Cả nước mừng cưới, viếng tang nhân viên điện lực??
19/05/2016 14:33:09
ANTT.VN – Bộ Tài chính vừa công bố, lấy ý kiến về dự thảo nghị định “Ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam” (EVN), trong đó có một số khoản phúc lợi cho nhân viên EVN dự định hạch toán vào giá thành bán điện.
Tin liên quan

Ảnh minh họa

Theo đó tại Điểm s, Khoản 1, Điều 26 của dự thảo nghị định nói trên quy định:

“s) Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN”.

Điều 26 là “Chi phí hoạt động kinh doanh”, còn Khoản 1 là “Chi phí sản xuất kinh doanh”. Như vậy, theo nguyên tắc kế toán, các khoản này sẽ được tính vào giá thành thành sản xuất kinh doanh của ngành điện.

Tức là người tiêu thụ điện phải trả tất các thứ đó cộng với các khoản chi phí khác để làm nên 19 khoản trong giá thành sản xuất kinh doanh. Và như thế, nếu dự thảo nghị định này được thông qua thì từ nay cả nước sẽ phải đi mừng cưới, viếng đám ma nhân viên điện lực và đóng tiền khen thưởng con cái họ (!)

Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích: trong hoạt động của các doanh nghiệp thường có nhiều loại quỹ như quỹ lương, quỹ bảo hiểm y tế hay quỹ công đoàn…, ít khi người ta tính các khoản đó vào chi phí kinh doanh.

“Hơn nữa, các khoản hiếu, hỷ, nghỉ mát…là chi phí đột xuất, nếu gộp cả vào chi phí kinh doanh thì tính kiểu gì?” - ông Ánh đặt vấn đề.

Trao đổi với ANTT.VN về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức (Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng – Hiệp hội Ngân hàng VN, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Cty Luật BASICO) cho biết

Luật sư Trương Thanh Đức

“Các luật và nghị định về thuế từ trước đến nay chỉ quy định mang tính nguyên tắc, tương đối chung chung và chỉ nêu một số đầu khoản mục được và không được tính vào chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn lại thì chủ yếu là dựa vào các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Mấy chục năm trước, các khoản trên không được đưa vào chi phí, mà mới được bổ sung vào Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10-10-2014 sửa đổi quy định tại khoản 2.31, Điều 2, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18-6-2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu được chấp nhận, thì lần đầu tiên những khoản chi trên được ghi nhận trong một Nghị định của Chính phủ.

Đối với DN ngoài nhà nước thì quy định trên là hợp lý, vì thực chất là những khoản chi phí cho người lao động cũng gián tiếp phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh. Nhưng đối với DN nhà nước thì có phần bất hợp lý, vì từ trước đến nay được lấy từ quỹ phúc lợi, do Nhà nước đã quy định để lại tương đối lớn cho doanh nghiệp. Tức là với tư cách chủ sở hữu, Nhà nước đã thu lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước ít hơn..

Vì vậy, EVN nói riêng và các DNNN nói chung cần phải giảm bớt quỹ phúc lợi, khi đã được công nhận các khoản đó vào chi phí. Có như vậy mới tạo ra sự bình đẳng, hợp lý giữa DNNN và ngoài nhà nước và tránh thất thu thuế từ lợi nhuận của DN".

Trước đó, ngành điện cũng vừa công bố giá bán buôn điện tăng trung bình 2-5%.

Minh Minh
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến