật...) đang phải mua theo gói dưới 50 triệu đồng, do giám đốc bệnh viện tự quyết định. Nhưng với những vật tư phục vụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, tim mạch thì giá cao, không thể mua theo hình thức này. Vì thế, có những bệnh viện chỉ bảo đảm vật tư y tế cho các trường hợp cấp cứu, chứ không thể phục vụ các ca mổ.
Thuốc và vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt, không thể đấu thầu giống như các mặt hàng thông thường. Nếu chưa có thông tư hướng dẫn, thì các bệnh viện chưa thể mua sắm được. Ngay cả việc áp giá gói thầu của các bệnh viện khác làm căn cứ mua sắm thì đặc thù bệnh viện cũng không thể mua đủ mặt hàng như nhu cầu sử dụng thực tế, có thể chỉ dùng một vài tháng và chỉ được thực hiện một lần trong năm.
Ngoài ra, một số bệnh viện cũng bày tỏ lo lắng về tính trung thực và chính xác của báo giá trang thiết bị, vật tư y tế mà các doanh nghiệp đưa ra. Bệnh viện lo ngại mua phải giá cao, sau này khi thanh tra sẽ thành thất thoát tài sản.
Các bệnh viện quá thận trọng
TS. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ, Nghị định 24 giúp bệnh viện giải quyết khá nhiều vấn đề thực tế. Theo đó, Nghị định nói rõ quy trình đấu thầu gồm bao nhiêu bước, các bước phải làm thế nào, có sẵn biểu mẫu để triển khai đấu thầu… Nhưng trong Nghị định cũng ghi rõ, Bộ Y tế cần phải làm thêm một số bước như phân nhóm trang thiết bị, nhóm vật tư và nhóm thuốc, nhóm nào cần đấu thầu tập trung, nhóm nào cho các bệnh viện tự chủ.
Về điều này, ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, các nội dung tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu tại Thông tư 14 của Bộ Y tế đã được đưa hết vào Nghị định 24 để có tính pháp lý cao hơn. Tuy nhiên, nhiều đơn vị không nghiên cứu kỹ nên sợ làm sai.
“Một số đơn vị cũng đã hỏi Vụ Kế hoạch - Tài chính, nhưng tìm hiểu ra là do họ không nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật”, ông Sơn nói.
Về việc một số bệnh viện vẫn đợi thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế ra đời mới làm thầu, nên dự kiến phải nhiều tháng nữa mới có thuốc, vật tư y tế, ông Sơn cho biết, Bộ Y tế sẽ không có công văn, cũng không có thông tư hướng dẫn mua sắm trang thiết bị, mà chỉ có thông tư về thuốc.
Bộ sẽ ban hành các thông tư mà Chính phủ đã giao, nhưng là về cơ chế đàm phán giá với các thiết bị chỉ có 1-2 nhà sản xuất và danh mục mua sắm tập trung để phục vụ Trung tâm Mua sắm tập trung Quốc gia, chứ không phải phục vụ các hoạt động khác.
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, cơ chế đấu thầu không còn vướng mắc, vì các văn bản hướng dẫn đã có. Luật Đấu thầu và Nghị định 24 đã tháo gỡ hết khó khăn mà các bệnh viện từng phản ánh.
Theo ông Khoa, tư duy chờ thông tư hướng dẫn mới mua sắm là sai, vì các quy định đã có. Tuy nhiên, một lý do nữa khiến nhiều bệnh viện thiếu vật tư là có những gói mua sắm không có nhà thầu tham gia vì thiếu nguồn hàng để cung ứng.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo ông Hoàng Cương, Trưởng phòng chính sách (Cục Quản lý đấu thầu), từ đầu năm 2024, khi Luật Đấu thầu mới có hiệu lực áp dụng, đã có trên 1 vạn gói thầu các ngành nghề phát hành hồ sơ mời thầu theo luật mới, trong đó có mua sắm cho y tế.
“Ngày 27/2/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, là cơ sở để các bệnh viện triển khai ngay việc mua sắm mà không cần chờ sự ra đời của những thông tư hướng dẫn”, ông Cương khẳng định.
Tác giả: Dương Ngân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy