Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ: Gợi mở “Một số vấn đề chiến lược An ninh Quốc gia trong giai đoạn mới”
15/08/2015 08:52:19
ANTT.VN - Là người có trí tuệ, tầm tư duy chiến lược, nhìn xa trông rộng, ngày 29/4/1994, ông đã có bài viết vô cùng quan trọng, gợi mở “Một số vấn đề về chiến lược An ninh Quốc gia trong giai đoạn mới”.

Tin liên quan

dong-chi-bui-thien-ngo

Đồng chí Bùi Thiện Ngộ và phu nhân với các Hòa Thượng, nhà sư tại chùa Hương, Hà Tây (cũ)

Đây là những cơ sở để lực lượng Công an nhân dân tham mưu đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 của bộ Chính trị về “Chiến lược An ninh quốc gia” năm 1999. Trong gợi ý của ông nêu ba phần:

Phần một: Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia phải lệ thuộc, phục tùng chiến lược chung của cách mạng trong giai đoạn mới, trong đó ông đưa ra khái niệm Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia là gì? Và phân chia cấp độ thì “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Xây dựng Chủ nghĩa xã hội là ở tầm cao nhất, còn các Chiến lược phòng thủ quốc gia, Bảo vệ An ninh quốc gia, Chiến lược quân sự, Chiến lược văn hóa, Chiến lược kinh tế… là ở tầng thứ hai”, “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia phải phụ thuộc, phục tùng chiến lược chung của cách mạng, đó là: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược xây dựng Chủ nghĩa xã hội”. Từ phân tích, lập luận, ông đưa ra quyết định: “Chúng ta phải xây dựng Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia”.

Phần hai: Bối cảnh Chiến lược trong giai đoạn mới, trong đó ông phân tích bối cảnh những năm 1990 khác hẳn với thời kỳ sau giải phóng miền Bắc và sau ngày giải phóng miền Nam. Ông phân tích sự sụp đổ của Chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô với chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch để đi tới kết luận: “Rõ ràng ở Liên Xô, bên ngoài tác động là rất lớn, nhưng diễn biến bên trong cũng không nhỏ nên sớm dẫn đến sự sụp đổ”. Gắn với kết luận này, ông phân tích thực trạng tình hình đất nước ta về thời cơ thuận lợi, khó khăn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại,… và ông đưa ra những vấn đề mà Chiến lược An ninh quốc gia phải tính đến như: (1) Vấn đề tôn giáo. Để giải quyết vấn đề tôn giáo không được nhầm lẫn vấn đề chính trị với vấn đề tín ngưỡng của quần chúng… Từ việc phân tích những vấn đề tôn giáo đang diễn ra, ông đưa ra kết luận: “Phải chăng đã đến lúc cần có một chiến lược, một chính sách toàn diện, nhất quán trong cả nước để giải quyết vấn đề tôn giáo, trong đó Công an chúng ta phải đóng góp phần quan trọng.” (2) Vấn đề dân tộc đang là một vấn đề nóng bỏng của thời đại. Ở đây, ông tập trung phân tích vấn đề dân tộc đang diễn ra ở Liên Xô cũ, Bosnia, Herzegovina, Ruanda… Còn ở Việt Nam ông tập trung phân tích những vấn đề mâu thuẫn nổi lên giữa miền ngược với miền xuôi, giữa người Kinh và người Thượng, vấn đề Khmer Nam Bộ… Theo ông, “Những vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc của ta, nếu không giải quyết được, cộng với tác động của các thế lực thù địch này sẽ sinh ra những khó  khăn, phức tạp không thể lường trước được trên mặt trận an ninh quốc gia”, từ đó khẳng định: “Cũng như vấn đề tôn giáo, tôi nghĩ đã tới lúc cần có một chính sách, chiến lược tầm cỡ quốc gia để giải quyết vấn đề dân tộc ở nước ta”. Cũng trong bài viết này, ông còn tập trung phân tích vấn đề Việt kiều như: nhận thức về Việt kiều, chính sách Việt kiều, về thế hệ trẻ trong Việt kiều, những mặt yếu, mặt mạnh của họ, đề cao tư tưởng đoàn kết dân tộc như bác Hồ đã dạy, đây là trách nhiệm của mọi người, mọi ngành, mọi cấp; người chiến sĩ công an phải làm công tác dân vận, công tác mặt trận…phải luôn coi trọng, góp phần đoàn kết dân tộc, bảo vệ và tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc…Qua phân tích các yêu cầu và trách nhiệm đối với Việt kiều, ông viết: “Đòi hỏi phải đặt vấn đề khác trước để tranh thủ giáo dục họ, có chiến lược, chính sách mềm dẻo lôi léo họ về gần ta hơn…phải coi khối này là lực lượng của cách mạng để làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ xa.”

Vấn đề dân chủ, nhân quyền, ông cho rằng: “Với xu thế của thời đại, vấn đề dân chủ, nhân quyền là một đòi hỏi chính đáng của quần chúng, đó cũng là khát vọng vươn tới tự do của loài người”; nhưng theo ông, cần phải nhận thức đúng về dân chủ, nhân quyền: “Trong Công ước về nhân quyền có quyền truyền bá về tư tưởng, quan điểm. Nhưng phải hiểu rõ quan điểm ở đây là cái gì, và là thế nào? Có những luận điệu tuyên truyền nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam – đó là truyền bá tư tưởng hay chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam? Điều 4 của Hiến pháp 1992 khẳng định: “Đảng Cộng sản là người lãnh đạo…” Vậy chống lại Đảng Cộng sản có phải là chống lại pháp luật không? Tuy nhiên, ta phải có cách làm đúng đắn hơn, khéo léo hơn… để tính toán Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó vấn đề xác định thật đúng các đối tượng đấu tranh, mục đích đấu tranh, bố trí và sắp xếp, sử dụng các lực lượng…”.

Đặc biệt trong bài phát biểu này (cũng như nhiều bài khác, nhất là các bài phát biểu tại hội nghị Công an toàn quốc), ông đã nêu ra những giải pháp chiến lược, những phương châm, đối sách chung với các loại đối tượng (gián điệp, phản động…) và vấn đề trật tự an toàn xã hội, trong đó ông phân tích kĩ mối quan hệ giữa trật tự xã hội với an ninh chính trị, nhiều loại vấn đề thuộc lĩnh vực trật tự an toàn xã hội liên quan trực tiếp đến an ninh chính trị như vấn đề mâu thuẫn nội bộ, vấn đề khiếu kiện, đình công của công nhân, bãi khóa của sinh viên, thương binh gây rối, buôn lậu, tham nhũng… nguy cơ dẫn đến làm mất lòng tin của dân với Đảng, với chế độ. Ông chỉ ra rằng: “nạn “tham quan ô lại” đã từng làm sụp đổ không ít triều đại phong kiến ngày xưa và một số chính phủ tư bản ngày nay”. Đồng thời, ông cũng phân tích thêm “tệ nạn ma túy, mại dâm phát triển nghiêm trọng, căn bệnh thế kỷ AIDS phát triển trong thanh niên nam nữ đến mức không ngăn chặn được, lẽ nào không thành nguy cơ đe dọa diệt vong của một dân tộc, một quốc gia…”. “Đạo đức, văn hóa, giáo dục xuống cấp, tâm lý thực dụng, lối sống hưởng thụ chạy theo đồng tiền… như thế này thì làm sao giữ được kỷ cương, đảm bảo trật tự xã hội”. Về tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông gia tăng, ông cho rằng “ở ta thiếu trật tự hơn là thiếu đường, nhưng ở một số nước phát triển thì thiếu đường mà không thiếu trật tự”. Những vấn đề trên cũng cần được nghiên cứu đưa vào Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia.

Phần ba: Về tổ chức nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân, ông khẳng định đây là vấn đề lớn, phải nghiên cứu kỹ hơn. Ông cho rằng: “Với cơ chế thế này, tổ chức bộ Nội vụ như thế này thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Nếu chia làm 2 bộ thì mới có thể làm được, vì lẽ đơn giản: một Bộ trưởng thì chỉ có một cái đầu, hai Bộ trưởng thì có hai cái đầu. Vì lẽ đó đã có lúc đặt ra vấn đề tách an ninh ra lập Ủy ban An ninh quốc gia. Để cả An ninh và Cảnh sát thành một bộ thì quá lớn… Rõ ràng về mặt lý luận, nói là lý thì đúng hơn, phải tách riêng An ninh, Tình báo, Cảnh sát (chuyên trách về trật tự xã hội)… “Ông dẫn chứng một loạt nước Pháp, Thái Lan… cũng như vậy. Ông đặt vấn đề: “trong khi chưa tách được thành hai bộ phận thì một số lĩnh vực về trật tự xã hội phải phân cấp mạnh cho cơ sở, những việc không phải của mình phải chuyển cho các bộ, ngành khác như: quản lý xe, cấp bằng lái xe, còn phòng cháy chữa cháy phải có ngân sách lớn cần giao cho Bộ Nội vụ (còn ta thì đổi lại là Bộ Công an)…”.

Những vấn đề ông nêu trên, có việc đã được triển khai thực hiện, có việc sau khi ông nghỉ hưu đã được đưa ra bàn nghiêm túc, như Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược An ninh quốc gia… Điều đó thể hiện ở ông một tư duy chiến lược với tầm nhìn xa trông rộng, đặt ra cho lực lượng Công an nhân dân nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu và thực hiện.

Công tác cán bộ - đây cũng là vấn đề vô cùng tâm huyết - ở đâu, bất cứ hội nghị Công an toàn quốc nào ông cũng nói về vấn đề này. Đặc biệt là tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 50, ông đã dành nhiều thời gian đề cập: “Về vấn đề cán bộ, chúng ta phải chú ý đào tạo, cất nhắc cán bộ trẻ, bây giờ  già – trẻ, người ở lại và người về nghỉ sẽ có nhiều phức tạp lắm. Các đồng chí lớn tuổi phải lưu tâm, cố gắng đào tạo anh em trẻ làm được việc để thay, không có người thay mình là tội của mình, chứ không phải là công. Nếu anh già 10 điểm, anh trẻ 8 điểm thì để anh trẻ 8 điểm làm hơn bởi vì anh này có thể lên 2 hoặc 3, 5 điểm nữa, mà anh già chỉ có thể xuống một điểm chứ không thể lên được nữa”. Ông nhắc cán bộ trẻ phải tự vương lên để khẳng định mình “đừng níu tay, níu chân, níu áo nhau, càng níu áo thì nội bộ càng phức tạp”. Ông nhắc nhở cán bộ các cấp “tuyệt đối nghiêm cấm việc đề bạt, cân nhắc cán bộ do tư túi, phe phái bè cánh với nhau…”.

….
(còn tiếp)

Trích bài viết của Vũ Thanh Hoa – Thiếu tướng, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Nguyên Thư Ký Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ (Hà Nội, tháng 5 năm 2010)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến