Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Phát mua rau, thịt ở đâu?
10/11/2015 12:37:51
ANTT.VN – An toàn vệ sinh thực phẩm từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối chưa có giải pháp hiệu quả ở dải đất hình chữ S này. Mấy hôm nay nó lại tiếp tục làm nóng dư luận từ sau thông tin có cơ sở ở Bình Dương ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ 2,4D để bảo quản.

Tin liên quan

Chuối ngâm thuốc diệt cỏ 2,4D (ảnh minh họa)

“Đọc thông tin cơ sở ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ 2,4D để bán mà tôi thấy lạnh xương sống. Đây là việc quá độc ác, tôi không thể tưởng tượng được” - đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại Hội nghị quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản diễn ra ngày 5/11.

Cũng tại Hội nghị này, Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường (C49 - Bộ Công An) đưa ra con số giật mình: “Chỉ tính riêng năm 2014, số trường hợp mắc bệnh ung thư đã lên đến 150.000- 200.000 người, số người chết vì ung thư là 82.000 người. Trong đó 75- 95% số trường hợp mắc do yếu tố môi trường và an toàn thực phẩm”.

Như vậy, kết luận của cơ quan chức năng đã khẳng định: cứ 10 người ung thư thì có 7 đến 9 người mắc bệnh do môi trường ô nhiễm và ăn phải thực phẩm độc hại.

Có thể nói không quá rằng chính vấn nạn thực phẩm nhiễm độc đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỉ lệ ung thư, còn người dân thì hàng ngày vừa ăn vừa run bởi hiểm họa ung thư treo lơ lửng trên đầu nhưng chỉ biết tự trấn an: “trời kêu ai nấy dạ”!

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội hôm 2/11 vừa rồi, đại biểu quốc hội tỉnh Long An – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An Đinh Thị Phương Khanh đã thẳng thắn phát biểu: “Cử tri cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước dường như đang bất lực trước không ít người kinh doanh, làm giàu bất chính trên chính sức khỏe của người dân”.

Bà Khanh đưa ra dẫn chứng: “Qua kết quả kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm trong nông nghiệp 9 tháng đã phát hiện 16% mẫu thịt có chất tạo nạc Sabutamon độc hại. 7,6% mẫu thịt có dư lượng quá chất kháng sinh vượt ngưỡng. 10,3% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vượt mức giới hạn cho phép và mới đây là phát hiện của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện chất vàng ô trong thức ăn chăn nuôi gia cầm”.

Theo bà Khanh, sabutamon là chất độc bảng B phải được quản lý sử dụng chặt chẽ, vàng ô là phẩm màu công nghiệp được dùng trong công nghiệp sơn tường, không nằm trong danh mục dùng cho thực phẩm – vậy tại sao người dân vẫn mua được quá dễ dàng?

Cùng với sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan chức năng khiến hóa chất độc hại trôi nổi, nhiều nông dân, cơ sở sản xuất thì tham lam thiếu hiểu biết, cộng với bị thương lái ép sử dụng chất cấm để mua nông sản giá cao, kết quả là những thực phẩm nhiễm độc hàng ngày hàng giờ bình tĩnh đi vào cơ thể người dân. Người ta cũng cứ phải nhắm mắt mà ăn dù không biết bữa nào sẽ là bữa cuối (!).

Còn nhớ tại một kỳ họp quốc hội khoảng chục năm về trước, khi tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được gióng lên về nguy cơ gây ung thư, có đại biểu quốc hội hỏi Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: “Nhà bộ trưởng mua rau, thịt ở đâu”. Ông Tuyển không giấu nổi vẻ ái ngại mà rằng: Cũng cắp rổ ra chợ mua như những người dân bình thường khác.

Câu trả lời có lẽ không làm hài lòng nhiều người, bởi họ nghĩ đời nào các VIP lại phó mặc sức khỏe của mình và gia đình vào tay thực phẩm bẩn trôi nổi ngoài thị trường. VIP là phải ăn rau sạch, thịt sạch do trang trải trồng riêng, hoặc ở quê gửi lên chứ?

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, dù là các thùng xốp bé tí ngoài ban công của đám thị dân trung lưu hay là cả trang trại của VIP nào đó cũng không thể nuôi trồng được tất cả mọi thứ. Người ta không thể ngày nào cũng ăn rau cải, rau muống, vì sẽ có lúc thèm măng, thèm đỗ; Cũng như ăn gà, lợn mãi sẽ đến lúc thèm tôm, cua, ốc, ếch…

Trong khi tình hình thực phẩm bẩn làm nhiễu loạn thị trường, gây hoang mang dư luận, một số doanh nghiệp bất chính nhảy vào lĩnh vực thực phẩm sạch với phương châm kinh doanh gọi là “tiếp thị nỗi sợ hãi”. Càng sợ hãi, người dân càng đi tìm thực phẩm sạch để tiêu dùng, cho đến ngày cái mà gọi là thực phẩm sạch ấy cũng bị thanh tra, xử phạt thì người ta lại chuyển sang dùng thực phẩm gọi là sạch khác.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại Hội nghị toàn quốc công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại Hà Nội ngày 5/11

Trước thực trạng trên, nhiều người dân cũng muốn đặt lại câu hỏi với bộ trưởng Phát: nhà bộ trưởng mua rau, thịt ở đâu? Cú “lạnh xương sống” vừa rồi của vị tư lệnh ngành Nông nghiệp khiến người dân đồng cảm nhưng chưa dám thở phào.

Bởi, nói theo cách của đại biểu Đinh Thị Phương Khanh thì: “Mặc dù năm 2015 là năm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là năm an toàn thực phẩm, để triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Thế nhưng gần một năm triển khai thực hiện, dường như tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm không những không giảm mà còn diễn biến hết sức phức tạp và thủ đoạn hết sức tinh vi”.

HÀN.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến