Bắc Ninh tăng cường các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Hiện nay, dịch COVID-19 tại Việt Nam đang diễn ra tại gần 30 tỉnh/thành phố. Đặc biệt, những ngày gần đây, số ca bệnh mắc mới tăng nhanh liên tục tại các tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh…
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong cả nước đã nâng lên mức báo động cao nhất về phòng chống dịch bệnh.
Xung quanh vấn đề về phòng chống dịch bệnh và việc thực hiện giãn cách xã hội, từng địa phương sẽ quyết định giãn cách theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 trên từng địa bàn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có những phân tích và nhận định về vấn đề này.
Hy vọng Bắc Giang sớm kiểm soát tình hình dịch
Bộ trưởng có thể phân tích về tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay tại Việt Nam?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Đến nay, hầu hết các địa phương, các đơn vị đã kiểm soát được tình hình dịch. Tuy nhiên, còn hai địa phương chúng tôi cho rằng phải tiếp tục nỗ lực kiểm soát sớm tình hình là Bắc Giang và Bắc Ninh.
Do ổ dịch tại Bắc Giang xảy ra trong khu công nghiệp, tại một nhà máy có mật độ công nhân làm việc rất cao, khoảng cách giữa công nhân với công nhân rất hạn hẹp, vì vậy khi xảy ra dịch thì sẽ là một chùm lây nhiễm mạnh trong khu vực nhà máy.
Bắc Giang đã lấy một lượng mẫu xét nghiệm lớn với hơn 200.000 mẫu. Đây là nỗ lực rất lớn của Bắc Giang trong quá trình thực hiện kiểm soát dịch bệnh.
Chúng tôi cho rằng thời gian tới đây có thể xuất hiện thêm các ca nhiễm, nhưng các ca nhiễm này nằm trong các khu vực đã thực hiện cách ly, phong tỏa. Chúng tôi hy vọng Bắc Giang sớm kiểm soát tình hình dịch.
Đối với Bắc Ninh, chúng tôi đánh giá cũng có nguy cơ rất cao vì Bắc Ninh với Bắc Giang là hai địa bàn giáp ranh với nhau. Trong các khu công nghiệp của Bắc Ninh hiện có số lượng công nhân lớn.
Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế đã liên tục có những chỉ đạo về phòng chống dịch tại các khu công nghiệp của Bắc Ninh. Hiện nay, Bắc Ninh đang kiểm soát tốt tình hình dịch tại các khu công nghiệp, chúng tôi hy vọng thời gian tới đây, tỉnh sẽ kiểm soát tốt hơn nữa đảm bảo thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Thực tế, trong những ngày qua số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong nước lên đến 160 ca/ngày, nhưng ngành y tế vẫn khẳng định cơ bản đã kiểm soát các ổ dịch và không cần thiết phải thực hiện giãn cách xã hội. Bộ trưởng có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Ở đây chúng ta phải hiểu khái niệm về giãn cách xã hội. Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Chính phủ đã rất rõ. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, căn cứ vào phân tích về dịch bệnh của địa phương, các vấn đề về phòng chống dịch bệnh, địa phương sẽ quyết định giãn cách theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 trên từng địa bàn.
Tuy nhiên, nếu giãn cách xã hội cả một tỉnh thì địa phương phải có báo cáo Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Về giãn cách xã hội, chẳng hạn như thực tiễn từ Bắc Giang, tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 4 huyện và phong toả khu vực xã Quang Châu để kiểm soát tốt tình hình dịch tại đó.
Giãn cách xã hội trên quy mô, cách thức hợp lý để làm sao chúng ta phòng chống được dịch bệnh, nhưng không làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của người dân. Đấy là trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đánh giá được tình hình dịch bệnh tại địa phương đó.
Cách làm xét nghiệm đã thay đổi
Hiện nay, xét nghiệm được đánh giá có vai trò rất quan trọng trong việc khống chế dịch. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế đã có những thay đổi nào trong chiến lược xét nghiệm?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Lần này chúng tôi thay đổi cơ bản như xét nghiệm trên diện rộng, tầm soát trên diện rộng được thực hiện bởi cơ quan y tế cũng như tại các cơ quan, đơn vị.
Trước đây, chúng ta chỉ sử dụng một loại sinh phẩm là RT-PCR, nhưng hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép và cho phép sử dụng sinh phẩm kháng nguyên nhanh. Đối với sinh phẩm kháng nguyên nhanh, các đơn vị có thể tự xét nghiệm ngay tại chỗ. Chẳng hạn như đối với các nhà máy có thể sử dụng kháng nguyên nhanh để xét nghiệm cho công nhân làm viêc tại đó hoặc các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí hoặc những nơi hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tiếp xúc cũng có thể tự thực hiện xét nghiệm.
Chúng tôi đã khuyến khích các đơn vị sản xuất trong nước tiếp tục tăng công suất sản xuất sinh phẩm xét nghiệm đồng thời cũng tăng cường nhập khẩu để đảm bảo đủ cho mở rộng xét nghiệm.
Ngành y tế sẽ tiếp tục hài hoà giữa xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể để đánh giá tình hình dịch cũng như về sau này đưa ra các hướng dẫn về cách ly y tế, cách ly tập trung với một số đối tượng là chuyên gia hay người nhập cảnh vào Việt Nam, người nước ngoài nhập cảnh đã tiêm vaccine.
Có thể khẳng định cách thức tiếp cận và cách làm xét nghiệm đã thay đổi để nâng cao tổng lực xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy