Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh mới đây đã có thông báo gửi các khách hàng, cho biết sẽ tạm dừng mở cửa văn phòng tiếp đón khách hàng do có khách hàng đe dọa sử dụng vũ khí để tấn công cán bộ nhân viên tập đoàn.
Sự việc đã được tập đoàn trình báo lên cơ quan công an có thẩm quyền. Trong thời gian chờ cơ quan công an xác minh, điều tra và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và sức khỏe của ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của tập đoàn, từ ngày 15/6, tập đoàn dừng mở cửa văn phòng tại trụ sở 24 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trước thông báo từ phía Tân Hoàng Minh, ngày 16/6, nhiều khách hàng cũng đã kéo nhau đến trụ sở Tân Hoàng Minh căng băng rôn kêu gọi tập đoàn trả tiền. Nhiều khách hàng đến từ các tỉnh xa như Lào Cai, Yên Bái cũng kéo nhau xuống Hà Nội biểu tình và đến nơi mới biết Tân Hoàng Minh đã đóng cửa trụ sở.
Trước đó, ngày 10/6, đại diện nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đề nghị ra văn bản bổ sung hướng dẫn các tổ chức quản lý tài sản đảm bảo (ngân hàng, công ty chứng khoán) để các tổ chức này giải tỏa tài sản theo quy định của pháp luật nhằm hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cũng đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an sử dụng số tiền Tân Hoàng Minh chuyển vào tài khoản C03 mở tại Kho bạc Nhà nước để hoàn trả lại cho nhà đầu tư theo tỉ lệ đồng đều tương ứng.
Hôm 6/6 vừa qua, Tân Hoàng Minh cho biết đã nộp 666,1 tỷ đồng cho cơ quan chức năng (chưa bao gồm số tiền C03 trực tiếp thu hồi).
"Theo kỳ vọng của chúng tôi, tổng số tiền thu hồi trên tổng dư nợ của 9 đợt phát hành trái phiếu đã bị hủy bỏ (đã bao gồm các khoản thu hồi trước đó) đến hết tháng 6 dự kiến sẽ đạt 15-20% và đến cuối tháng 7 kỳ vọng đạt 50-60%", ông Đỗ Hoàng Minh cho biết trong văn bản gửi các khách hàng. Tập đoàn này đang rao bán 5 dự án để có tiền trả cho nhà đầu tư.
Về việc chuyển nhượng dự án, ông Minh khẳng định tập đoàn vẫn nỗ lực không ngừng để tìm kiếm và đàm phán với các đối tác có tiềm năng, nguồn lực tài chính để chuyển nhượng dự án.
Theo phía Tân Hoàng Minh, việc chuyển nhượng bất động sản trải qua quá trình dự kiến tìm đối tác, thẩm định năng lực, đàm phán, tiến tới ký kết và thực hiện giao dịch thành công đòi hỏi rất nhiều thời gian. Trong khi đó, các giao dịch chuyển nhượng dự án của Tân Hoàng Minh có liên quan đến 9 đợt chào bán trái phiếu bị hủy bỏ, đang bị điều tra trong vụ án hình sự sẽ phải báo cáo và được sự chấp thuận của C03 nên sẽ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian hơn bình thường.
Tập đoàn cũng cho biết đã đề xuất với C03 để lên phương án trả nhanh nhất cho nhà đầu tư theo tỉ lệ, ngay khi tập đoàn thu xếp được 10% đầu tiên. Tuy nhiên quyết định cuối cùng về phương án chi trả thuộc về C03 và các cơ quan liên quan.
Tác giả: Trần Thu Thảo
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy