Dòng sự kiện:
Các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu có hướng đi khác biệt
20/06/2023 09:10:28
Từ việc tạm dừng tăng lãi suất tới nới lỏng, các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đã có những động thái trái chiều về chính sách tiền tệ trong tuần qua.

Theo CNBC, thay vì đồng loạt thắt chặt chính sách tiền tệ như thời gian trước, các cơ quan quản lý của nhiều nước gần đây đã chọn những hướng đi khác nhau.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất vào ngày 15/6 với triển vọng lạm phát xấu đi, khiến nhà đầu tư dự báo thêm nhiều lần tăng lãi suất hơn trong khu vực đồng tiền chung này.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại quyết định tạm dừng tăng lãi suất. Ngay trước đó vài ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất cho vay trung hạn để kích thích nền kinh tế. Tại Nhật Bản, nơi lạm phát tiếp tục vượt mục tiêu, ngân hàng trung ương vẫn giữ vững chính sách siêu nới lỏng.

Các đồng USD, nhân dân tệ, yen và euro. Ảnh: Ullstein Bild.

Một sự phân kỳ mới

Nhận xét về điều này, ông Carsten Brzeski - Giám đốc vĩ mô toàn cầu của ngân hàng ING - cho biết: "Những gì các ngân hàng trung ương đang làm trong thời gian này đã cho thấy một sự phân kỳ mới về cách các nước tiếp cận chính sách tiền tệ, đồng thời thể hiện tình cảnh nền kinh tế toàn cầu không còn đồng bộ với những chu kỳ rất khác nhau".

Ở châu Âu, lạm phát đã giảm nhưng vẫn cao hơn mục tiêu của ECB. Trường hợp này tương tự tại Vương quốc Anh, với Ngân hàng trung ương Anh (BOA) dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tuần tới sau khi công bố dữ liệu lao động rất tích cực.

Còn về phía Fed, dù cơ quan này quyết định tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6 nhưng cho biết sẽ còn 2 lần tăng lãi suất trong năm nay, đồng nghĩa với việc chu kỳ tăng lãi suất của Fed chưa hoàn tất.

Tuy nhiên, bối cảnh tại châu Á lại khác. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang trì trệ, với nhu cầu trong và ngoài nước đều suy yếu, khiến cho các nhà hoạch định chính sách phải nới lỏng để kích thích hoạt động kinh tế.

Còn Nhật Bản - quốc gia trải qua nhiều năm giảm phát, ngân hàng trung ương cho biết lạm phát dự kiến giảm vào cuối năm nay.

"Mỗi ngân hàng trung ương đều đang cố gắng giải quyết vấn đề cho nền kinh tế của riêng mình, bao gồm xem xét thay đổi trong điều kiện tài chính áp đặt từ nước ngoài," ông Erik Nielsen, cố vấn kinh tế trưởng tại UniCredit cho biết.

Sự tác động đến thị trường

Theo Reuters, nhìn chung các động thái nói trên đều tác động nhiều đến thị trường.

Vào ngày 16/6, tỷ giá EUR/JPY đã chạm mức cao nhất trong 15 năm nhờ phân kỳ chính sách tiền tệ giữa hai bên. Cùng lúc đó, tỷ giá EUR/USD cũng đã vượt qua ngưỡng 1,09 sau quyết định tăng lãi suất của ECB.

Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 2 năm chạm mức cao nhất trong 3 tháng vừa qua, do nhà đầu tư kỳ vọng rằng ECB sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt trong ngắn hạn.

"Sự phân kỳ này đang dần trở nên hợp lý. Trước đây, các ngân hàng trung ương lớn còn rất nhiều dư địa thắt chặt, nhưng bây giờ, việc họ ở các giai đoạn khác nhau sẽ dẫn đến những quyết định khác nhau phải được đưa ra, và điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư", ông Konstantin Veit, nhà quản lý danh mục tại PIMCO cho biết.

Động thái tạm dừng tăng lãi suất của Fed gây ra nhiều tranh cãi giữa giới chuyên môn. Ảnh: TTXNV.

Trong khi đó, khi được hỏi cảm nhận về động thái tạm dừng của Fed, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã trả lời: "Chúng tôi không nghĩ đến việc tạm dừng. Chúng tôi chưa đến đích," bà nói và cảnh báo một lần tăng lãi suất nữa vào tháng 7.

Đối với một số nhà kinh tế, sớm muộn gì ECB cũng phải đối mặt với tình huống tương tự như Fed. "Fed đang đi trước ECB và kinh tế Mỹ cũng đi trước Eurozone vài quý. Điều này có nghĩa là, muộn nhất sau cuộc họp tháng 9, ECB cũng sẽ đối mặt với vấn đề tạm dừng hay không," ông Brzeski cho hay.

Tác giả: Hằng Nga

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến