Chú trọng hướng dẫn biện pháp chống rét cho hộ chăn nuôi
Người dân giữ ấm cho gia súc tại bản Pha Đin, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (Điện Biên). Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, tỉnh Thái Nguyên hiện có tổng đàn trâu hơn 57.000 con, đàn bò hơn 44.000 con, đàn lợn trên 680.000 con, đàn gia cầm 11,3 triệu con... Để chủ động đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, bảo vệ sức khỏe, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Nguyên đã yêu cầu phòng nông nghiệp, phòng kinh tế, trạm khuyến nông, trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành, thị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Cấp ủy, chính quyền cơ sở, các trưởng thôn, xóm phối hợp với các đoàn thể tăng cường bám sát địa bàn áp dụng các biện pháp phòng, chống đói rét cho vật nuôi; kiểm tra, rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin cho đàn gia súc, nhất là tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng.
Đối với đàn gia cầm, cơ quan thú y hướng dẫn các trang trại gia trại chăn nuôi quy mô lớn gia cố chuồng trại, tăng cường thêm hệ thống nhiệt chống rét, tập trung tiêm phòng các bệnh dễ phát sinh khi trời trở lạnh như: cúm gia cầm, gumboro, dịch tả vịt…; đồng thời tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm xử lý kịp thời, hiệu quả khi có dịch xảy ra...
Do làm tốt việc phòng chống rét cho vật nuôi nên trong các ngày rét đậm, rét hại vừa qua Thái Nguyên chưa ghi nhận bất kỳ con trâu, bò nào chết rét, nhất là tại các vùng chăn nuôi đại gia súc trọng điểm như: Phú Bình, Phổ Yên, Đại Từ, Định Hóa... Dự báo đợt rét đậm, rét hại tại Thái Nguyên còn kéo dài đến khoảng ngày 14/1.
Tại Thanh Hóa những ngày này, nhiệt độ cũng xuống thấp, các đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày liên tục xảy ra. Để phòng chống đói rét và giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con phương thức chủ động đối phó nhất là tại các huyện vùng cao.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Phòng Nông nghiệp các địa phương cử cán bộ bám sát địa bàn, hướng dẫn người chăn nuôi vỗ béo trâu, bò già để bán trước khi vào đợt rét.
Mặt khác, cập nhật liên tục diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng tới người chăn nuôi biết, chủ động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi tận dụng mọi nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương (rơm, rạ, cây ngô, cây đậu, cây lạc khi thu hoạch...) để làm thức ăn cho trâu bò; tăng cường chế biến, bảo quản và dự trữ thức ăn thô xanh. Các địa phương vận động và yêu cầu mỗi gia đình chăn nuôi trâu bò phải có ít nhất một cây rơm, rạ đảm bảo cho ăn bình quân 5-7 kg/con/ngày trong những ngày giá rét.
Đặc biệt, Sở cũng đặc biệt lưu ý các địa phương chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, mở rộng diện tích trồng cỏ; tăng cường chăm sóc các loại cây thức ăn chăn nuôi để bổ sung nguồn thức ăn thô xanh; trồng các giống cỏ có khả năng chịu hạn, chịu rét, chịu sương muối tốt như: VA06, Mulato, Guatemala, cỏ Voi…
Cử đoàn công tác trực tiếp đôn đốc công tác ứng phó
Người dân đốt lửa sưởi ấm cho gia súc tại bản Phai Đin, xã Thanh Chăn (Điện Biên). Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN
Khảo sát và ghi nhận của phóng viên trong các ngày 8/1 và 9/1, tại các xã vùng biên giới thuộc lòng chảo huyện Điện Biên như: Thanh Chăn, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Yên… nhiệt độ vào buổi trưa dao động từ 9 - 12 độ C, đặc biệt vào buổi tối và sáng sớm nhiệt độ giảm sâu xuống còn 5 độ C.
Những người dân chăn nuôi gia súc đã chủ động nhốt trâu, bò, dê... ở chuồng, hoặc gầm nhà sàn chứ không thả rông ra đồng, bãi, mé rừng. Để giữ ấm cho gia súc, người dân cũng dùng chăn, bạt hay áo quần cũ quấn cơ thể cho trâu bò; dự trữ thức ăn như cỏ, rơm; chủ động lót rơm rạ ở chuồng, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò; pha muối vào nước uống để tăng sức đề kháng cho gia súc.
Chị Lò Thị Kim, bản Phai Đin, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên) hiện nuôi 5 con trâu. Trong những ngày này, chị Kim cũng như nhiều hộ gia đình trong bản đã chủ động nhốt trâu ở nhà để tránh thiệt hại do thời tiết gây ra.
Cũng như gia đình chị Kim, anh Lò Văn Luấn, bản Phai Đin, xã Thanh Chăn đã có nhiều biện pháp để chăm sóc cho trâu bò trong những ngày giá rét. Trời rét anh chỉ nhốt trâu bò trong chuồng không cho ra ngoài đồng. Trong nhà có chăn màn, quần áo hỏng thì quấn lên thân cho trâu bò để giữ ấm thân thể. Ngoài ra cũng phải đốt lửa sưởi ấm cho trâu bò vào lúc sáng sớm khi nhiệt độ giảm sâu.
Ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cho biết, xã hiện có gần 1.000 con gia súc (trâu, bò). Trước diễn biến của thời tiết cực đoan, chính quyền xã đã chỉ đạo các thôn bản tuyên truyền với người dân không chăn thả gia súc trong thời tiết rét đậm, rét hại. Cán bộ xã và các thôn bản cũng đã hướng dẫn bà con các biện pháp chăm sóc cho gia súc trong thời tiết giá rét như: phải gia cố, che chắn chuồng trại đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa; tích trữ thức ăn khô để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc; tăng cường vệ sinh chuồng trại tránh dịch bệnh cho gia súc; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Điện Biên, năm 2017 tổng đàn gia súc của tỉnh đạt hơn 580.000 con. Phần lớn hộ chăn nuôi tại các xã vùng lòng chảo và trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố đã dự trữ thức ăn, chủ động các biện pháp chống rét cho vật nuôi. Tuy nhiên, ở các xã vùng cao, nhiều hộ vẫn chưa thực hiện tốt việc việc dự trữ thức ăn cho trâu bò, che chắn chuồng trại, thực hiện công tác vệ sinh chuồng nuôi còn kém, một số ít hộ vẫn còn tình trạng thả rông gia súc trên rừng, đồi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã có văn bản gửi các địa phương, hướng dẫn về chống đói, rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Để việc phòng, chống rét cho gia súc đảm bảo hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên cũng đã đề nghị các địa phương tiến hành cử đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét và dịch bệnh, đặc biệt chú trọng các xã vùng cao, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét và dịch bệnh.
Giao trách nhiệm cho chính quyền xã và người đứng đầu thôn bản phối hợp với các đoàn thể huy động nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng các biện pháp chống rét, chống đói và dịch bệnh cho vật nuôi. Chủ động phương án hỗ trợ kịp thời cho việc phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn.
Theo TTXVN
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy