Buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quế Phong lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo đó, trong năm qua, về kinh tế Quế Phong ổn định và có bước tăng trưởng khá, đã hoàn thành 23/30 chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2021. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 10,04% so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Quế Phong đạt được kết quả giải ngân vốn đầu tư công ấn tượng khi đạt 100%, đứng thứ 2 toàn tỉnh. Cải cách hành chính xếp thứ 7/21 huyện, thành, thị.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cùng đoàn đại biểu làm việc ở huyện Quế Phong (ảnh: THNA)
Văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm đúng mức, có nhiều điểm sáng. Trong đó, công tác phòng chống dịch Covid -19 được tập trung chỉ đạo có hiệu quả. Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 99,56%, mũi 2 đạt 99%, mũi 3 đạt 64,7%, đứng thứ 2 toàn tỉnh. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn được nâng lên.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh biên giới được đảm bảo an toàn tuyệt đối; kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng vì Quế Phong là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, cách thành phố Vinh 180 km, có 74 km đường biên giới.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trên một số lĩnh vực chưa đạt kế hoạch đề ra. Tiến độ xây dựng thôn, bản nông thôn mới còn chậm. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao 18,41% (theo chuẩn 2016 - 2020), theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 hiện nay là 44,68%;…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đánh giá: Tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong tiếp tục giữ vững và được đề cao. Cùng với đó, huyện đã nỗ lực tìm kiếm cơ hội để vươn lên, minh chứng là đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế.
Đây là những yếu tố cần được phát huy để cùng với quyết tâm chính trị cao tạo được những chuyển biến hết sức tích cực nhằm giữ yên biên giới, yên địa bàn, yên dân và phát triển huyện.
Mặt khác, Quế Phong đã có những khảo nghiệm, thử nghiệm, xây dựng thành công các mô hình nông - lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, theo Bí thư Tỉnh ủy là cần đánh giá, phân tích lại hiệu quả các mô hình, gắn với tìm kiếm đầu ra sản phẩm để xem xét những mô hình có thể nhân rộng.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Quế Phong cần đẩy mạnh du lịch và tiếp tục chăm lo dân trí, chăm lo giáo dục, nâng cao đời sống của nhân dân. Phải hết sức quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; quản lý tốt khai thác tài nguyên khoáng sản; tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp Biên phòng, Công an và với các địa phương của nước bạn Lào bảo đảm yên biên giới, yên địa bàn; đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy…
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn đã đến thăm, tặng quà, chúc sức khỏe mẹ liệt sĩ Trần Thị Lường, năm nay 94 tuổi và trao tặng huyện Quế Phong 500 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa xóm, bản.
Trước đó, ngày 31/3, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cùng đoàn cũng đã có buổi làm việc với huyện Quỳ Châu. Theo đó, Quỳ Châu đã ban hành 11 chương trình, đề án, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Quỳ Châu hoàn thành 17/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt 9,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 42,3 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 26,4 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp có bước đột phá, diện tích trồng rừng đạt 4.267ha, đạt 224,6% kế hoạch, sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác trên 311,8 nghìn tấn. Tiến độ xây dựng nông thôn mới đã có 1 xã và 5 bản về đích ngay năm đầu.
Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cùng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Quỳ Châu (ảnh: BNA)
Văn hóa - xã hội của huyện Quỳ Châu tiếp tục có nhiều điểm sáng, nhất là giáo dục, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt trên 99,6% và là một trong những địa phương tốp đầu trong khu vực miền núi của tỉnh về số học sinh giỏi; có 33/37 trường đạt chuẩn quốc gia, có 25/37 trường đã đạt kiểm định chất lượng các mức độ. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện được duy trì một cách đồng bộ, có hiệu quả. Quỳ Châu là huyện giữ vững vùng xanh lâu nhất trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý chia sẻ những khó khăn của huyện Quỳ Châu và đề nghị huyện quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ, giữ gìn, phát huy và khai thác hiệu quả yếu tố văn hóa đặc sắc vùng miền, đặc biệt cho phát triển kinh tế, nhất là du lịch.
Tuy nhiên, hiệu quả thu hút đầu tư ở Quỳ Châu vẫn còn thấp. Sản phẩm chủ lực để trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường còn ít. Quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn hạn chế. Quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều bất cập. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng. Quỳ Châu là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
An Phạm (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy