Bộ GTVT ngăn chặn phi công chuyển việc là đúng quy định
14/01/2015 08:05:54
ANTT.VN – Theo ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc 117 phi công báo ốm xin nghỉ việc là bất thường, uy hiếp đến an toàn bay và việc Bộ GTVT có chỉ đạo ngăn chặn là đúng pháp luật.

Tin liên quan

Theo vnexpress.net, lãnh đạo Cục Hàng không nhận định, trong thời gian ngắn có hàng trăm phi công cáo ốm và xin nghỉ là rất bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có biện pháp xử lý hành chính.

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Ảnh: vtc.vn)

Ông Thanh cho biết việc lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải có chỉ đạo ngăn chặn phi công xin nghỉ là đúng quy định. Chính phủ xác định Vietnam Airlines là lực lượng dự bị của quốc phòng, trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng biện pháp cấp bách.

“Việc 117 phi công báo ốm, xin nghỉ là bất thường, cấp bách, uy hiếp đến hoạt động tức thời của hãng, đến an ninh kinh tế quốc gia nên nhà nước phải có biện pháp hành chính tức thời”, Cục trưởng Hàng không lý giải.

Trước ý kiến cho rằng phi công xin nghỉ không chỉ do tiền lương thấp mà còn do quá tải về công việc, người đứng đầu Cục Hàng không thông tin, các quy định an toàn bay rất ngặt nghèo, đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi của phi công. Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu hãng xây dựng cơ chế tuyển dụng, chuyển nhượng rõ ràng, minh bạch đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp. Việc xây dựng quy định chậm nhất đến tháng 7/2015 phải hoàn thành .

Còn theo Vietnamnet.vn, về việc Bộ GTVT ra Chỉ thị yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết: Ngoài căn cứ vào quy định pháp luật, Bộ GTVT còn căn cứ vào đặc thù của ngành hàng không để kiểm soát nguồn nhân lực rồi mới đưa ra chỉ thị.

“Đây là vấn đề an ninh, an toàn hàng không nên Bộ GTVT hoàn toàn có chức năng đưa ra chỉ thị yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA...”, Thứ trưởng Tiêu nói.

Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật - Viện trưởng viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động VN) cho biết: Khi người lao động được VNA bỏ tiền ngân sách đi đào tạo thành phi công thì phải ký hợp đồng về đào tạo với Tổng công ty. Trong hợp đồng đào tạo, về nguyên tắc, theo quy định của Luật lao động phải thể hiện số năm người lao động phải làm việc cho Tổng công ty sau khi được đào tạo xong.Trong trường hợp hợp đồng lao động không thể hiện điều đó thì người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định của Luật lao động.

Ông Điều cũng nói rõ, trong trường hợp người lao động chấp nhận bồi thường phí đào tạo thì cũng phải được quy định trong hợp đồng lao động.

"Anh đi trước bao năm, còn bao nhiêu năm trong hợp đồng thì anh phải bồi thường như thế nào cũng phải có quy định rõ ràng thì mới đi được. Nếu trong hợp đồng quy định anh bồi thường thì lao động có quyền chấm dứt hợp động theo đúng quy định của Luật lao động”, ông Điều cho hay

Còn theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cũng cho biết: Trong trường hợp phi công được VNA bỏ kinh phí ra đào tạo thì hai bên có hợp đồng ràng buộc với nhau.Trong trường hợp này, nếu phi công muốn nghỉ việc để sang làm việc cho một hãng hàng không khác thì phải bồi thường chi phí đào tạo cho VNA theo điều khoản ký trong hợp đồng lao động.

Ông Huân cho rằng, VNA muốn giữ chân phi công nói riêng và người lao động nói chung thì nên có chế độ tốt như: điều chỉnh tiền lương và các chế độ đãi ngộ tốt.

PV (th)

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến