Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Lãng phí ngân sách vì nhiều cấp phó
18/11/2014 15:04:18
ANTT.VN – Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tập trung vào cải cách hành chính, đánh giá chất lượng công chức biên chế, tinh giảm biên chế, lương, tăng trách nhiệm cho người đứng đầu…

Tin liên quan

Chưa có kết quả thanh tra việc tiêu cực thi cử tại Bộ Công thương

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Nguyễn Thái Bình: “Vừa qua dư luận, cử tri rất bức xúc trước thông tin về tiêu cực trong thi tuyển công chức tại Bộ Công thương, ngày 28/8/2014 Bộ Nội vụ ra quyết định thanh tra toàn diện việc thi tuyển công chức và quản lý biên chế tại bộ Công thương, thời gian thanh tra là 45 ngày. Với tư cách là người giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công chức, xin bộ trưởng cho biết kết quả thanh tra việc này như thế nào? Nếu có sai phạm thì xử lý được bao nhiêu cán bộ và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ?”

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn các đại biểu - Ảnh: Ngọc Thắng/ báo Thanh Niên

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, trong quá trình tổ chức thi công chức, viên chức Bộ Nội vụ đã có những hướng dẫn về tiêu chuẩn, thủ tục thi đầu vào, thi nâng ngạch, nhằm đảm bảo sự khách quan, công bằng. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng phối hợp cùng các địa phương triển khai thi trên máy tính nên cũng hạn chế được các tiêu cực.

Theo phản ánh, vẫn còn xảy ra tiêu cực ở một số bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ cũng đã cử người tiến hành kiểm tra, thanh tra, yêu cầu địa phương khắc phục, sửa đổi và cũng đã có hình thức xử lý, kỷ luật.

Về trường hợp tiêu cực trong thi cử công chức, viên chức tại Bộ Công thương, Bộ trưởng Bình cho hay, hiện đang chờ thời gian kết thúc thanh tra và hoàn thành hồ sơ với đơn vị được thanh tra.

Đại biểu Trương Thị Huệ chất vấn Bộ trưởng về việc bao giờ có hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý xử lý kỷ luật với cán bộ cấp xã vi phạm (quan liêu, sách nhiễu, không hoàn thành nhiệm vụ…) vì từ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 vấn đề này đã được các đại biểu đề cập nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong việc thực hiện lời hứa với cử tri và đại biểu?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lý giải, việc chậm trễ là do quá trình trao đổi với một số cơ quan cơ quan chức năng. Hiện tại, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện Nghị định về xử lý cán bộ công chức nói chung từ Trung ương đến địa phương chứ không chỉ cán bộ cấp xã. Dự thảo Nghị định đang gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến và sẽ sớm ban hành trong quý 1/2015.

Đại biểu lo ngại về “lạm phát” cấp phó

Quan tâm đến việc lạm phát cấp phó hiện nay trong các cơ quan nhà nước và nhiều đơn vị sự nghiệp, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) lo ngại việc này có làm ảnh hưởng đến việc tham mưu, quản lý nhà nước?

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng về vấn đề " lạm phát" cấp phó (Ảnh: Báo Tin tức)

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình giải đáp, việc quy định cấp phó trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp được quy định tại các Nghị  định của Chính phủ (Nghị định 36). Đối với đơn vị sự nghiệp được quy định bởi Nghị định 27 và 34 về các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, huyện.

Quy định cấp thứ trưởng không phải là quy định cứng mà có sự linh hoạt. Theo đó có quy định mỗi bộ có 4 thứ trưởng, nếu muốn tăng thêm phải có đề án báo cáo cấp có thẩm quyền như Ban Bí thư, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương.

Hướng tới sẽ có quy định cụ thể để hạn chế tình trạng này, bộ nào được bao nhiêu thứ trưởng phải quy định rõ để tránh việc bàn cãi.

Theo thống kê, bình quân thứ trưởng có 5,4 trong khi quy định là 4; cấp phó tổng cục quy định 3 nhưng bình quân 3,69; cấp phó của vụ quy định là 3 nhưng bình quân 3,04; cấp sở quy định 3 nhưng bình quân 3,06.

Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận: “Đúng là bổ nhiệm nhiều cấp phó cũng gây lãng phí cho ngân sách, không tạo sự đồng thuận trong nội bộ và xã hội, nguyên nhân: Thứ nhất, do sức ép công việc của lãnh đạo điều hành một số cơ quan, họp hành nhiều. Báo cáo với Quốc Hội có những cuộc họp nếu không cử cấp trưởng, cấp phó đi thì không cho tham dự -  có trường hợp như vậy, họp hành nhiều cũng có quy định cấp nào thì cấp đó đi dự. Nguyên nhân thứ hai, do đặc thù của một số ngành cũng cần có cán bộ để thực hiện công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa kể một số ngành đòi hỏi nhiều cấp phó do khối lượng công việc rất nặng nề cần giải quyết”.

 “Không thể phủ nhận có một số cơ quan có quá nhiều cấp phó mà không thực sự xuất phát từ nhu cầu, thậm chí do hậu quả của sự bổ nhiệm bởi lý do nào đó, chúng tôi cũng phải thừa nhận về vấn đề này”. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói.

Kiều Chinh
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến