Dòng sự kiện:
Bộ Văn hoá lên tiếng về đường sắt đô thị số 2 đặt ga ngầm gần hồ Gươm
25/08/2018 12:12:08
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản thông tin về những vấn đề liên quan đến việc xây dựng dự án đường sắt số 2 và vị trí đặt ga ngầm C9 gần di tích hồ Gươm đang gây ra nhiều tranh cãi.

Cụ thể, bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, đã nhận được một số văn bản ủng hộ chủ trương của UBND TP.Hà Nội về việc quy hoạch ga ngầm C9, thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2.

Việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 và ga ngầm C9 nhằm đáp ứng yêu cầu về giao thông đô thị, phục vụ phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.

Khu vực nhà ga C9 dự kiến được xây dựng.

Tuy nhiên, Bộ này đánh giá: Khu vực dự kiến xây dựng nhà ga là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, còn là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan cần được bảo tồn và có giải pháp xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Qua đó, bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch yêu cầu Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng (cách xa bờ phía Đông của Hồ Hoàn Kiếm và nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã được xếp hạng từ 2013).

Vì trí đường sắt được xây dựng ngầm dưới đất gần khu vực tháp Bút.

Cũng theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng đã ký văn bản số 3313/UBND-ĐT gửi tới Bộ trưởng bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch về việc thống nhất quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 (ga hồ Gươm) thuộc dụ án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội.

Theo đó, Phó Chủ tịch TP.Hà Nội khẳng định: “Phương án tổng mặt bằng ga C9 và hướng tuyến ngầm đường sắt đô thị đi qua khu vực hồ Gươm đề xuất xem xét phê duyệt có phần lớn là công trình ngầm nằm trong khu vực bảo vệ II nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Gươm và đền Ngọc Sơn, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về di sản văn hoá, bảo tồn văn hiến của Thủ đô...

Ga C9 và hệ thống đô thị làm người dân, khách du lịch tiếp cận dễ dàng, thuận tiện, cải thiện môi trường, cảnh quan... góp phần khai thác và phát huy tối đa giá trị của di tích lịch sử”.

Căn cứ, luật Di sản văn hoá (2001), sửa đổi bổ sung (2009), Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, văn bản hợp nhất văn hoá số 10/VBHN-VPQH quy định: Khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ I để đảm bảo cảnh quan và môi trường – sinh thái của di tích và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, do đó UBND TP.Hà Nội đề nghị Bộ trưởng bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch xem xét có ý kiến thống nhất phương án tổng mặt bằng ga ngầm C9 làm cơ sở phê duyệt, triển khai.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến