Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm: “Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn?” diễn ra vào sáng 10/11, các đại diện từ Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao (NG), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đặc biệt quan tâm tới hai đề xuất trong quý I/2022 và quý III/2022 về việc cách ly tập trung và hộ chiếu vắc-xin.
Cách ly tập trung 7 ngày liệu có thực sự an toàn hay chưa?
Theo ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ở giai đoạn mở cửa từng bước vào đầu năm 2022, khi nhập cảnh vào Việt Nam, hành khách phải tiêm đủ liều vắc-xin và thực hiện cách ly tập trung 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19.
Tương lai, từ kinh nghiệm thực tiễn, chúng ta có thể tính toán đánh giá có thể rút ngắn thời gian hoặc không cách ly với người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hoặc F0 đã khỏi bệnh không quá 6 tháng.
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Ảnh: Báo Giao Thông
Vậy, liệu cách ly tập trung 7 ngày đã đủ điều kiện an toàn hay chưa? Từ góc nhìn từ chuyên gia y tế, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, nếu đã tiêm vắc-xin và xét nghiệm âm tính là tương đối đối an toàn với người xung quanh.
Từ đó, ông cho rằng, với điều kiện trên, thì hành khách có thể không cần cách ly 7 ngày. Tuy nhiên, để mở cửa hàng không, cần chuẩn bị thêm cho ngành y tế về pháp lý, hướng dẫn cũng như chuẩn bị về cơ sở vật chất điều trị.
Hơn nữa, quy định này là quá thận trọng so với các nước, trong khi Việt Nam đang có tỉ lệ tiêm chủng hiện là cao. Nên việc chúng ta kéo dài thời gian thí điểm cách ly 7 ngày sẽ gây cản trở, ảnh hưởng đến du lịch, khách hàng, cạnh tranh quốc tế.
“Các nước xung quanh chúng ta đều đã mở cửa và có quy định về y tế nhẹ nhàng hơn”, ông nói thêm.
Ví dụ như Thái Lan, chỉ có yêu cầu xét nghiệm 72 tiếng trước đó và xét nghiệm sau khi đến Thái Lan, có hộ chiếu vắc-xin. Như vậy, khách đến Thái Lan chỉ nghỉ một đêm ở khách sạn, hôm sau có PCR âm tính là có thể đi khắp nơi.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế
Trước đây, chúng ta theo đuổi quan điểm Zero Covid (không Covid), không có ca nào. Nhưng quan điểm này hiện đã thay đổi hoàn toàn. Chúng ta phải khẳng định, dịch Covid-19 đã lây lan trong cộng đồng. Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm dịch.
Mặt khác, khi đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta từng quan tâm họ lây dịch ra Việt Nam, nhưng giờ nên quan tâm tới việc điều trị cho họ như thế nào nếu họ bị nhiễm Covid-19 từ Việt Nam.
Từ đó, chúng ta phải có hướng dẫn, nếu người nước ngoài vào, nhiễm dịch thì điều trị phải trả tiền như thế nào, kinh phí như ra sao? Như Thái Lan quy định, người vào Thái Lan phải có bảo hiểm 50 nghìn USD, Singapore là 100 nghìn USD.
Ông cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần có sự thống nhất giữa Bộ GTVT, Bộ VHTTDL và Bộ Y tế… để có có quy định cụ thể hơn đối với khách nhập cảnh.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Hiện nay các đề xuất của Cục Hàng không với Bộ GTVT để báo cáo Chính phủ cũng dựa trên nền tảng hướng dẫn hiện nay, chúng tôi hy vọng như quan điểm của GS Nga có thể rút ngắn hơn thời gian cách ly”.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL: “Liên quan việc cách ly, ở góc độ du lịch, chúng tôi đã có những chương trình trọn gói, thiết lập “bong bóng” để du khách nghỉ ngơi trong khuôn khổ đó”.
Đại diện Vietnam Airlines cho rằng, chính sách 7 ngày cách ly tập trung, cách ly tại nhà 7 ngày chỉ thu hút khách hồi hương, còn nếu muốn thu hút khách du lịch, thì phải thay đổi chính sách cách ly.
Về chính sách cách ly, Vietnam Airlines đề xuất bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những thị trường được đánh giá kiểm soát tốt, tỷ lệ dân cư đã tiêm vaccine cao, khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm Covid-19 âm tính trước và sau chuyến bay thì có thể cách ly hoặc cách ly 1 ngày như GS Huy Nga có nêu.
“Hộ chiếu vắc-xin” sẽ đóng vai trò ra sao?
Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2 triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách có “hộ chiếu vắc-xin” từ quý II/2022.
Ông Võ Huy Cường cho biết, hộ chiếu vắc-xin được phổ cập trong thời gian gần đây, các hãng hàng không, hành khách của hãng hàng không cũng phải biết về điều đó để thực hiện, để tạo thuận lợi cho di chuyển.
Giải thích về điều này, ông Trần Văn Phương - Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao chia sẻ: “Thông thường khi hoàn thành tiêm chủng vắc-xin Covid-19, chúng ta sẽ được cấp mẫu giấy chứng nhận và tờ giấy đó đang được hiểu như “hộ chiếu vắc-xin””.
Đây là thuật ngữ chung, là một giấy tờ hỗ trợ công dân có thể đi lại trong quá trình dịch bệnh mà cần di chuyển trên các chuyến bay quốc tế. Trong nhiều văn bản của Nhà nước, Chính phủ đều quy định, thống nhất với các đối tác đều đề cập đến thuật ngữ này với nghĩa như vậy.
Ông Trần Văn Phương - Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Hiện nay, đa số các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đều có mẫu hộ chiếu vắc-xin riêng, nhưng đều có chung mục đích là giảm các rào cản đi lại cho người dân. Chẳng hạn, người mang hộ chiếu vắc-xin có thể được giảm/miễn thời gian cách ly tập trung, giảm số lần xét nghiệm…
Với công dân Việt Nam, đặc biệt là du học sinh xuất cảnh ra nước ngoài, về cơ bản các nước đều tiếp nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam kèm theo một số điều kiện khác.
Ông cho biết thêm, hiện nay, để tạo điều kiện cho hoạt động trong và ngoài nước, các Bộ, ngành trên toàn quốc đang thống nhất một mẫu chung để giới thiệu, trao đổi với các nước.
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, ông Võ Huy Cường đề cập đến một điểm quan trọng: “Các nước trên thế giới hiện đang đồng thuận là giấy chứng nhận sức khoẻ kỹ thuật số để chứng nhận sức khoẻ của một người mang giấy đó đã tiêm đủ vắc xin hay chưa, hay là bệnh nhân đã khỏi bệnh, hoặc vì lý do nào đó không tiêm vắc-xin nhưng có xét nghiệm âm tính bằng tất cả loại xét nghiệm khác nhau”.
Hơn nữa, một loại chứng nhận khác mà ông nghĩ rằng y tế thế giới và các nước sẽ quan tâm là xét nghiệm kháng thể. Bất kể người ta có tiêm hay không tiêm, chỉ cần xét nghiệm kháng thể có hàm lượng kháng thể nhất định thì chứng tỏ người đó là an toàn để có thể đi lại.
Trong tương lai, hộ chiếu vắc-xin sẽ được áp dụng rộng rãi và đây là một phần mềm mà các nước tự xây dựng, mỗi nước một phần mềm. Ở Việt Nam hiện nay có sổ sức khoẻ điện tử nhưng mới có thông tin người tiêm 2 mũi, chưa có F0 khỏi bệnh, xét nghiệm âm tính hay có kháng thể.
Ông cũng hy vọng, trong giai đoạn tới, từ ngày 1/1/2022, chúng ta cơ bản thỏa thuận với nhà chức trách, các cơ quan liên quan để có thể thu xếp về tần suất, các điều kiện với khách di chuyển bằng đường hàng không từ Việt Nam đến các nước liên quan, kèm theo là điều kiện kinh tế.
Điều đó cần thời gian, cần thỏa thuận về hộ chiếu vắc-xin và rất quan trọng cho việc khởi động lại để đảm bảo an toàn, hiệu quả và bền vững khi nối lại các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy