Dòng sự kiện:
Các NHTW thế giới còn gì để đối phó với suy thoái?
22/01/2019 21:00:45
Nếu một cuộc suy thoái nghiêm trọng sắp diễn ra thì các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn vì 'đạn' không còn nhiều.

Các NHTW đã thực hiện các bước đi đầy kịch tính và không chính thống để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Cụ thể, họ cắt giảm lãi suất, đồng thời chi ra hàng ngàn tỷ USD để mua trái phiếu trong nhiều năm sau đó nhằm vực dậy nền kinh tế đang ngập lặn trong khủng hoảng.

10 năm sau, các NHTW trên thế giới đã bắt đầu đảo ngược quy trình trên và gây ra nhiều biến động trên thị trường tài chính.

Lãi suất ở các nền kinh tế phát triển vẫn còn cực kỳ thấp, thậm chí ở một số nơi lãi suất còn âm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã dần giảm bớt số dư trên bảng cân đối kế toán, nhưng các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Nhật Bản vẫn chưa làm vậy.

Câu hỏi hiện nay là liệu các NHTW có đợi chờ quá lâu để nâng lãi suất về mức bình thường hay không và từ đó, khiến họ rơi vào tình thế chưa sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng kế tiếp.

“Nếu có suy thoái, tôi nghĩ mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn so với bình thường”, Kenneth Rogoff, Giáo sư tại Đại học Harvard và từng là Chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho hay. “Việc đối phó với khủng hoảng sẽ khó hơn”.

Chưa dừng lại ở đó, tình hình chính trị còn làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn nữa. Ở các quốc gia như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, họ phải đối mặt với nguy cơ bị can thiệp chính trị, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Thống đốc BoJ, Haruhiko Kuroda, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, và Chủ tịch ECB, Mario Draghi (từ trái qua phải)

“Lốp xe bị nổ”

Triển vọng về nền kinh tế toàn cầu cũng trở nên u ám hơn trong vài tháng gần đây khi căng thẳng thương mại kéo giảm tăng trưởng ở các quốc gia như Trung Quốc và Đức.

Quỹ IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2019. Ngoài ra, các chuyên gia còn cảnh báo về những tác động tiêu cực từ các đợt nâng lãi suất tại Mỹ, xung đột thương mại và các rủi ro địa chính trị như Brexit.

Chẳng ai kỳ vọng sự tăng trưởng đồng bộ trên toàn cầu sẽ còn mãi. Nhưng, các động thái từ các ngân hàng trung ương trong 10 năm vừa qua có thể đẩy họ vào thế thiếu công cụ để đối phó với khả năng kinh tế giảm tốc mạnh.

“Hãy nghĩ về cảnh chiếc xe đi qua một con đường gập ghềnh mà không có lốp dự phòng. Bạn thực sự không muốn bị nổ lốp xe đâu”, Mohamed El-Erian, Trưởng cố vấn kinh tế tại Allianz, cho hay.

El-Erian cho biết, Fed đang trong trạng thái tốt hơn so với nhiều ngân hàng trung ương khác nhờ đã nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018. Thế nhưng, lãi suất chuẩn của Mỹ hiện nằm trong phạm vi 2.25-2.5% và vẫn còn ở mức thấp trong lịch sử, giới hạn khả năng cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng. “Ngay cả khi Fed ít linh hoạt hơn trong quá khứ”, ông cho hay.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có lẽ còn tệ hơn. Lãi suất cho vay chủ chốt của ECB ở mức 0%, còn lãi suất tiền gửi của họ là -0.4%. Ở Nhật Bản, lãi suất ngắn hạn đang trong phạm vi âm kể từ năm 2016.

“Họ rất bị giới hạn về những gì có thể làm”, Rogoff cho hay.

Hết đạn

Sau đó là động thái chưa có tiền tệ của các NHTW, mua vào hàng ngàn tỷ USD trái phiếu sau khủng hoảng để kích thích tăng trưởng – một chính sách được biết tới là nới lỏng định lượng (QE).

Mỹ chỉ bắt đầu thu hẹp số dư trên bảng cân đối kế toán 4.5 ngàn tỷ USD trong tháng 10/2017 và vẫn còn giữ gần 4 ngàn tỷ USD chứng khoán nợ.

Mặc dù về mặt kỹ thuật, Fed có thể bắt đầu thực hiện QE một lần nữa, El-Erian cho biết chương trình này “có thể sẽ ít hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững”.

Châu Âu chỉ mới kết thúc chương trình QE trong tháng 12/2018, sau khi tạo ra 2.6 ngàn tỷ Euro (3 ngàn tỷ USD) tiền mới. Tổng lượng trái phiếu do BoJ nắm giữ đã chạm mức 554 ngàn tỷ Yên (5.1 ngàn tỷ USD) trong năm 2018, khi họ vẫn trong chế độ kích thích dưới thời Thống đốc Haruhiko Kuroda. Lượng tài sản đó thậm chí còn cao hơn cả GDP Nhật Bản.

Đơn giản hơn, hệ thống ngân hàng trung ương đang “hết đạn”, theo Ed Yardeni, Chủ tịch của công ty cố vấn đầu tư Yardeni Research.

Chính trị rối rắm

Bên cạnh những điều kiện khó khăn trên là áp lực chính trị - vốn có thể gây khó khăn trong quá trình các NHTW làm giảm thiểu hoặc đối phó với tình trạng giảm tốc.

Trong tháng 12/2018, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đột nhiên từ chức sau khi chính quyền Thủ tướng Narendra Modi thúc giục ông kích thích kinh tế nhiều hơn trước các cuộc bầu cử.

Việc bổ nhiệm nhanh chóng một cựu quan chức Chính phủ để thay thế vị trí của ông càng làm dấy lên nỗi lo về chính trị.

Trước đó trong năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ bỗng rơi vào khủng hoảng sau khi NHTW từ chối nâng lãi suất bất chấp lạm phát tăng vọt, qua đó đẩy đồng Lira tụt dốc.

Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ông muốn kiểm soát việc điều tiết lãi suất - thứ ông gọi là "nguồn gốc của mọi tội lỗi".

Tại Mỹ, ông Trump liên tục công khai chỉ trích Chủ tịch FED Jerome Powell về việc tăng lãi suất. Ông thậm chí còn hỏi các cố vấn rằng mình có thẩm quyền để sa thải Powell hay không.

"Ngày càng có nhiều ví dụ cho thấy sự độc lập của các ngân hàng trung ương gặp trở ngại, đặc biệt là ở các quốc gia có lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tuý", Yardeni nói.

Theo giới phân tích, nghi vấn về sự độc lập của các ngân hàng trung ương, cùng với việc thiếu đi sức mạnh vũ khí cần thiết, đồng nghĩa rằng các cơ quan đầu não tài chính này có thể mất khả năng giải cứu nền kinh tế khỏi suy thoái.

Theo FILI

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến