Tin liên quan
Nằm ở phía Đông thành phố Giang Âm, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, làng Hoa Tây (Huaxi) được mệnh danh là “ngôi làng giàu nhất Trung Quốc”.
Đi lên từ quyết tâm biến đổi một vùng quê nghèo trở thành một cộng đồng dân cư hiện đại theo mô hình xã hội chủ nghĩa, đến nay làng Hoa Tây với khoảng 2.000 công dân đã trở thành một ngôi làng theo mô hình xã hội chủ nghĩa được nhiều người ước đến.
Chào mừng bạn đến với Hoa Tây – ngôi làng được mệnh danh là ngôi làng giàu nhất Trung Quốc.
“Thiên hạ đệ nhất làng” này lại có diện tích rất nhỏ, chỉ với tổng diện tích là 240 mẫu Anh (khoảng 97 hecta) – tương đương gấp hơn hai lần thành phố Vatican.
Chỉ với 600 dân vào năm 1950, ngôi làng nông nghiệp này đã “thay da đổi thịt” nhờ quyết tâm của ông Ngô Nhân Bảo, một cựu bí thư Đảng ủy làng Hoa Tây.
Ông đã thành lập 12 doanh nghiệp trong làng với đầy đủ các ngành nghề từ dệt may cho đến thép. Thậm chí, năm 1998, làng Hoa Tây đã có mặt trên sàn chứng khoán Trung Quốc. Tại đám tang của ông vào tháng 3/2013, ông đã được người dân tại đây đưa tiễn với đoàn 20 chiếc xe tang lễ cùng máy bay trực thăng.
Sau khi qua đời, con trai thứ tư của ông – Ngô Hiệp Ân trong tang lễ của cha mình đã quyết tâm “Sẽ biến Hoa Tây trở thành một ngôi làng thực sự độc đáo, một Shangri-La đặc biệt”.
Với 2.000 “công dân đăng ký”, mỗi người sống tại đây đều được “phát” cho một căn biệt thự và sở hữu những siêu xe sang trọng. Với mô hình làng xã hội chủ nghĩa, người dân tại đây được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục phổ thông … hoàn toàn miễn phí. Kèm đó, mỗi người dân ở Hoa Tây đều có ít nhất 250.000 USD trong tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, tại Hoa Tây, họ buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc xã hội. Cờ bạc và ma túy đều bị nghiêm cấm, không có các quán bar, câu lạc bộ, quán cà phê Internet hay quán karaoke. Ngôi làng được thiết kế để mọi người làm việc và sau đó trở về nhà mà không có các tụ điểm “chơi đêm”.
Người ta nói rằng nếu bạn rời khỏi Hoa Tây, bạn sẽ mất tất cả mọi thứ. “Thậm chí là rất giàu thì họ cũng không được lấy tài sản cá nhân gì đi nếu họ quyết định rời làng, vì ở đây mọi tài sản thuộc về dân làng”.
Đối với những người ở lại, các tiện nghi sang trọng đều được “phát đều”. “Vì lợi ích lớn hơn của làng”, mọi người ở đây đều làm việc bảy ngày một tuần mà không có ngày nghỉ, chủ yếu trong các nhà máy công nghiệp.
Khoảng một phần ba thu nhập của làng đến từ các ngành công nghiệp sắt và thép. Hoa Tây nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ và Brazil, sau đó xuất khẩu sản phẩm của mình tới hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Phần còn lại đến từ các nhà máy dệt, nơi làm việc chủ yếu của các phụ nữ. Ngôi làng hiện sở hữu 80 nhà máy và ngày mở rộng.
Ngoài các “công dân đăng ký”, tại Hoa Tây còn có hàng chục ngàn người lao động làm việc tại các nhà máy thép và dệt may. Họ không được hưởng những tiện ích xa hoa tuyệt với như các công dân “xịn”.
Với ước tính khoảng 2 triệu khách du lịch mỗi năm, Hoa Tây hy vọng du lịch sẽ là ngành công nghiệp tiếp theo bùng nổ. Ngôi làng với mô hình “làng xã hội chủ nghĩa” này hiện thu hút được rất nhiều sự tò mò của khách du lịch.
Vì phải làm việc cả 7 ngày, không có nhiều thời gian đi du lịch nên ông Ngô đã “đưa thế giới” về với Hoa Tây.
Đến với “Công viên Thế giới” ở Hoa Tây, bạn có thể được chiêm ngưỡng đủ các bản sao của các công trình nổi tiếng trên thế giới, từ Tử Cấm Thành của Bắc Kinh, Vạn Lý Trường Thành cho đến cả Khải Hoàn Môn của Pháp.
Và có lẽ một trong những phần hấp dẫn nhất với du khách khi đến Hoa Tây là tòa nhà chọc trời cao gần 330m – tòa nhà tòa nhà cao thứ 15 tại Trung Quốc. Longxi International Hotel với 74 tầng được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập làng. Ước tính chi phí để xây dựng tòa nhà này lên đến 470 triệu USD.
Bên trong là khách sạn sang trọng với các chi tiết nội thất được thiết kế tinh xảo từ các vật liệu cao cấp như vàng, đá cẩm thạch… Từ đây, bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp của toàn thành phố.
Thậm chí nơi đây còn được biết đến với một chú bò bằng vàng nặng đến 1 tấn tại tầng thứ 60 của tòa tháp.
Các phòng ở các tầng cao nhất được Hoa Tây dùng để khai thác du lịch. “Không một ngôi làng nào khác có được, và 3.000 người có thể làm việc tại đó. Khoảng thời gian năm năm tới là rất quan trọng, chúng ta sẽ đi “từ làng ra phố””.
Để du khách không phải “mỏi chân” khi đi tham quan, Hoa Tây đã trang bị một hệ thống máy bay trực thăng để phục vụ du lịch. Những chiếc máy bay này được sử dụng để đưa khách du lịch đi tham quan toàn cảnh.
Với kinh tế phát triển và một lối sống kiểu mới, ngôi làng độc đáo này hy vọng một ngày sẽ phát triển trở thành một thành phố.
Thanh Hương (Theo BusinessInsider)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy