Dòng sự kiện:
Bộ Tài chính: Đẩy mạnh chế độ khoán, giảm mạnh đầu xe công
30/11/2016 09:57:52
Bộ Tài chính đánh giá, việc khoán xe chức danh tại bộ này vừa qua mới chỉ là bước đầu tiên. Sắp tới, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định về xe công, với tinh thần đẩy mạnh thực hiện chế độ khoán, giảm mạnh đầu xe công, kể cả xe cho các chức danh, xe dùng chung, xe chuyên dùng.

Tin liên quan

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải (ảnh: VGP)

Tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra chiều 29/11, phóng viên đặt câu hỏi với Bộ Tài chính về việc Bộ đã giảm được bao nhiêu đầu xe, bao nhiêu lái xe khi khoán xe công?

Trả lời báo giới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, cơ chế khoán xe công được Bộ Tài chính thực hiện theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Bộ Tài chính đã thực hiện khoán việc đưa đón đối với các chức danh Thứ trưởng và tương đương, khoán việc đưa đón từ nhà đến cơ quan, từ cơ quan về nhà.

Tuy nhiên, theo ông Hải, trong quá trình đi công tác, trước mắt vẫn thực hiện bình thường theo chế độ.

Đại diện Bộ Tài chính cũng phủ nhận về thông tin mức khoán bình quân 9-10 triệu đồng như có thông tin đã đưa. Về việc này, Bộ Tài chính đã có thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cách tính toán của Bộ Tài chính là căn cứ cự ly thực tế từ nhà đến cơ quan, từ cơ quan về nhà của các lãnh đạo được khoán, tính theo giá taxi thông thường tại Hà Nội để đề ra mức khoán.

"Do đó đồng chí nào nhà ở xa sẽ có mức khoán cao hơn, nhà gần có mức khoán thấp hơn, có đồng chí ở gần chỉ nhận mức khoán 2-3 triệu, không phải 9-10 triệu", ông Hải khẳng định.

Bộ Tài chính đánh giá đây là bước đầu tiên thực hiện và đang tổ chức nghiên cứu, đánh giá, sắp tới tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định về xe công, với tinh thần đẩy mạnh thực hiện chế độ khoán, kèm theo đó sẽ giảm mạnh đầu xe công, kể cả xe cho các chức danh, xe dùng chung, xe chuyên dùng. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ có rà soát để báo cáo Chính phủ.

Bộ Tài chính đẩy mạnh chế độ khoán xe công

Trước đó, như đã đưa tin, chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đã được Bộ Tài chính áp dụng từ đầu tháng 10, theo đó, 6 vị Thứ trưởng của Bộ này sẽ được khoán tiền sử dụng xe công từ 3,96 triệu đồng đến mức cao nhất là 9,9 triệu đồng/người/tháng.

Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí và Thứ trưởng Trần Xuân Hà sẽ có mức khoán kinh phí sử dụng là 9,9 triệu đồng/tháng (với số km khoán tương đương là 15 km/lượt). Thứ trưởng Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Trần Văn Hiếu được áp dụng mức kinh phí sử dụng xe công là 5,28 triệu đồng, tương đương với số km đi là 8 km/lượt. Chỉ có Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải được áp dụng mức khoán thấp nhất với số tiền 3,96 triệu đồng do khoảng cách đi lại là 6 km/lượt.

Báo cáo tài sản Nhà nước năm 2015 của Chính phủ cho biết, tổng số xe ô tô công của cả nước là 37.772 chiếc, với tổng nguyên giá gần 23.000 tỷ đồng. Trong đó, xe phục vụ chức danh 900 chiếc (các chức danh có hệ số 0,7 trở lên được sử dụng xe công và từ 1,25 trở lên thì được đưa đón), xe phục vụ công tác chung 23.959 chiếc và xe chuyên dùng 12.913 chiếc.

Sau thời gian sử dụng, quỹ xe công có tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán là 6.721 tỷ đồng, bằng khoảng 29% tổng nguyên giá. Phần lớn xe ô tô công đã sử dụng trên 2/3 thời gian theo chế độ quy định.

Tại cuộc họp Chính phủ vừa diễn ra, Thủ tướng cũng đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng. Trong đó triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách nhà nước, mua sắm và sử dụng tài sản công, xe ô tô công, tiếp khách, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước…

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến