Dòng sự kiện:
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chưa điều chỉnh tăng giá sách giáo khoa
07/03/2019 20:02:13
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn số 793/BGDĐT-KHTC yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tạm thời chưa điều chỉnh tăng giá bán sách giáo khoa cũ trong năm học 2019-2020.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tạm thời chưa điều chỉnh tăng giá bán sách giáo khoa cũ trong năm học 2019-2020. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Theo công văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiến hành rà soát chi phí giá thành, phương án điều chỉnh giá và kế hoạch truyền thông theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ Tài chính, báo cáo về Bộ để xem xét có ý kiến chính thức.

Hiện nay, lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu từ năm học 2020-2021.

Để đảm bảo ổn định, tránh tác động đến việc tập trung các nguồn lực thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tạm thời chưa điều chỉnh tăng giá bán sách giáo khoa cũ trong năm học 2019-2020.

Đồng thời, Nhà xuất bản khẩn trương rà soát cơ cấu chi phí và giá thành, soát tinh giảm biên chế, đặc biệt các bộ phận hành chính; hoàn thiện các quy trình, quy chế, định mức; rà soát xây dựng lại phương án chi trả lương; thực hiện đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhiều đối tác cung cấp vật tư, giấy in; cắt giảm tối đa các chi phí trung gian và chi phí phát hành; hoàn thiện lại kế hoạch sản xuất kinh doanh trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch truyền thông rộng rãi đến nhân dân, các đối tượng chịu tác động hiểu và đồng thuận theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ Tài chính; đến khi điều kiện thuận lợi mới thực hiện kê khai điều chỉnh giá bán sách theo quy định.

Theo TTXVN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến