Dòng sự kiện:
Bô lão người Hoa kể về tích trường mầm non có tượng không đầu
09/08/2017 14:05:28
Ngôi trường mầm non kỳ lạ với những pho tượng không đầu từng là nơi sinh hoạt của cộng đồng người Hoa, đã tồn tại hàng trăm năm nay.

Người dân sinh sống tại TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) bàn tán xôn xao vềi trường mầm non Trần Phú, tọa lạc tại số 139 đường Bạch Đằng, phường Trần Phú; là nơi có nhiều pho tượng không đầu kỳ lạ.

Chúng tôi đã về ngôi trường này để tìm hiểu nguồn gốc căn nhà. Tại đây, chúng tôi gặp được ông Quan Văn Vinh (SN 1947) ở phố Nguyễn Du, phường Trần Phú (TP Hải Dương). Ông Vinh cho hay, ông là một trong những người đang sinh sống trong cộng đồng người Hoa tại TP Hải Dương.

Những pho tượng trên mái căn nhà cổ của người Hoa đã bị rụng hết đầu, trông khá lạ lẫm.

Ông Vinh kể: “Hội quán Hoa Kiều được xây dựng từ thời đại Vua Thành Thái của Việt Nam, tương đương với thời Vua Quang Thử của triều đại chúng tôi bên kia. Trước những năm 1978, ngôi nhà này vừa là cơ sở sản xuất, đồng thời cũng vừa là trường tiểu học của bà con người Hoa, nó có tên gọi là Trường Tiểu học Hoa Kiều”.

Theo lời ông Vinh, những năm 1978 về sau, một số bộ phận người Hoa di cư, chuyển đi sinh sống nơi khác, còn một số người về nước. Chính vì lẽ đó, cộng đồng người Hoa ngày càng ít đi, chính quyền địa phương lúc bấy giờ đổi tên Trường Tiểu học Hoa Kiều thành Trường Tiểu học Việt Hoa, rồi trường tiểu học Bạch Đằng.

Sau khi trường tiểu học này di chuyển ra đường Võ Thị Sáu, UBND phường Trần Phú mượn tạm mảnh đất này để làm trụ sở nhưng không có giấy tờ, văn bản cam kết.

Khi trụ sở mới của Ủy ban nhân dân phường được xây xong cũng không hoàn trả lại mà vẫn giữ. Diện tích này một phần do người Hoa quản lý, một phần đất được sử dụng làm nơi dạy trẻ là trường mầm non Trần Phú.

Một nhân chứng sống nữa là ông Mai Quốc Chí (SN 1953) ở phố Nguyễn Du cũng là một thành viên sinh hoạt trong cộng đồng người Hoa ở thành phố Hải Dương. Ông Chí kể: "Ngày ấy, vật liệu xây dựng nên Hội quán Hoa Kiều được chuyển từ Trung Quốc sang. Hai bên cột của quán được xây bằng khối nguyên đá, không có vật liệu bằng thép mà vẫn vô cùng vững chãi qua mấy trăm năm lịch sử”.

 

Hội quán Hoa kiều xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Chí cho biết thêm, ngày trước vào những ngày lễ tết bà con cộng đồng người Hoa thường gặp nhau giao lưu, trò chuyện. Nhưng về sau này thì cộng đồng người Hoa ít dần đi nên giờ chỉ còn hỏi thăm nhau khi nhà có việc, để biết ai ở đâu, con nhà ai. Hiện tại, cộng đồng người Hoa đang sinh sống còn khoảng 200-300 người.

“Hội quán Hoa Kiều được xây dựng bằng sự chung tay, đóng góp tiền bạc của người Hoa. Bà con trong cộng đồng người Hoa cũng đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương để hoàn trả lại mảnh đất này nhưng đến bây giờ vẫn chưa được.

Sau này, nếu mảnh đất được lấy lại sẽ kêu gọi cộng đồng người Hoa chung tay, chung sức sửa chữa lại hội quán”, ông Chí nói.

Nói về việc bảo tồn, gìn giữ căn nhà cổ của người Hoa đang có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương cho biết: “Ngôi nhà đó không phải là di tích cấp tỉnh hay quốc gia. Việc phân công sử dụng và quản lý đến giờ chủ yếu là cấp thành phố và cấp phường. Phía sở văn hóa cũng đã kiểm kê các hệ thống di tích trên toàn tỉnh.

Theo phân cấp kiểm kê của UBND thành phố giao lại cho phường quản lý. Bên Sở văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ quản lý di tích Côn Sơn Kiếp Bạc là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Việc căn nhà cổ đang có nguy cơ xuống cấp, Sở sẽ tiến hành kiểm tra và sẽ có đề nghị gửi UBND tỉnh để bảo trì".

Đoàn Tân - Trung Anh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến