5 Tổng cục hiện nay thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý Đất đai và Tổng cục Khí tượng thủy văn.
Trong hồ sơ Đề án rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV đang được Bộ Tư pháp xem xét thẩm định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất tổ chức lại 3 Tổng cục.
Trong đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ được tách thành 2 Cục trực thuộc Bộ, gồm: Cục Điều tra, Quy hoạch biển, hải đảo và Cục Quản lý tổng hợp biển và hải đảo.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được tổ chức lại thành 2 Cục: Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản.
Tổng cục Môi trường được đề xuất tổ chức lại thành 4 Cục gồm: Cục Bảo vệ môi trường, Cục Quản lý chất lượng môi trường, Cục Quy hoạch và Đánh giá tác động môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học.
Tổng cục Quản lý Đất đai và Tổng cục Khí tượng thủy văn được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ giữ nguyên như hiện tại. Chính điều này đã tạo ra không ít băn khoăn.
Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường ở Hà Nội (Ảnh: Bộ TN-MT).
"Xóa" 3 Tổng cục để lập 8 Cục có phù hợp chỉ đạo của Trung ương?
Gửi ý kiến góp ý về đề xuất trên, Bộ Y tế phân tích: Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì "việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị".
Từ đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, cân nhắc việc tổ chức lại 3 Tổng cục thành 8 Cục trực thuộc Bộ như trong dự thảo đề án bởi việc sắp xếp này không bảo đảm theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Trao đổi về việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW trong giai đoạn 2017-2021, Bộ này đã nghiêm túc thực hiện, kết quả đã giảm một tổ chức hành chính trực thuộc Bộ: 73 tổ chức phòng, chi cục; tổ chức lại 3 Cục trực thuộc Tổng cục thành mô hình Vụ.
Đối với các đơn vị sự nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sáp nhập, giải thể 6 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Tổng cục và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Cục trực thuộc Bộ; sáp nhập, giải thể 113 tổ chức phòng tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.
Để chuẩn bị cho cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ đã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy, các quy định mới của Chính phủ về tiêu chí thành lập tổ chức và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
3 Tổng cục (Biển và Hải đảo Việt Nam; Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Môi trường) được giao quản lý các ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và sự phát triển bền vững của đất nước.
"Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc của từng lĩnh vực; yêu cầu quản lý trước mắt và lâu dài; nghiên cứu mô hình quốc tế; căn cứ tình hình thực tiễn và quy định của Chính phủ. Bộ đã để xây dựng phương án tổ chức lại các Tổng cục theo hướng hình thành các tổ chức trực thuộc Bộ để quản lý và thực thi các mảng nhiệm vụ lớn, có đối tượng quản lý rõ ràng, bảo đảm bao quát các khâu: xây dựng, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật; thanh tra, kiểm tra; thực thi các hoạt động sự nghiệp phục vụ quản lý"- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi lĩnh vực đều đối tượng quản lý phong phú, phạm vi rộng. Từ đó yêu cầu về chuyên môn, nguồn lực, phương thức quản lý khác nhau, hiện nay đang được giao cho các tổ chức cấp Cục, Vụ trực thuộc các Tổng cục quản lý. Nếu tổ chức lại một cách cơ học "hạ cấp mô hình tổ chức" từ một Tổng cục thành một Cục trực thuộc Bộ sẽ không thể đáp ứng yêu cầu, mô hình tổ chức bị bó hẹp dẫn đến tình trạng không bảo đảm yêu cầu về nguồn lực, chuyên môn, cơ chế hoạt động, công tác chỉ đạo điều hành...
Các Cục dự kiến được thành lập/tổ chức lại đều có đối tượng quản lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành; được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi quản lý và đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định của Chính phủ.
"Việc tổ chức lại một Tổng cục với nhiều đầu mối Cục, Vụ bên trong để hình thành 2 đến 4 đầu mối (tùy theo yêu cầu quản lý của pháp luật chuyên ngành) trực thuộc Bộ vừa giải quyết được yêu cầu giảm tối đa tầng nấc trung gian, đáp ứng đầy đủ tiêu chí thành lập, vừa thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thông suốt, kịp thời"- Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được đề xuất "tách ra" thành Cục Địa chất và Cục Khoáng sản.
Vì sao tiếp tục duy trì 2 Tổng cục?
Lý giải việc "giữ lại" Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua công tác khí tượng thủy văn đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững, khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn có vai trò, ảnh hưởng tới 11/17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đã và đang là cơ sở dữ liệu "đầu vào" của hầu hết các ngành, lĩnh vực, trở thành nền tảng không thể thiếu cho việc hoạch định, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đây cũng là lĩnh vực có tính quốc tế cao. Với vai trò là đại diện Việt Nam tại Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên, chủ động chia sẻ số liệu tại các trạm khí tượng thủy văn trên đất liền, đặc biệt là các trạm khí tượng Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam phục vụ phát báo quốc tế, báo cáo, sử dụng biểu đồ, bản đồ hợp pháp theo pháp luật quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Ngành khí tượng thủy văn Việt Nam có quá trình lịch sử hình thành và phát triển từ năm 1891 (đến nay là 130 năm). Hoạt động khí tượng thủy văn mang tính chuyên môn kỹ thuật cao; hệ thống bộ máy của ngành khí tượng thủy văn qua các thời kỳ được tổ chức và hoạt động theo hệ thống ngành dọc, có các đài và trạm khí tượng thủy văn đóng trên khắp đất nước (kể cả các đảo tiền tiêu, nhà dàn DK1).
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, kể từ khi được tái thành lập mô hình Tổng cục (năm 2017), tổ chức và hoạt động của Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã phát huy nhiều ưu việt, thuận lợi cho cả công tác chỉ đạo, điều hành và tác nghiệp; gắn kết công tác quản lý nhà nước với các hoạt động thực thi chuyên môn nghiệp vụ đối với toàn bộ các hoạt động của lĩnh vực khí tượng thủy văn, từ xây dựng thể chế, thực thi pháp luật, đến tác nghiệp trong quản lý mạng lưới quan trắc, dự báo, cảnh báo, thông tin liên tục, thông suốt trên toàn hệ thống từ hệ thống quốc gia đến hệ thống chuyên dùng, từ Trung ương tới cơ sở, đồng thời kết nối và phù hợp với mô hình và yêu cầu của quốc tế.
"Qua rà soát, đánh giá, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành lập theo quy định"- Bộ này nhấn mạnh.
Đối với Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh "đất đai là vấn hệ trọng của đất nước, là lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, là tài sản đặc biệt thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý, có ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh".
Kể từ năm 2002, sau khi được hợp nhất cùng một số tổ chức khác để thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chính được tổ chức lại thành nhiều đầu mối trực thuộc Bộ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai. Sau 5 năm hoạt động theo mô hình này, đến năm 2008, Chính phủ đã tái thành lập Tổng cục Quản lý đất đai trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong thời gian qua, Tổng cục Quản lý đất đai đã và đang tham mưu hoàn thiện thể chế, quản lý chặt chẽ đất đai; tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, cải cách hành chính, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển, nâng cao giá trị của đất đai, đóng góp quan trọng vào nguồn thu của ngân sách.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành tổng kết, đánh giá việc triển khai thi hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và Luật đất đai năm 2013.
Quá trình giải quyết các vấn đề về đất đai vẫn cần được xem xét một cách toàn diện; vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa phải đảm bảo ổn định chính trị - xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng và biến đổi khí hậu, nguồn lực đất đai ngày càng khan hiếm, bên cạnh đó là sự gia tăng dân số và các vấn đề xã hội, quá trình đô thị hóa diễn ra một cách mạnh mẽ gây ra nhiều áp lực đến tài nguyên đất đai; khiếu kiện về đất đai mặc dù đã giảm nhưng tính chất ngày càng phức tạp, nhạy cảm.
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển gắn với ổn định kinh tế, chính trị của đất nước cần phải có một tổ chức ổn định và đủ mạnh để thống nhất quản lý.
Hơn nữa, Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định: "Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương".
"Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và căn cứ chính trị, pháp lý nêu trên; để bảo đảm công tác quản lý đất đai đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì Tổng cục Quản lý đất đai với cơ cấu tổ chức tinh gọn để thực hiện chức năng tham mưu quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn tài nguyên đặt biệt của đất nước"- Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ quan điểm.
Bộ Nội vụ đồng ý tổ chức lại 3 Tổng cục Bộ Nội vụ thống nhất việc tổ chức lại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường vì không đáp ứng tiêu chí thành lập Tổng cục theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 101/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2016 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tuy nhiên, để thực hiện tổ chức lại các 3 Tổng cục này, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định rõ phạm vi, đối tượng quản lý đối với từng lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp, cắt khúc để có cơ sở đề xuất thành các cục cho phù hợp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. |
Tác giả: Thế Kha - Nguyễn Trường
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy