Dòng sự kiện:
Bỗng dưng hầu tòa và chuyện của 95 hồ sơ tín dụng khống ở VIB Thái Nguyên
09/07/2016 07:26:49
ANTT.VN – Chỉ ký hộ một chữ ký vào hồ sơ ngân hàng do anh bạn nhờ mà vài chục người dân ở Thái Nguyên bỗng dưng có ngày phải ra hầu tòa. Đến lúc ra tòa mới vỡ lẽ ra là anh bạn “bình thường là người tử tế” đã mượn danh mình để lập hồ sơ khống vay tiền ngân hàng rồi chiếm đoạt. Đó là câu chuyện xảy ra ở Ngân hàng Quốc tế chi nhánh Thái Nguyên (VIB Thái Nguyên) 6 năm về trước nhưng đến nay chưa giải quyết xong hậu quả.

Tin liên quan

Trụ sở Ngân hàng Quốc tế chi nhánh Thái Nguyên (ảnh minh họa)

Bỗng dưng hầu tòa…

Một trong những trường hợp nói trên là trường hợp ông Phạm Đức Sảnh (sinh năm 1957, trú tại xóm Ao Voi, xã Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên).

Do quen biết với ông Sảnh từ trước, tháng 2/2012, Vi Nghĩa Hà (SN 1977, TP Thái Nguyên) nguyên giám đốc phòng giao dịch Phan Đình Phùng – Chi nhánh VIB Thái Nguyên đã đặt vấn đề nhờ ông Sảnh đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất và ký hợp đồng vay tiền hộ. Vi Nghĩa Hà bỏ 300.000.000 đồng mua mảnh đất thổ cư 1.000 m2 rồi chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục tách ra làm 4 mảnh đứng tên 4 người khác nhau, trong đó có một mảnh đứng tên ông Sảnh.

Sau khi có GCNQSD đất mang tên ông Sảnh, Hà và đồng bọn đã tạo lập giả mạo hồ sơ khách hàng vay vốn mang tên ông Sảnh và vợ rồi nhờ ông Sảnh thế chấp quyền sử dụng đất, đứng tên vay 700.000.000 đồng. Số tiền này, Hà chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân, trả một phần gốc và lãi theo lịch trả nợ của ngân hàng VIB.

Hay như trường hợp của anh Nông Quang Ngọc (SN 1976, trú tại tổ 19 phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên) cũng là một ví dụ tương tự. Anh Ngọc và Vi Nghĩa Hà là chỗ bạn bè, do đó khi Hà nhờ, anh Ngọc vui vẻ nhận lời.

Hà nhờ anh Ngọc đứng tên đất, đứng tên ký hợp đồng vay vốn. Cũng bằng cách thức như đối với ông Sảnh, sau khi có được GCNQSD đất mảnh đất nhờ anh Ngọc đứng tên, Hà và đồng phạm đã tạo lập hồ sơ giả mạo mang tên anh Ngọc và vợ rồi nhờ anh Ngọc thế chấp GCNQSD đất để vay ngân hàng VIB 600.000.000 đồng. Số tiền này, Hà cũng dùng chi tiêu cá nhân và trả một phần gốc và lãi cho ngân hàng VIB như trường hợp hồ sơ của ông Sảnh.

Bằng thủ đoạn trên, từ năm 2010 – 2012, Vi Nghĩa Hà đã giả mạo 49 hồ sơ tín dụng khống và 46 hồ sơ tín dụng mà trong đó, người đứng tên vay được hưởng một phần trong khoản vay, Vi Nghĩa Hà chỉ là “vay ké” vào đấy. Do có tính chất thỏa thuận dân sự nên 46 hồ sơ này không bị truy tố mà đưa về VIB để xử lý dân sự.

Điều đáng nói là đến khi bị ra hầu tòa, những nạn nhân của Vi Nghĩa Hà và đồng bọn mới ngã ngửa ra vì không nghĩ người bạn “tử tế” lại ra tay lừa đảo khiến mình rơi vào tình cảnh trớ trêu như vậy.

Tiếp xúc với ANTT.VN hôm 27/6 bên lề phiên xử vụ án này giai đoạn 2 tại Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, anh Nông Quang Ngọc cho biết: “Ngày thường Vi Nghĩa Hà là người tốt, đối xử với anh em bạn bè tử tế nên khi Hà nhờ tôi vì công việc thì tôi không nghĩ gì cả mà đồng ý giúp ngay.” Thậm chí những người dân hiền lành chất phác ở đây còn hồn nhiên đến độ không ý thức được hậu quả việc làm tốt bụng của mình.

“Thôi thì mình cứ có sao thì khai với tòa vậy, chắc chả sao đâu, cùng lắm đi tù một vài năm rồi về chứ biết làm sao bây giờ?” – anh Ngọc nói.

Vẫn còn lùng nhùng giải quyết hậu quả

Theo Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an tỉnh Thái Nguyên ký ngày 13/11/2015, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Phan Đình Phùng (VIB Thái Nguyên) Vi Nghĩa Hà (sinh năm 1977, HKTT tại tổ 6, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên) bị kết tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Chỉ riêng 12 hồ sơ tín dụng (đã xét xử giai đoạn 1) được “dàn dựng”, Vi Nghĩa Hà và đồng bọn đã giải ngân được số tiền hơn 15 tỉ đồng. Điều đặc biệt ở chỗ: Vi Nghĩa Hà tự định đoạt sử dụng số tiền trên mà không chi lại phần nào cho đồng phạm, cán bộ tín dụng hay người đứng tên vay vốn. Theo dự tính, nếu xem xét toàn bộ 95 hồ sơ thì số tiền bị gian dối có thể lên đến gần 100 tỉ đồng.

Tại bản án số 210/2015/HSPT ngày 28/5/2015 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử vụ án Vi Nghĩa Hà giai đoạn 1 (xem xét 12 hồ sơ tín dụng giả mạo) đã tuyên nguyên giám đốc phòng giao dịch Vi Nghĩa Hà tù chung thân về 2 tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 280 và 167 Bộ luật Hình sự.

Ngày 27/6, phiên xử vụ án Vi Nghĩa Hà giai đoạn 2 (xem xét 37 hồ sơ tiếp theo) được tổ chức tại Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, song do vắng mặt 51 trên tổng số 71 người được triệu tập, bao gồm bị cáo Hà Thị Thanh Thảo là cán bộ cấp dưới của Hà (đang được tại ngoại do nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, lý do con ốm), 50 người là nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên phiên tòa đã bị hoãn.

Trao đổi với ANTT.VN, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh – Đoàn luật sư TP Hà Nội), luật sư bảo vệ cho bị can Vi Nghĩa Hà (giai đoạn 1) và Bùi Văn Sĩ là cán bộ tín dụng, cấp dưới của Vi Nghĩa Hà (giai đoạn 2) cho biết: Vụ án đã kéo dài 4 năm, nhưng đến nay vẫn còn nhiều “lùng nhùng” chưa giải quyết được.

Vi Nghĩa Hà đã lạm dụng chức vụ giám đốc phòng giao dịch Phan Đình Phùng (thuộc VIB Thái Nguyên) để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Hà đã bị chính Ngân hàng của mình làm đơn tố cáo về hành vị trên. Ở đây cần làm rõ mối quan hệ nhân quả của hành vi dẫn đến hậu quả của, nếu toàn bộ 95 hợp đồng tín dụng trên đều có hiệu lực pháp luật theo như khẳng định từ phía ngân hàng thì rõ ràng Vi Nghĩa Hà không có hành vi chiếm đoạt tài sản và các cơ quan tố tụng đang loại những hồ sơ do Hà lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tiền ra để ngân hàng VIB đi đòi người dân (trường hợp 46 hồ sơ tín dụng được chuyển cho ngân hàng để xử lý dân sự).

Như vậy Hà có một nghĩa vụ nhưng phải gánh đến 2 trách nhiệm: trách nhiệm hình sự và dân sự (bồi thường). Bị cáo đã đang phải chịu trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng của 46 hồ sơ kia đang bị chuyển sang xử lý dân sự. Nói cách khác: thay vì nhận trách nhiệm về mình thì ngân hàng lại tố cáo Hà, nhằm đẩy trách nhiệm hoàn toàn cho Hà và trốn tránh trách nhiệm pháp nhân của ngân hàng, đẩy người dân đến chỗ phải gánh chịu hoàn toàn hậu quả do lỗi của chính người có trách nhiệm của ngân hàng gây ra

Ngoài ra, việc chia nhỏ vụ án thành 2 giai đoạn để xử (lần đầu xử 12 hồ sơ, lần 2 xử 37 hồ sơ tiếp theo) mà TAND tỉnh Thái Nguyên đang làm cũng là một việc chưa có tiền lệ, để lại nhiều thắc mắc đối với người dân.

Vụ án Vi Nghĩa Hà và đồng bọn được coi là một vụ án đình đám vì có số lượng hồ sơ tín dụng giả mạo lớn và số nạn nhân "khủng". Dư luận đặt câu hỏi: Không biết bộ máy tổ chức của ngân hàng này như thế nào mà chỉ trong vòng 2 năm, một giám đốc phòng giao dịch ở chi nhánh địa phương lại có khả năng lừa đảo số người lớn với giá trị lớn đến như vậy!

Được biết, phiên xử giai đoạn 2 của vụ án này sẽ được mở lại vào ngày 25/7 tới – theo thông báo chính thức của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin…

Minh Minh 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến