Ngày 6/8 phát biểu tại Cần Thơ khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tuyên bố:
Sẽ không còn độc quyền in sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo 1 bộ sách giáo khoa, đang chuẩn bị chương trình này theo hướng đấu thầu.
Theo thống kê, có bốn nhà xuất bản được phép in sách giáo khoa.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không phải là đơn vị được chỉ định thầu mà tham gia cũng như các nhà xuất bản khác theo các tiêu chí công khai, minh bạch. [1]
Độc quyền sách giáo khoa không nằm ở nhà in, nằm trong tay Bộ trưởng
Trong bài viết trước, Bộ lấy đâu ra người viết sách giáo khoa, ăn nói ra sao với Ngân hàng Thế giới?, chúng tôi đã phân tích quy trình biên soạn sách giáo khoa theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.
Nhìn vào quy trình này có thể thấy rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang vừa đá bóng, vừa thổi còi trong việc làm sách giáo khoa:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Sau khi chỉ đạo biên soạn xong bản thảo sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải đấu thầu một nhà xuất bản đứng ra làm thủ tục đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo xin thẩm định, chỉnh sửa nếu có, và đề nghị Bộ trưởng ký quyết định ban hành.
Có thể thấy rõ sự độc quyền nằm ngay trong tay Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu đọc kỹ các điều khoản về việc phát hành sách giáo khoa trong Luật Giáo dục hiện hành.
Cho nên, đấu thầu in sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn sẵn, không phải cách chống độc quyền.
Quốc hội đang sửa Luật Giáo dục, thiết nghị nếu Bộ trưởng thực tâm muốn xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa, xin hãy kiến nghị sửa từ luật.
Vậy sửa Luật như thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rút hẳn khỏi việc biên soạn sách giáo khoa, để tập trung tìm ra các chính sách sao cho có nhiều bộ sách giáo khoa chất lượng, giá rẻ do cạnh tranh lành mạnh, không dùng ngân sách nhà nước;
Đồng thời Bộ phải tìm cách để các nhà giáo sống được bằng lương, đẩy lùi tiêu cực gian dối, giảm sĩ số trường công và lo chỗ học cho con em công nhân các khu công nghiệp...
Theo lập luận của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi chưa làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, thì chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nghiên cứu, hoạch định chính sách và quản lý nhà nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo mà đi sản xuất sách giáo khoa, thì khác nào Bộ Y tế tổ chức khám chữa bệnh ngoại da, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đi bán máy cày.
Đó là một sự phi lý.
Như vậy, lần thay chương trình sách giáo khoa này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên làm chương trình, hỗ trợ và giám sát các đơn vị, cá nhân viết sách giáo khoa đảm bảo đúng chương trình.
Cần dứt khoát từ bỏ bộ sách giáo khoa của Bộ.
Lợi ích của việc bỏ độc quyền sách giáo khoa
Nếu làm được việc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ ngay lập tức tiết kiệm được 20 triệu USD tiền ngân sách (đi vay Ngân hàng Thế giới) để viết một bộ sách giáo khoa của Bộ.
Quan trọng hơn, kể từ đây Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn độc quyền sản xuất sách giáo khoa "quốc doanh" như cách gọi của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, mà bất cứ tổ chức cá nhân nào có điều kiện và khả năng, đều có thể tham gia viết sách giáo khoa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tập trung lo hành lang chính sách để đảm bảo chất lượng, công bằng, minh bạch cho các đơn vị, cá nhân yên tâm tham gia viết sách giáo khoa;
Và người sử dụng chúng, sẽ là người đánh giá và quyết định vận mệnh những cuốn sách giáo khoa ấy, chứ không phải các giáo sư, tiến sĩ kiến thức đầy bồ mà không có ứng dụng nào giải quyết được các vấn đề của cuộc sống, nhưng cứ muốn con trẻ phải giống mình.
Cũng giống như những người ăn phở, sẽ là người biết rõ nhất quán phở ấy, tô phở ấy có ngon hay không, chứ không phải ông chủ tịch phường.
Cải cách giáo dục hay đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nên bắt đầu từ những nguyên lý giản dị như vậy.
Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không lo phải tổ chức đấu thầu bộ sách giáo khoa của mình, hiện là vấn đề rất đau đầu và dễ gây tranh cãi.
Thứ nhất, nếu chỉ đấu thầu in sách giáo khoa thì chẳng có gì đổi mới, vẫn đánh bùn sang ao, tuổi thọ sách giáo khoa "quốc doanh" của Bộ khó mà thoát khỏi vòng đời dự án - nhiệm kỳ.
Điều này đã được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi còn tại chức, Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết lúc còn cầm trịnh chương trình, đã tiên liệu.
Và không ai dám đứng ra cam kết tuổi thọ của nó, mặc dù họ xin rất nhiều tiền, 70 ngàn tỉ đồng, 34 ngàn tỷ đồng, 80 triệu USD...
Thứ hai, giả sử đấu thầu nhà xuất bản theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT, thì Bộ lại đi thuê một đơn vị làm hồ sơ để xin chính Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, đề nghị Bộ trưởng phê duyệt, liệu có phải chuyện cười thế kỷ XXI?
Một khi bộ sách giáo khoa "quốc doanh" đã có tên Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng lên, ai cạnh tranh được với Bộ, cơ quan nắm quyền thẩm định, quyết định việc ban hành sách giáo khoa lẫn chỉ đạo ngành dọc từ trên xuống dưới?
Thứ ba, lập luận của Bộ trưởng rằng "thay sách giáo khoa kiểu cuốn chiếu, phải có sự chuẩn bị chủ động của một đơn vị để có sách dùng ngay, còn sau đó thì có thể nhiều bộ sách khác" mâu thuẫn với chính sự chuẩn bị của Bộ.
Trong khi hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa mời ai tham gia viết sách giáo khoa mới, thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một doanh nghiệp do ông Ngô Trần Ái - cựu lãnh đạo đơn vị này thành lập, đã chuẩn bị xong đội ngũ và bắt tay vào viết.
Cả 2 đơn vị này đều cam kết sẽ biên soạn đầy đủ sách giáo khoa của các môn học, họ đang đi tắt đón đầu trước Bộ rất xa.
Cho nên "có sách dùng ngay" không thành vấn đề, Bộ lên tiếng lúc nào là có sách giáo khoa lúc đó.
Thứ tư, chưa có ngay sách giáo khoa mới chưa chắc đã phải điều gì xấu, ngược lại có khi còn là cơ hội may mắn để cải cách thực sự giáo dục nước nhà.
Bởi lẽ vấn đề của giáo dục nằm ở bộ máy, cơ chế quản lý và vận hành nền giáo dục, chứ không phải những cuốn sách ai muốn thay thì thay.
Muốn phát triển giáo dục không thể dựa vào tầm nhìn nhiệm kỳ được. Đây là cơ hội để Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rà soát, đánh giá lại đội ngũ tham mưu của mình, và quan trọng hơn là đánh giá lại tầm nhìn của chính mình cho sự nghiệp trăm năm.
Một đề án nghiên cứu từ 2009, chuẩn bị từ 2011, đến khi đưa ra trình Quốc hội năm 2014 cũng chỉ vỏn vẹn mấy chục trang A4 sơ sài với số tiền khủng khiếp: 34 ngàn tỷ đồng;
Khi Quốc hội thông qua chỉ còn 462 tỷ đồng, cú hạ độ cao đột ngột khiến Chủ tịch Quốc hội cũng sốc, quả là chuyện bất thường, nhưng đến lúc bắt tay vào thực hiện, con số lại khác, 80 triệu USD.
Cho nên nếu nói chậm, thì đã chậm cả chục năm rồi, Quốc hội còn cho phép lùi thời gian triển khai sách giáo khoa mới 2 năm nữa, thì có gì phải vội khi chưa chắc chắn?
Chậm bộ sách giáo khoa mới, vẫn còn sách giáo khoa hiện hành để sử dụng.
Nhưng cố chạy theo tiến độ mà không có cam kết nào về chất lượng và tuổi thọ sản phẩm, thì Dân tộc này lại bỏ lỡ một cơ hội, để rồi nếu có quay lại, sẽ lại là các đề án thay sách, cải cách tốn kém mà chưa biết giáo dục sẽ đi đâu, về đâu.
Có một điều chúng tôi cũng cần nhắc lại ở đây mong Bộ trưởng lưu tâm, điều "chỉ người trong cuộc mới hiểu cặn kẽ, đó là sợ mất bổng lộc" như chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trên Báo Infonet hôm nào. [2]
Bổng lộc ở đây có lẽ gắn liền với các dự án, gắn liền với các quyền cấp phép, phê duyệt...
Có lẽ nói ra điều ai cũng biết này ra hơi thừa, nhưng không thể không nói, vì đó là điều người dân đang quan tâm và mong muốn thay đổi.
Theo Giáo Dục Việt Nam
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy