Dòng sự kiện:
Bộ Tài chính đã hoàn thiện các công cụ quản lý nợ công mới
05/05/2018 16:00:46
Bộ Tài chính đã gấp rút hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về nghiệp vụ quản lý nợ công, một trong những văn bản quan trọng hướng dẫn Luật Quản lý nợ công 2017.

Kiểm soát toàn diện rủi ro

Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Một trong những quy định của Luật là yêu cầu Chính phủ hướng dẫn các nội dung chung đối với các nghiệp vụ quản lý nợ công, bao gồm: Xây dựng và thực hiện các công cụ quản lý nợ công bao gồm các chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm, kế hoạch quản lý nợ trung hạn 3 năm, kế hoạch vay trả nợ hằng năm; quản lý rủi ro nợ công; thống kê, báo cáo và công bố thông tin về nợ công.

Trong tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính nêu rõ, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã chỉ rõ sự cần thiết phải hoàn thiện thể chế, chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công. Việc ban hành Nghị định về nghiệp vụ quản lý nợ công là cần thiết, là bước tiếp theo sau khi ban hành Luật Quản lý nợ công trong thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng.

Bên cạnh đó, Nghị định số 79/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý nợ công năm 2009 cũng đã quy định một số nội dung về nghiệp vụ quản lý nợ công (như các công cụ kế hoạch đối với quản lý nợ công, công tác quản lý rủi ro, công tác thống kê, báo cáo và công khai thông tin nợ công).

Những nội dung này vẫn đảm bảo phù hợp, có thể kế thừa, tuy nhiên cũng có một số nội dung cần được bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, trong đó có các nội dung như đánh giá bền vững nợ, triển khai các công cụ quản lý nợ chủ động gắn với các công cụ kế hoạch về tài chính - ngân sách, công tác quản lý rủi ro và tăng cường công khai, minh bạch trong công tác quản lý dữ liệu, kế toán, kiểm toán và công bố thông tin nợ công.

Theo Bộ Tài chính, nguyên tắc xây dựng Nghị định là kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 79/2010/NĐ-CP, bổ sung sửa đổi một số quy định theo Luật Quản lý nợ công năm 2017.

Dự thảo Nghị định được soạn thảo chi tiết để có thể thực thi ngay, hạn chế việc hướng dẫn chi tiết dưới hình thức thông tư. Đối với các quy định về thủ tục hành chính được quy định rõ ràng nội dung, hồ sơ cũng như trình tự thủ tục.

Hầu hết ý kiến thống nhất

Khi gửi xin ý kiến, Bộ Tài chính đã nhận về bản góp ý của 49/74 cơ quan. Về cơ bản, hầu hết các cơ quan thống nhất với dự thảo Nghị định, trong đó 30/49 cơ quan thống nhất về sự cần thiết, bố cục và nội dung của dự thảo Nghị định.

Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với dự thảo Nghị định. Tại báo cáo thẩm định số 91/BC-BTP, Bộ Tư pháp cho rằng nội dung dự thảo nghị định bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đồng thời không quy định về thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; trình tự, thủ tục soạn thảo nghị đinh đã bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 34/2016/NĐ-CP.

Sau khi nghiên cứu các ý kiến tham gia của các bộ, ngành có liên quan, Bộ Tài chính đã có báo cáo tiếp thu, giải trình.

Về cơ bản, Bộ Tài chính đã tổng hợp, nghiên cứu để tiếp thu hầu hết ý kiến tham gia của các cơ quan và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp liên quan đến quy trình soạn thảo, thể thức văn bản và rà soát đảm bảo sự thống nhất quy định của pháp luật giữa các văn bản, trong đó đặc biệt là thống nhất về thời gian và trình tự xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm ở cả cấp trung ương và cấp địa phương, tương ứng với việc lập kế hoạch ngân sách trong cùng giai đoạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật này.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng kế hoạch và quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết: Cơ quan soạn thảo cũng đã giải trình rõ các nhóm ý kiến, đơn cử như: Nhóm ý kiến về đề nghị bổ sung quy định về quản lý rủi ro đối với rủi ro tín dụng của đối tượng vay lại, đối tượng được bảo lãnh Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công, dự thảo Nghị định về nghiệp vụ quản lý nợ công không quy định quản lý rủi ro tín dụng do đối tượng cho vay lại, đối tượng bảo lãnh Chính phủ không trả được nợ.

Đồng thời, Điều 24, khoản 2 của dự thảo nghị định cũng quy định: Việc quản lý rủi ro tín dụng của đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh Chính phủ thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Nghị định của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, do đó, Bộ Tài chính kiến nghị giữ nguyên như dự thảo.

Theo Báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến