Bước ngoặt nhân dân tệ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
02/12/2015 11:33:35
ANTT.VN - Không có nhiều chuyên gia tài chính Việt Nam dành sự chú ý đúng mực cho sự kiện đồng Nhân Dân tệ được công nhận là đồng tiền dự trữ của IMF (SDR). Trong khi đó thì Trung Quốc đã mất không dưới 20 năm để đạt được kết quả này.

Tin liên quan

Giới tài chính thế giới đánh giá, sự kiện Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ của IMF đã “đánh dấu sự thay đổi lớn nhất của hệ thống tiền tệ quốc tế trong vòng 30 năm qua”. Nhưng tại Việt Nam, thì vẫn có chuyên gia nhận xét, việc nhân dân tệ được “ở” trong rổ tiền dự trữ của IMF là “chỉ mang tính biểu tượng”.

IMF công nhận Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới

Điều này được giải thích bằng lập luận khá cục bộ, rằng chỉ kinh tế Trung Quốc, EU và Mỹ được hưởng lợi nhiều khi nhân dân tệ vào SDR. Cụ thể là nó sẽ giúp cho hoạt động thanh toán và rủi ro chênh lệch tỷ giá của đồng tiền này với đồng tiền của các khu vực trên được hạn chế.

Chẳng hạn, khối EU có giao dịch thương mại lớn với Trung Quốc sẽ được hưởng lợi ích này. Tương tự là quan hệ thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ ổn định hơn, hiệu quả hơn nhờ được cân bằng bởi hai đồng tiền mạnh là USD và nhân dân tệ. Tác động của việc nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế đã được “nhìn” chủ yếu qua lăng kính kinh tế Trung Quốc và thế giới theo cách ấy. Và vô hình chung che khuất với những tác động tới kinh tế Việt Nam.

Về nguyên tắc, việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ dường như sẽ có lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc. Thay vì giao thương giữa doanh nghiệp hai nước phải quy đổi qua đồng tiền trung gian (thường là USD) với các đặc trưng rủi ro về tỷ giá của đồng tiền ấy. Giờ hoạt động này có cơ hội có thể thực hiện trực tiếp bằng nhân dân tệ, nếu được chính phủ hai nước chấp thuận. Bớt được sự lệ thuộc vào tỷ giá tham chiếu của đồng tiền thứ 3 cũng có nghĩa là giảm được phần lớn rủi ro từ tỷ giá trong giao dịch quốc tế.

Đây cũng chính là mong muốn từ lâu của Trung Quốc.  Liên tục nhiều năm,  nước này thường  xuyên đề nghị được thanh toán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ trong quan hệ giao thương hai nước. Gần nhất, tháng 1/2015, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã đề nghị cho thanh toán nhân dân tệ trực tiếp trong các giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước ở Việt Nam.

Nếu đề nghị này được chấp thuận, trong khi tỷ giá nhân dân tệ luôn có xu hướng được can thiệp bằng biện pháp hành chính để ổn định, thì trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng đẩy mạnh vay mượn bằng đồng nhân dân tệ để giảm thiểu áp lực rủi ro tỷ giá lên tổng nợ cũng như giảm chi phí thanh toán ngoại tệ chi trả cho ngân hàng. Nói cách khác, với doanh nghiệp Việt, hay thực tế là nền kinh tế Việt Nam, nếu giảm được phụ thuộc vào USD cũng đồng nghĩa tăng phụ thuộc vào nhân dân tệ.

Thực tế nữa, là suốt nhiều năm Việt Nam luôn gia tăng nhập siêu ở mức độ rất lớn từ Trung Quốc, đặc biệt là nguyên phụ liệu sản xuất và hàng tiêu dùng. Do thế, cũng không quá khó để hình dung áp lực và xu hướng phải sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán của Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên, chứ không “có cửa” cân bằng, hoặc giảm.

Công bằng nhận xét, trong nhiều năm, dù nhập siêu rất lớn và thường xuyên vay ODA từ Trung Quốc và thế giới, Việt Nam đã chủ động chống lại xu hướng nhân dân tệ hóa, cũng như xu hướng USD hóa nền kinh tế. Cho đến nay nỗ lực này vẫn tiếp tục, nhưng khi CNY đã thành đồng tiền dự trữ quốc tế, thì nỗ lực của Việt Nam sẽ khó có thể kéo dài.

Trong tương lai gần, Trung Quốc đương nhiên đẩy mạnh hơn nỗ lực hiện thực hoá tham vọng quốc tế hoá đồng nhân dân tệ của mình.  Biện pháp đầu tiên và căn bản nhất sẽ là phát hành trái phiếu quốc tế bằng CNY. Lãi suất cam kết của Trung Quốc sẽ phải được đẩy cao, để hấp dẫn nhu cầu dự trữ bằng nhân dân tệ của nhà đầu tư quốc tế. Điều này cũng đồng nghĩa là hút bớt đi một phần vốn rất lớn dành cho việc mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia khác. Có nghĩa, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác sẽ chịu áp lực lớn về lãi suất đi vay và trả nợ quốc tế do tác động của quốc tế hoá đồng nhân dân tệ.

Khi vay mượn bằng ngoại tệ khác ngày càng khó khăn và đắt đỏ hơn, xu hướng vay nhân dân tệ sẽ tăng lên. Trong tình thế ấy, việc phải mở cửa thị trường nội địa cho nhân dân tệ được thanh toán trực tiếp dường như sẽ trở thành một điều kiện dễ được đáp ứng. Nói cách khác, là nguy cơ lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên rõ nét.

Quốc Dũng

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến