Dòng sự kiện:
Biến tre thành ... gà, nghệ nhân thu 4 tỷ một năm
28/03/2016 15:19:59
ANTT.VN – Chỉ bằng những đôi tay khéo léo mà các nghệ nhân Phúc Vinh, Chương Mỹ, Hà Nội kiếm hàng tỷ đồng một năm bằng nghề mây tre đan truyền thống.

Tin liên quan

Làng nghề truyền thống mây tre đan được hình thành từ những năm cuối thế kỷ XVIII, đến nay đã hơn bốn trăm năm. Cả làng không ai biết ông tổ nghề là ai nhưng chỉ biết đến đời các nghệ nhân hiện nay là đời thứ 17. Bởi từ khi sinh ra đã có nghề và truyền từ đời này qua đời khác.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đang làm một sản phẩm từ tre

Ở Phúc Vinh gồm có 3 làng nghề là Làng nghề thủ công Phú Vinh, Làng nghề Quan Châm và Làng nghề Khê Than. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung thì đây là 3 làng nghề có trên 90% dân số trong làng làm nghề mây tre đan, ngoài những thời gian mùa vụ, họ tập trung đan lát thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo rồi bán cho các công ty lớn để xuất khẩu ra nước ngoài.

Đến làng nghề Phúc Vinh, hai bên đường làng là những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, trong mỗi nhà đều có những cuộn mây, bó tre đang phơi để chuẩn bị đan thành sản phẩm.

Mức thu nhập bình quân của từng hộ trong làng trừ chi phí nguyên vật liệu thì còn khoảng gần 100 triệu/năm. Tùy thuộc vào từng hộ gia đình, nếu đan thường xuyên, có nhiều người làm lành nghề, làm nhanh và khéo léo, tạo ra được những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, độc, lạ thì mức thu nhập của những gia đình đó lên tới hàng trăm triệu/năm.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Vinh, cháu họ của nghệ Nhân Nguyễn Văn Trung: “Trước đâycác sản phẩm này chủ yếu được xuất khẩu sang Liên Xô và một số nước Đông Âu, nhưng hiện nay, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 thì xuất khẩu ít đi. Cho đến năm 2015 thì làng nghề bắt đầu có sự khởi sắc mới. Một số sản phẩm đặc sắc được xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản…Ngoài ra, gần đây, làng nghề còn nhận được rất nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài nước”.

Trước những biến đổi khôn lường của nền kinh tế và dấu hiệu mai một của làng nghề, thì nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn mỹ nghệ Hoa Sơn, đầu tư nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm, tập trung sản xuất những mặt hàng thiết yếu, những sản phẩm mỹ nghệ trang trí đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng giúp làng nghề đứng vững trước sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường.

Nghệ nhân Long đang làm ra những sản phẩm từ mây, tre

Mỗi năm công ty của nghệ nhân Trung thu về từ 3 – 4 tỷ đồng từ những sản phẩm mây tre đan, những sản phẩm này  không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, CHLB Đức…

Ngoài ra, năm 2008 ông còn mở trung tâm dạy nghề để truyền bá nghề truyền thống cho các thế hệ sau, đồng thời nhận dạy nghề cho hầu hết các tỉnh ở phía Bắc, Trung hay các trung tâm khuyết tật tỉnh Hà Tĩnh. 

Vừa đào tạo nghề, vừa tiến hành thu mua sản phẩm của các hộ dân trong làng, cùng với sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ, hăng say lao động của mình mà hàng năm ông thu về hàng tỷ đồng. Mỗi sản phẩm ông thu mua về và bán ra sẽ lãi được khoảng từ 10 đến 15% giá trị của sản phẩm. Những sản phẩm của làng nghề phong phú về mẫu mã, hình dáng, màu sắc và chủ yếu được làm từ mây, tre.

Trong tương lai, ông mong muốn truyền dạy rộng dãi nghề truyền thống trên khắp cả nước để gìn giữ, phát triển nghề đan. Đồng thời, cố gắng đáp ứng được thị trường trong nước để thay thế các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ những nước xung quanh du nhập sang, ngoài ra hướng tới những thị trường khó tính trên thế giới. Để đạt được mục đích đó, ông và những nghệ nhân trong làng đang cố gắng từng ngày để sáng tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp cả về mẫu mã và chất lượng.

Làng nghề thu hút được hầu hết lực lượng lao động và thời gian rảnh rỗi của tất cả người dân trong làng  từ những thiếu niên 15, 16 tuổi, phụ nữ, đàn ông hay những bà cụ ngoài 80 tuổi vẫn hăng say với nghề. Cụ Ngô Thị Hương ở làng Phú Hữu 1 tươi cười: “ Bà bắt đầu đan từ 15, 16 tuổi đầu cho đến giờ đấy, đây là một nghề nuôi sống cả gia đình , rồi sau đó truyền lại cho con cháu”.

Cụ Ngô Thị Hương đã 80 tuổi nhưng vẫn "say" nghề

Theo chia sẻ của ông Long – con trai cụ Hương : “ Cứ bảo đây là nghề phụ nhưng đây thực ra lại là nghề chính của làng, ngoài những ngày mùa ra thì mọi người lại ngồi đan, cả nhà ngồi đan. Nghề này không khó, chỉ cần yêu nghề và khéo léo một chút. Trong xã, có người thu mua rồi bán cho công ty, rồi công ty lại xuất khẩu đi khắp nơi…mỗi sản phẩm thì tiền công được khoảng 15 nghìn đồng, tùy từng sản phẩm mà có những giá trị và tiền công khác nhau. Những sản phẩm càng tốn công và độ tinh xảo cao thì  giá càng cao lên tới hàng triệu/sản phẩm đấy.”

Chị Hương – một người dân trong làng Phú Vinh phấn khởi: “ Người ta mang nguyên vật liệu đến cho mình đan, đan xong thì người ta lại đến thu mua của mình, mình chỉ lấy tiền công đan thôi, mỗi nhà làm một sản phẩm khác nhau..”

Làng nghề truyền thống Phúc Vinh đang bắt đầu khởi sắc và có những bước phát triển đột phá bằng những sản phẩm mỹ nghệ đa dạng, độc đáo, tiện nghi và thân thiện với môi trường.

Độc đáo những sản phẩm từ mây tre đan

Với thu nhập hàng tỷ đồng/năm, và là nghề chính nuôi sống hàng trăm hộ dân trong làng thì hứa hẹn làng nghề mây tre đan Phúc Vinh sẽ trở thành một trong những làng nghề lâu đời và phát triển nhất trong những làng nghề xung quanh Hà Nội.

Trần Hà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến