Như đã phản ánh, mới đây, dư luận đang quan tâm đến quy trình bổ nhiệm cán bộ của ông Lê Hà Minh Hải, hiện là Phó chánh văn phòng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo đó, từng bị khởi tố bị can liên quan đến 1 vụ án hình sự, sau khi bị phanh phui đã cách chức Thẩm phán TAND TP Huế nhưng lạ là, khi chuyển về công tác tại TAND tỉnh, ông Hải lại tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức danh Phó Chánh văn phòng tòa án tỉnh.
Trụ sở TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Người ký quyết định này là bà Đào Thị Mai Hường, Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vào thời điểm sự việc bị phanh phui, ông Hải là cấp dưới của bà này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc ông Lê Hà Minh Hải liên quan đến vụ án hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã báo cáo kiến nghị đình chỉ chức vụ thẩm phán và sinh hoạt Đảng đối với ông này.
Theo bản báo cáo, sau khi cùng đồng bọn gây ra vụ hành hung người khác, ngày 23/11/1996, CQĐT Công an TP Huế đã ra lệnh bắt khẩn cấp Lê Hà Minh Hải. Từ ngày 23/11/1996 đến ngày 1/12/1996, ông Hải bị tạm giữ tại nhà tạm giữ Công an TP Huế.
Tiếp đó, ngày 1/12/1996, Công an TP Huế ra quyết định khởi tố Lê Hà Minh Hải về tội Gây rối trật tự công cộng, được quy định tại Điều 198 BLHS năm 1985.
Đến ngày 23/12/2996, Viện KSND TP Huế ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Hải để áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Thời điểm này, CQĐT Công an TP Huế đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú tại địa phương với Lê Hà Minh Hải.
Quá trình điều tra xử lý vụ án này, do có bị can khác trong vụ án bỏ trốn nên phải tạm đình chỉ điều tra.
Đến ngày 29/9/2008, TAND TP Huế đã đưa vụ án ra xét xử và TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xét xử phúc thẩm ngày 15/1/2009, án đã có hiệu lực thi hành.
Nói thêm, ngày 8/4/2008, Công an TP Huế đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Lê Hà Minh Hải với lý do “Căn cứ vào Nghị quyết 32/1999/QH10, do diễn biến tình hình nên hành vi cả bị can không cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 245 BLHS năm 1999”.
Nghĩa là, từ ngày 1/12/1996 (thời điểm bị khởi tố, tạm giam, sau đó thay đổi biện pháp tạm giam, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú) đến ngày 7/4/2008, Lê Hà Minh Hải vẫn là bị can trong vụ án.
Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo cũng như công tác thẩm tra xác minh thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên Lê Hà Minh Hải đã che giấu hành vi phạm tội cũng như trách nhiệm pháp lý là bị can của vụ án trên để khai man khai lý lịch, tiếp tục học Đại học Luật tại chức và tốt nghiệp ngày 3/1/1999.
Sau đó, ngày 11/8/1999, Hải được tuyển dụng công chức làm ngành Tòa án. Tiếp đó, ngày 18/7/2006, Hải được kết nạp Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và được bổ nhiệm Thẩm phán ngày 16/4/2007.
Việc Lê Hà Minh Hải đang trong thời gian bị khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú mà vẫn tiếp tục học, tốt nghiệp đại học là Vi phạm Điều 5, Quy chế công tác học sinh, sinh viên trong các trường đào tạo, ban hành theo Quyết định số 1584/GD-ĐT ngày 27/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Không chỉ vậy, sau đó, Hải được tuyển dụng công chức vào làm cán bộ ngành Tòa án, rồi được kết nạp Đảng và bổ nhiệm làm Thẩm phán là vi phạm điểm 3.5 Điều 6 Nghị định 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Điều 4 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX; Điều 5, Pháp lệnh Thẩm phán số 02/2002/PL-UBTVQH11 ngày 4/10/2002.
Với những vi phạm đó, sau khi bị cách chức Thẩm phán TAND TP Huế, ông Hải chuyển công tác làm việc tại TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế vào cuối năm 2015.
Chuyện không đáng được nhắc đến nhưng đáng nói vào tháng 2/2016, ông Lê Hà Minh Hải được "sếp cũ" là bà Đào Thị Mai Hường ký quyết định bổ nhiệm Phó Chánh văn phòng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đặc biệt, mới đây, tại Đại hội Chi bộ Văn phòng TAND tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ II, nhiệm kỳ 2017 – 2020, bà Đào Thị Mai Hường, Bí thư ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy TAND tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp tục đồng ý ông Lê Hà Minh Hải bầu làm Phó Bí thư Chi bộ Văn phòng.
Bà Đào Thị Mai Hường (Áo dài xanh) chúc mừng Ban chấp hành Chi bộ Văn phòng, TAND tỉnh tại Đại hội mới đây (Ảnh: TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Trước những diễn biến trên, dư luận đặt nhiều câu hỏi về có hay không sự bao che, nâng đỡ trong quá trình bổ nhiệm ông Lê Hà Minh Hải của Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế?
Liên quan đến vấn đề này, PV đã liên hệ trực tiếp với Chánh văn phòng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế để tìm hiểu quá trình bổ nhiệm.
Tuy nhiên, sau 4 ngày, Chánh văn phòng TAND tỉnh này thông tin, đã liên hệ với lãnh đạo tòa là ông Hoàng Trọng Điệp, Phó Chánh án TAND tỉnh và được trả lời là từ chối cung cấp thông tin với PV vì “báo chí không có chức năng tìm hiểu vấn đề này”.
Một nguồn tin của PV cho biết, liên quan đến việc luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ ở TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau khi sự việc được phản ánh đến TAND Tối cao, mới đây, Vụ Tổ chức cán bộ, TAND Tối cao đã cử đoàn công tác vào TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra vấn đề này.
Xem thêm >>
Quy trình bổ nhiệm cán bộ của TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế có gì bất thường?
Báo chí không có chức năng tìm hiểu quá trình bổ nhiệm cán bộ cấp tòa?
Lê Kông
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy