Dòng sự kiện:
Bí ẩn đại gia Khoa 'khàn' và những dự án tỷ đô
23/03/2020 09:00:33
Là một đại gia kín tiếng, tuy nhiên sau việc thoái vốn khỏi dự án Golden Palace A, doanh nhân Khoa 'khàn' dường như không còn đầu tư tại Việt Nam và hiếm khi xuất hiện trong giới truyền thông.

Đại gia kín tiếng

Trần Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư địa đốc Đại Quang Minh sinh năm 1970, thường được gọi là Khoa "khàn" vì giọng nói của vị đại gia này có giọng khàn khàn.

Ông Khoa cũng thường được gọi là "Khoa Keangnam" bởi tham gia khá sâu vào hoạt động mua bán, giao dịch tại một trong những dự án "hot" nhất thị trường Hà Nội thời điểm 2007 - 2009 trên vai trò trợ lý chủ tịch Công ty Keangnam Vina - chủ đầu tư khu Tổ hợp Keangnam Landmark Tower.

Ông Trần Đăng Khoa (hay còn gọi Khoa "khàn")

Doanh nhân họ Trần trở về từ Đông Âu và thành lập Mai Linh giữa những năm 2000, sau đó nhanh chóng nổi lên trong lĩnh vực bất động sản. 

Trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Đại Quang Minh, Khoa "Khàn" là chủ của CTCP Đầu tư Mai Linh (Công ty Mai Linh). Năm 2006, ông Khoa và 2 cổ đông cá nhân khác đã lập ra công ty này. Thời điểm đó, Công ty Mai Linh theo đuổi dự án khu căn hộ cao cấp Golden Palace tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội với 3 tòa tháp cao 30 tầng.

Đến 2011, doanh nhân Trần Đăng Khoa cùng một vài đối tác lập ra Công ty Đại Quang Minh. Được biết Công ty Đại Quang Minh có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng, trong đó, cá nhân ông Khoa nắm 17,5% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Mai Linh nắm 37,5% và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) nắm 45%. Lúc này, ông Khoa giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT, ông chủ Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương là Tổng giám đốc.

Ngay khi vừa thành lập, năm 2011 Đại Quang Minh là nhà đầu tư tiên phong vào Thủ Thiêm với một loạt những dự án lớn đang triển khai cả về hạ tầng lẫn khu dân cư thông qua hình thức BT. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty này được giao đầu tư thực hiện 5 dự án tại KĐT mới Thủ Thiêm.

5 dự án này bao gồm: Khu chức năng số 5 và 6: Khu đô thị Sala rộng 128ha; Khu chức năng số 8, vùng châu thổ phía Nam rộng 150ha gồm 3 dự án nhỏ: Khu nghỉ dưỡng sinh thái, công viên giải trí và khu nghiên cứu; Dự án xây dựng 4 tuyến đường chính kết nối các khu chức năng; Cầu Thủ Thiêm 2; Quảng trường và công viên bờ sông

Với quy mô khổng lồ này, các dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Đại Quang Minh làm chủ đầu tư đang được đánh giá là dự án tỷ đô trên khu đất "kim cương" ở thành phố mang tên Bác. Trong các lần ra mắt sản phẩm hay sự kiện của doanh nghiệp này, ông Trần Đăng Khoa thường đứng sau hậu trường mà không bao giờ có bất cứ một phát ngôn nào từ người đại diện của doanh nghiệp. Do đó, ông Khoa được dự luận đánh giá là một đại gia bí ẩn, kín tiếng.

Đại gia Khoa "khàn" âm thầm thoái vốn khỏi loạt công ty

Thế nhưng, trong những năm qua, vợ chồng doanh nhân Khoa "khàn" dần thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp đầu tư các dự án trên.

Có thể kể đến như, năm 2014, vợ chồng ông bán 99% vốn trong CTCP Bất động sản Hồng Ngân. Hồng Ngân là chủ đầu tư dự án Thành Phố Xanh có tổng vốn 7.900 tỷ đồng, và dự án BT đối ứng là dự án Khu Công viên-Hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam Nghĩa trang Mai Dịch có vốn đầu tư 975 tỷ đồng.

Giữa năm 2016, ông Trần Đăng Khoa có quyết định làm dậy sóng giới đầu tư khi cùng Công ty Mai Linh hạ tỷ lệ sở hữu trong dự án Khu đô thị Sala từ mức chi phối 55% về còn 5%. 

Một năm sau, vợ chồng ông Trần Đăng Khoa năm 2017 cũng đã âm thầm rút hết vốn khỏi Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hoàng Cường - cổ đông lớn, có thời điểm từng sở hữu 1/5 vốn của CTCP ô tô Trường Hải.

Đến năm 2018, ông Trần Đăng Khoa cùng vợ là bà Nguyễn Hồng Minh cùng thoái vốn khỏi Công ty TNHH Bất động sản và Thương mại Hồng Phúc Quang - chủ đầu tư dự án khách sạn Senla Boutique tại ngã tư Hai Bà Trưng - Lê Thánh Tôn (Quận 1, TP HCM).

Senla Boutique tọa lạc trên khu đất "vàng" vuông vắn có diện tích 789 m2 ngay góc ngã tư Hai Bà Trưng và Lê Thánh Tôn. Nằm tại khu trung tâm quận 1, Khách sạn Senla Boutique được thiết kế rất cao cấp với quy mô 15 tầng cao, 2 tầng hầm (chưa tính tầng lửng và tầng kỹ thuật).

Dự án Senla Boutique nằm ngay ngã tư "vàng" Hai Bà Trưng - Lê Thánh Tôn, cạnh Phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh: Xuân Tiên)

Thời điểm này, thông tin duy nhất còn lại là ông Khoa vẫn còn đầu tư vào dự án Golden Palace A tại Mễ Trì.

Theo tìm hiểu, dự án Golden Palace A vốn là siêu dự án Tháp Dầu khí 102 tầng (PVN Tower) do CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG (PV-SSG) được thành lập ngày 19/01/2010 làm chủ đầu tư.

PVN-SSG do 5 cổ đông sáng lập gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN (6%); Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (25%); Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí – PVI (10%); Ngân hàng TMCP Đại Dương – Ocean Bank (10%); Tập đoàn SSG (49%) với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng.

Theo quy hoạch 1/500 được công bố tháng 8/2010, PVN Tower có tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, được xây dựng trong ô đất 6,5ha thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, trong quần thể toàn dự án thương mại rộng 39,8 ha.

Tuy vậy, dự án sau đó mang tới không ít nghi ngại về tính khả thi, nhất là trong bối cảnh bản thân PVN gặp khó khăn và thị trường địa ốc suy thoái. Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo PVN không tiếp tục thực hiện dự án để tập trung nguồn lực cho hoạt động của ngành, nghề kinh doanh chính theo đúng chủ trương.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, PVN tuyên bố rút khỏi dự án và chuyển giao lại cho công ty con là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), với quy mô giảm xuống còn 79 tầng thay vì 102 tầng như thiết kế ban đầu, số vốn đầu tư giảm xuống còn trên 600 triệu USD. Tuy nhiên PVC với thực trạng tài chính thua lỗ nặng nề cũng đã không thể hiện thực hoá tham vọng biểu tượng ngành dầu khí.

Tháng 2/2015, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi chủ đầu tư dự án, đồng thời giao UBND TP. Hà Nội xem xét đề xuất của CTCP Đầu tư Mai Linh, quyết định việc chuyển đổi chủ đầu tư đảm bảo hiệu quả quỹ đất.

Ngày 1/12/2015, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 6578/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết dự án Khu chức năng đô thị Golden Palace A, tỷ lệ 1/500 có diện tích nghiên cứu lập quy hoạch 39,8 ha.

Và ngày 21/11/2016, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án đã được Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chấp thuận tại Quyết định số 6978/QĐ-QHKT.

Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội ngày 20/2/2017 đã có Quyết định số 1208/QĐ-UBND chính thức công nhận CTCP Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư dự án. Vốn đầu tư theo đó là 4.460 tỷ đồng, tuy nhiên đáng chú ý là tổng diện tích sử dụng đất của dự án lúc này chỉ còn 206.337 m2, bằng già nửa so với diện tích nghiên cứu quy hoạch ban đầu (39,8ha).

Lúc này, dự án "Công viên giải trí, trường học và Tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A" chính thức ra đời.

Golden Palace A có thể được coi là dự án cuối cùng của doanh nhân Khoa "khàn" đầu tư tại Việt Nam. Thế nhưng, ít người biết rằng, vợ chồng ông Trần Đăng Khoa đã bán dự án này từ tháng 6/2018, thông qua việc thoái vốn tại CTCP đầu tư Mai Linh.

Phối cảnh dự án Golden Palace A

Cụ thể, trong năm 2018, các cổ đông sáng lập của Đầu tư Mai Linh nhượng toàn bộ 600 tỷ đồng mệnh giá cổ phần cho ba pháp nhân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Linh Sơn, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ LTVN và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ ANC Sài Gòn, với tỷ lệ lần lượt là 99,8%; 0,1%; 0,1%.

Như vậy, sau 12 năm gắn bó, vợ chồng ông Khoa "khàn" đã hoàn toàn rút khỏi Mai Linh, nhường chỗ cho chủ sở hữu mới là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Linh Sơn.

Về tay chủ mới, lô đất quy hoạch dự án Golden Palace A được quảng bá với tên gọi mới là Imperia Eden Park.

Thoái vốn tại CTCP Đầu tư Mai Linh và dự án Golden Palace A, dường như doanh nhân Khoa "khàn" không còn vướng bận gì tại Việt Nam. Hiện nay, gần như không ai biết doanh nhân họ Trần đang ở đâu, làm gì?

Linh Nhi (t/h)


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến