Chia sẻ tại Hội thảo về giải pháp vật liệu xây dựng đáp ứng công trình xanh có kiến trúc bền vững mới đây, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết cả nước mới chỉ có trên 200 công trình xanh với tổng diện tích khoảng 6 triệu m2 sàn xây dựng.
"Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường", ông nhấn mạnh.
Doanh nghiệp ngại đầu tư công trình xanh
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Đình Thanh, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, doanh nghiệp thường ngại đầu tư vào công trình xanh vì cho rằng chi phí xây dựng ban đầu lớn, cao hơn khoảng 2% so với công trình thông thường.
Tuy nhiên, ông khẳng định tình trạng này chỉ xảy ra khi dự án không áp dụng các giải pháp xanh ngay từ những giai đoạn đầu tiên, hoặc lựa chọn giải pháp phức tạp, không hữu ích, có thời gian hoàn vốn dài.
“Thực tế, nếu áp dụng các giải pháp xanh ngay từ khi bắt đầu giai đoạn thiết kế sẽ không làm tăng, thậm chí có thể giảm chi phí đầu tư. Giải pháp xanh có hiệu quả sẽ giúp hoàn vốn đầu tư trong khoảng 2-3 năm”, KTS Nguyễn Đình Thanh nói.
Cả nước hiện mới có trên 200 công trình xanh, tổng diện tích 6 triệu m2 sàn xây dựng. Ảnh: Vũ Minh Quân.
Mặt khác, ông nhận thấy nhiều người vẫn ngộ nhận rằng chỉ những dự án lớn, phức tạp và có vốn đầu tư lớn mới có thể đạt chứng nhận công trình xanh. Phủ nhận quan điểm này, ông nêu dẫn chứng có những hệ thống đánh giá áp dụng cho nhiều loại hình công trình, đơn cử là LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Công Thịnh, công trình xanh là mục tiêu trọng tâm cần hướng đến của Việt Nam, bởi tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng những năm qua đã đạt 9%/năm, tỷ lệ đô thị hóa cũng lên đến 40,5%. Nhưng đến nay, cả nước chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành đạt tiêu chí phát thải ròng bằng 0. Đây là thách thức lớn khi cái đích năm 2050 mà Chính phủ đặt ra chỉ còn hơn 27 năm.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận xét việc nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm và sử dụng các vật liệu xanh hiện tại chỉ mới đến từ nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp tư nhân.
Các dự án sản xuất sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường khó tiếp cận ưu đãi cụ thể về tài chính, đồng thời nhận thức và sự quan tâm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị quản lý vận hành và người sử dụng công trình vẫn chưa đầy đủ, cần sự hỗ trợ toàn diện, rộng rãi từ Nhà nước.
Tiêu chuẩn vật liệu xanh cần được cụ thể hóa
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết nhu cầu xây dựng và sử dụng công trình của Việt Nam đang tăng mạnh dưới áp lực của tốc độ đô thị hóa.
Do đó, các bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ... cần nghiên cứu xây dựng một hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật về công trình xanh, tạo điều kiện cơ sở để phát triển phổ biến loại công trình này. Trong đó, cần rõ ràng các tiêu chí, tiêu chuẩn về vật liệu xanh để xây dựng công trình xanh.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thừa nhận hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan Nhà nước về trình tự, thủ tục đánh giá, chứng nhận sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.
Đồng thời, chưa có quy định bắt buộc về đánh giá, chứng nhận, dán nhãn sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng như đã áp dụng với các thiết bị sử dụng năng lượng, phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho từng sản phẩm, vật liệu xây dựng để đánh giá, chứng nhận sản phẩm, vật liệu xanh cũng đang thiếu, chưa kể việc xây dựng định mức, đơn giá, suất đầu tư để dưa những vật liệu này vào công trình công còn hạn chế.
Đến 2030, 25% vật liệu xây dựng sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh. Đến 2050, 50% khu đô thị mới và 10% tổng số đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải carbon thấp. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh |
Theo Thứ trưởng Sinh, tới đây, ngành xây dựng sẽ đề cao thúc đẩy sản xuất các sản phẩm, vật liệu xây dựng xanh, phát thải carbon thấp.
Cụ thể là hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm xanh, phát thải carbon thấp cho các sản phẩm, vật liệu xây dựng như xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng... vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng, công nghiệp.
"Mục tiêu đến năm 2030, 25% vật liệu xây dựng sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh, phân khúc chung cư giảm ít nhất 25% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2020, 100 công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa, cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đến năm 2050, mục tiêu 50% khu đô thị mới và 10% tổng số đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải carbon thấp", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.
Tác giả: Lan Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy